Chỉ 20% giáo viên Nga có kinh nghiệm dạy học từ xa

Chỉ 20% giáo viên Nga có kinh nghiệm dạy học từ xa

Chúng tôi xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của bà Elena Semionova - một trong hai nhà nghiên cứu về vấn đề này.

Cần thời gian để thích nghi

- Các số liệu được trích dẫn trong nghiên cứu của bà cho thấy, đầu năm học 2019 - 2020, ở nước Nga có 4% - 6% học sinh sử dụng các công nghệ từ xa trong học tập. Từ đây, có thể dự đoán rằng, những khó khăn trong việc sử dụng công nghệ từ xa chắc chắn sẽ phát sinh?

- Các giáo viên cần thời gian để thích nghi với hình thức dạy học mới, bởi vì, khác với giảng viên đại học, họ không có đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hơn nữa, họ lại phải thích nghi nhanh trong những điều kiện bất khả kháng. Việc chuyển sang hình thức dạy học từ xa là một gánh nặng đặt lên vai người giáo viên - và đây hoàn toàn không phải là sự chuyển đổi cơ học, mà là một cuộc cải tổ triệt để. Bộ Giáo dục Nga đã chuẩn bị các khuyến cáo thích hợp cho giáo viên, tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, đa số giáo viên rất cần sự trợ giúp về phương pháp giảng dạy. Nhưng gần đây, nhiều trung tâm giáo học pháp hoặc đã bị giải thể hoặc thay đổi nội dung hoạt động.

Gánh nặng cũng chất lên vai các bậc phụ huynh, những người phải kiểm soát quá trình học từ xa của con cái mình. Thêm vào đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện sắm máy tính cá nhân cho con, kể cả ở các thành phố lớn, chưa nói tới các vùng nông thôn xa xôi.

- Trong số các khu vực có tỷ lệ học sinh tham gia học từ xa cao nhất trước đại dịch, đứng đầu là tỉnh Tyumen, tiếp theo là khu tự trị Khanty-Mansia. Ngoài ra, trong số các tỉnh dẫn đầu còn có Leningrad, Sverdlovsk, Lipetsk, Cộng hòa Bashkortostan. Liệu có thể kết luận rằng công nghệ thông tin được sử dụng rộng rãi nhất ở các khu vực kinh tế phát triển?

- Tất nhiên, điều kiện kinh tế - tài chính của khu vực và mật độ dân số sử dụng các hình thức học từ xa không quá cao là những yếu tố quan trọng nhất.

- Vậy, tại sao Matxcơva không nằm trong số các khu vực đứng đầu về học từ xa?

Chỉ 20% giáo viên Nga có kinh nghiệm dạy học từ xa ảnh 1
Bà Elena Semionova.

- Ở Matxcơva, có gần 100% số trường phổ thông sử dụng sổ điểm điện tử, sổ lớp, truyền tải dữ liệu qua các mạng thông tin và viễn thông. Nhưng, theo số liệu thống kê, chỉ có 9% học sinh thủ đô sử dụng công nghệ từ xa trong học tập, tương tác trực tuyến giữa thầy và trò. Tỷ lệ này quá ít ỏi. Nguyên nhân, ở thủ đô tập trung rất nhiều nguồn thông tin, nên giáo viên Matxcơva nhanh chóng nắm bắt cái mới. Vấn đề là ở thủ đô và các thành phố lớn khác, các nền tảng dạy học trực tuyến và máy chủ về mặt kỹ thuật không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của một khối lượng sinh viên và giáo viên đông đảo như vậy.

Giáo viên cao tuổi gặp khó

- Trình độ sử dụng công nghệ thông tin có phụ thuộc vào độ tuổi của giáo viên không?

- Theo thống kê, trung bình giáo viên từ 30 - 59 tuổi sử dụng công nghệ thông tin trong các tiết học gần như nhau, tỷ lệ này dao động từ 22% đối với các giáo viên ở độ tuổi 30 - 39 đến 20,1% đối với giáo viên 50 - 59 tuổi. Tỷ lệ sử dụng công nghệ thông tin thấp nhất - từ 15 đến 15,6% thuộc về các giáo viên trên 60 tuổi và các đồng nghiệp trẻ dưới 30 tuổi.

Điều dễ hiểu là những giáo viên cao tuổi gặp khó khăn về kỹ thuật. Các giáo viên trẻ cần phải tìm hiểu công việc, tiếp xúc với học sinh, làm quen với thực tế cuộc sống học đường, đối với họ, sử dụng công nghệ từ xa không phải là vấn đề hàng đầu.

Nhìn chung, theo khảo sát của chúng tôi, năm 2019, cứ 1 trong 5 giáo viên có kinh nghiệm sử dụng các hình thức dạy học từ xa. Và điều này diễn ra trong bối cảnh cả giáo viên và phụ huynh đều tỏ thái độ tích cực đối với tin học hóa giáo dục.

Theo đánh giá, có 31% số giáo viên tin rằng, việc sử dụng công nghệ thông tin tích cực hơn có tác động tới việc nâng cao động cơ học tập của học sinh. Khoảng 50% số giáo viên thừa nhận các hình thức dạy học học từ xa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. 82% - 88% số giáo viên xác nhận hiệu quả của việc sử dụng các cổng Internet để chuẩn bị và thực hiện các bài giảng.

Đồng thời, có 6,4% - 10,4% số giáo viên thừa nhận họ làm việc khó khăn hơn vì cần phải sử dụng công nghệ máy tính trong hoạt động hàng ngày của mình.

Dừng chấm điểm học sinh

- Theo bà, bài học nào cần rút ra từ tình hình hiện tại, biện pháp nào cần được thực hiện ngay sau đại dịch và cách ly kiểm dịch?

- Thứ nhất, giáo viên cần được trợ giúp về phương pháp tổ chức dạy học từ xa. Các cuộc thăm dò của chúng tôi cho thấy giáo viên rất quan tâm điều đó và sẵn sàng phát triển theo hướng này. Vì vậy cần phải tổ chức nếu không phải là đào tạo thì tư vấn đại trà cho giáo viên về việc sử dụng công nghệ dạy học từ xa ở những khu vực có thể. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho giáo viên sử dụng các nguồn lực của các cơ quan có kinh nghiệm trong việc dạy học từ xa với học sinh. Cụ thể, cần thông báo cho giáo viên tiếp cận các dự án công nghệ giáo dục lớn nhất của đất nước. Nga đã cung cấp dịch vụ dạy học từ xa miễn phí cho các trường phổ thông trong nước, với mong muốn giúp đỡ học sinh tiếp tục học tập trong điều kiện tự cách ly.

Thứ hai, việc chuyển học sinh sang học từ xa đòi hỏi không chỉ giáo viên mà cả phụ huynh phải biết hướng dẫn học sinh, đặc biệt là ở tiểu học, phương pháp học tập trong điều kiện mới, khác thường. Cần quan tâm đặc biệt tới những gia đình mà bố mẹ, vì nhiều lý do, không thể giúp con tiếp thu các bài giảng theo hình thức học từ xa. Rõ ràng, trong điều kiện căng thẳng hiện nay, khi cả người lớn và trẻ em chưa làm chủ được công nghệ mới, cần dừng lại việc chấm điểm cho học sinh trong một thời gian.

Đồng thời, các trường phổ thông cần sẵn sàng khi chuyển sang các hình thức giảng dạy truyền thống, giúp học sinh ôn tập những kiến thức đã được tiếp thu trong thời gian học từ xa. Điều này có nghĩa là các trường phải lường trước việc tổ chức quá trình dạy học trong năm học mới, có tính đến việc giải quyết các nhiệm vụ bất thường (nhiệm vụ mà trước đây họ không quen giải quyết).

Thứ ba, cần hoàn thiện các nền tảng dạy học từ xa và cải tiến việc trang bị kỹ thuật cho các trường phổ thông.

Việc đồng loạt chuyển sang dạy học từ xa trong điều kiện đại dịch Covid-19 dẫn tới những khó khăn khách quan về tổ chức quá trình giáo dục, cần được khắc phục càng sớm càng tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ