Chó nuôi cần được tiêm phòng dại |
Bà Đinh Kim Xuyến, Phó Chủ nhiệm thường trực chương trình Quốc gia phòng chống bệnh dại cho biết, hiện kinh phí dành cho công tác phòng chống bệnh dại ở nước ta còn thấp, khoảng hơn 7 tỷ đồng, chỉ bằng 0,5%0 so với Thái Lan. Tuy nhiên, việc phòng chống đạt hiệu quả, nên tỷ lệ người chết do bị chó dại cắn giảm theo từng năm. Nếu như giai đoạn từ năm 1990 đến năm 1995, mỗi năm nước ta có khoảng hơn 500 người chết vì bệnh dại thì từ năm 1996 đến nay, tỷ lệ đó giảm 5 lần.
Để việc phòng chống bệnh dại đạt kết quả cao và bền vững, các cơ quan chức năng trong nước cần xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu khống chế bệnh dại vào năm 2015.
Tiến sỹ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, các hoạt động phòng chống bệnh dại ở nước ta còn riêng rẽ. Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ sớm phê duyệt phòng chống bệnh dại là chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đó mới có đủ cơ sở pháp lý và kinh phí để thúc đẩy phòng chống bệnh dại tiến tới loại trừ bệnh dại vào năm 2020.
Theo các chuyên gia y tế, những bệnh nhân bị chó cắn cần tiêm phòng dại càng sớm càng tốt, nhất là khi bị chó cắn vào vùng nguy hiểm, như đầu, mặt, cổ, bắt buộc phải tiêm phòng và khi bị chó cắn phải rửa vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối đặc, nhưng không làm dập nát vết thương để tránh trường hợp virus dại xâm nhập vào cơ thể... Xử lý vết thương đúng cách sẽ làm giảm ít nhất 30% nguy cơ mắc bệnh dại./.
Hoàng Anh