Một ngày đẹp trời, cô con gái lớn Anh Sa 16 tuổi đứng trước bố và hỏi: “Bố ơi làm tình là gì?” – chắc hẳn những bố mẹ có con độ tuổi dậy thì sẽ đi từ sửng sốt đến lo lắng khi con đứng trước mặt mình và đặt ra câu hỏi vừa hóc búa vừa nhạy cảm này. Với ông bố đẻ toàn con gái - họa sĩ – nhà báo Hoàng A Sáng, bình tĩnh trước mọi câu hỏi của con là chìa khóa giải quyết vấn đề, đặc biệt là khi hai cô con gái Sa và Kiu bước vào tuổi dậy thì. Vốn sẵn năng khiếu kể chuyện, lại có cả một tuổi thơ chăn bò, ông bố A Sáng kể chuyện làm tình của bò đực và bò cái rồi chốt lại gọn lỏn “làm tình là như thế con ạ”, không quên nhắc nhở thêm, “con sau này cũng sinh con đẻ cái, nhưng là sau này chứ không phải bây giờ”. Không kè kè bên cạnh con cả ngày, thời gian hai con ở gần mẹ nhiều hơn là gần bố (vì mẹ làm việc tại chính ngôi trường hai con theo học), nhưng ông bố A Sáng nói với sự tự hào và có chút kiêu hãnh khi những việc quan trọng, những chuyện thầm kín khó chia sẻ với ai, thì hai cô con gái luôn tìm đến bố như chốn tin tưởng duy nhất. Sự gần gũi về mặt cảm xúc giữa bố và con gái bền chặt đến mức chỉ nhìn thoáng qua nét mặt, bố có thể đoán biết con đang gặp rắc rối hoặc chuyện không vui. “Mình cởi mở với con thì con mới cởi mở với mình”, anh A Sáng nói sau khi kể về chuyện con gái có những rung động đầu đời. “Con bé Anh Sa thích làm bánh, có đợt sáng nào cũng dậy sớm rồi làm bánh mang cho cậu bạn đó ăn. Mình tôn trọng cảm xúc của con, trân trọng những tình cảm đầu đời trong veo thuần khiết như thế. Vì thực ra ngày xưa, tuổi trẻ của bố mẹ nào chẳng vậy. Thi thoảng lại hỏi con ‘tình hình thế nào rồi’. Có hôm nhìn thấy vẻ mặt con bé buồn, biết ngay có chuyện không hay, hóa ra là thất tình. Bình tĩnh lắng nghe con và kể ngược lại câu chuyện ngày xưa bố cũng đau khổ thế nào khi bị bỏ rơi. Con bé nguôi dần rồi đến lúc quên béng chuyện đó như chưa từng xảy ra”. |
Anh A Sáng tự nhận mình là ông bố nhàn hạ, về nhà chỉ việc thảnh thơi uống nước, thưởng trà bởi việc nhà, nấu cơm, rửa bát đã có hai cô con gái lo. Sa (16 tuổi) và Kiu (12 tuổi) được chính bố A Sáng dạy cách đi chợ, nấu cơm, rửa bát, chi tiết đến mức làm thế nào để đi chợ với 100 nghìn đồng, nhà có khách cần mua thêm đồ ăn ra sao, các món ăn trong mâm cơm cần hài hòa thế nào. Cứ thế hai chị em Sa Kiu phân công nhau và bố mẹ nhàn thật. Không giấu diếm chuyện mình là người đàn ông gia trưởng, anh A Sáng cho biết trong gia đình anh có những nguyên tắc bất di bất dịch. Cô con gái lớn Anh Sa dù năm nay đã 16 tuổi nhưng vẫn chưa được dùng điện thoại thông minh, cũng không có facebook. Nếu muốn vào mạng con đều phải xin phép, không tự ý lấy và chỉ xem trong khung thời gian nhất định. Gia đình anh bao lâu nay cũng không có tivi, không lắp mạng Internet, vợ chồng thống nhất hạn chế dùng các thiết bị điện tử trước mặt con. Hai cô con gái Sa và Kiu thay vì dán mắt vào màn hình sẽ trồng cây, chăm sóc chó mèo và dành thời gian cho những đam mê riêng như viết văn, vẽ tranh, làm bánh... Mỗi đợt nghỉ hè, nếu Sa và Kiu muốn có tiền ăn sáng, tiền mua các vật dụng cá nhân, thì có thể “làm thuê” cho bố A Sáng: lau dọn xưởng vẽ của bố với “lương” 70 nghìn/ giờ/ hai người. Thống nhất lời nói và hành động, nhất quyết không lung lay, thỏa hiệp trước mọi kì kèo của hai cô con gái – đó là bí quyết khiến con nghe lời của ông bố họa sĩ này. Anh A Sáng cũng là một trong số ít những bậc phụ huynh không đặt nặng vấn đề học hành của con. Anh từng khiến mọi người sửng sốt khi nói với con “con đúp cũng được, đúp một lần xem cảm giác thế nào, ngày xưa bố cũng đúp suốt có sao đâu”. Nhờ quan điểm nuôi dạy con khác lạ - không dồn áp lực học giỏi lên con, dù con học kém bố vẫn cứ vui vẻ mà 3 bố con dường như nằm ngoài mọi cuộc chạy đua thành tích và điểm số. “Dạy con làm người quan trọng hơn nhiều so với việc thúc ép con phải học thật giỏi, thật xuất sắc. Chúng ta cứ mải mê đua theo thành tích điểm số mà quên không dạy con những thứ căn bản như chào hỏi lễ phép, ý tứ khi ngồi vào bàn ăn cùng mọi người, biết giúp đỡ làm bếp cùng khi đến nhà người khác thăm chơi, biết yêu thương loài vật và người thân ruột thịt, biết cảm thấy mình may mắn, biết động lòng trước những hoàn cảnh khó khăn… Nuôi dạy con cũng giống như xây nhà, chỉ cần xây cái nền móng vững chãi, thì sau này dù con có ở môi trường nào, bố mẹ cũng sẽ yên tâm tuyệt đối”, ông bố hai con chia sẻ về quan điểm dạy con của mình. |
“Bố thì ít khi đánh con gái” – nhưng có lẽ câu nói này không đúng với ông bố A Sáng. Sa và Kiu trước đây vẫn hay bị bố đánh vào mông và bị phạt úp mặt vào tường – hai hình phạt gần như đang bị phê phán khá nhiều ở các diễn đàn, hội thảo nuôi dạy con. Ông bố hai con gái chia sẻ: “Vẫn cần phải đánh đòn (vào mông) nhưng cần có cảnh báo trước với con. Có một lần buổi chiều Kiu đi học về đói quá đã tự nấu đồ ăn mang lên phòng, ngồi điều hòa thưởng thức một mình, trong khi đó chị Sa vẫn phải làm việc. Đến bữa cơm gia đình, Kiu ăn ngang dạ rồi nên không muốn ăn nữa. Bố A Sáng rất nghiêm khắc, nói chuyện với Kiu về điều này và đưa ra cảnh báo nếu lần sau tái phạm, sẽ phạt úp mặt vào tường. Vài hôm sau, Kiu vẫn lặp lại lỗi này và bị bố phạt thật. Nhưng từ đó trở đi, Kiu không hề tái phạm nữa”. Theo anh A Sáng, đánh con một chút cũng không sao, khi đánh cần có cảnh báo trước và mặt cần lạnh lùng. Vài hôm sau có thể hỏi han con có đau không. Con được phát triển tự do nhưng là tự do trong khuôn khổ, vẫn phải tuân theo một số nguyên tắc gia đình. Người ta thường nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng với gia đình họa sĩ A Sáng, vợ chồng anh lại cùng san sẻ trách nhiệm, có khi đổi vai, tương hỗ lẫn nhau. Có lẽ ít có người đàn ông nào lại nói về bữa tối gia đình mình một cách hạnh phúc và đầy tự hào như thế. Một bữa cơm có cả bố mẹ, con cái, không ti vi, không mạng xã hội, không cả những câu chuyện tiêu cực, chỉ có những câu chuyện tươi đẹp hàng ngày, chuyện ông bà tổ tiên, chuyện nguồn cội gốc gác, để con nhớ và tự hào về, để con cảm thấy may mắn vì có đủ mẹ đủ cha. Con gái lớn Anh Sa năm nay 16 tuổi, từ cách đây vài năm, ông bố A Sáng đã phải thôi thể hiện những cử chỉ tình cảm ôm ấp với con, vào phòng con phải gõ cửa. Trong khi đó, với Kiu bé hơn chút, vẫn được “đặc quyền” ôm hôn con. “Con gái càng lớn càng xa bố”, ngoài những cái sướng khi có con gái thì đây có lẽ là nỗi buồn duy nhất của ông bố đẻ toàn con gái chăng!? |