Người ta nói rằng chuyện khi yêu và cưới hoàn toàn khác nhau. Chỉ đến khi đám cưới, về chung một nhà thì bản chất của một con người mới được bộc lộ. Một người mẹ trẻ đã lên mạng xã hội để kể về những đau đớn mà mình trải qua trong cuộc hôn nhân với người chồng vô trách nhiệm.
Hai ngày sau hôn lễ và sự thật bàng hoàng
Phương sinh năm 1991, đang sống ở Mỹ Đức, Hà Nội. Cuộc đời cô từ khi lấy chồng là một chuỗi ngày đau khổ. Chỉ hai ngày sau khi kết hôn, cô đã bàng hoàng vì hiểu ra tính cách chồng.
Phương kể: "Vợ chồng mình cưới nhau từ năm 2015. Hôn nhân 4 năm trời trôi qua như địa ngục với đủ loại áp lực, mệt mỏi và cả những chuyện bị vu khống nữa. Chồng mình sinh năm 1988. Khi đang yêu, anh ta không quá nuông chiều nhưng đối xử với mình rất tốt. Mình cứ nghĩ đây là người đàn ông có thể dựa vào nên đồng ý kết hôn.
Ai ngờ đâu, chỉ hai ngày sau đám cưới, bộ mặt của anh ta mới dần dần lộ rõ. Gia đình bên chồng muốn mình phải ngồi trò chuyện buổi tối đến khi nào họ đi ngủ. Bố mẹ chồng nói với anh ta rằng mình phải ngồi đó tiếp chuyện, không được đi ngủ sớm. Anh ta lên góp ý, mình có nói lại rằng: "Em mới về làm dâu, mọi thứ còn mới mẻ, anh để em có thời gian dần dần làm quen với nếp sinh hoạt nhà mình".
Sau câu đó, anh ta gọi hết anh trai, chị dâu rồi bố mẹ ra nói chuyện. Anh bảo rằng mình ở nhà này không thoải mái. Bố mẹ anh ta ngay lập tức gọi điện sang cho bố mẹ mình kể. Mình thật sự bàng hoàng và không nghĩ một người chồng lại làm như thế. Mình nhận ra rằng có lẽ anh ta không hề thương yêu gì cả".
Nhân vật chính và con gái trong câu chuyện.
Càng sống cùng nhau, cô vợ trẻ càng phát hiện chồng là một người thích mách mẹ. Có bất cứ chuyện gì xảy đến cũng nói với bố mẹ. Bố mẹ chồng ngay lập tức gọi điện sang nhà ngoại để tố cáo. Phương dần dần rơi vào những tháng ngày áp lực, đau khổ.
Gia đình nhà chồng không khá giả nhưng áp đặt lên cô quá nhiều. Cô muốn ở riêng nhưng chồng không đồng ý. Khi ra Hà Nội làm việc, cô bị buộc ở chung nhà trọ với anh trai và chị dâu chồng.
"Bố mẹ mình muốn hai vợ chồng ở chung căn phòng trọ rộng khoảng 15m2 của anh trai chồng và chị dâu. Hai vợ chồng phải nằm trên gác xép. Mình không đồng ý thì ngay lập tức họ gọi điện cho bố mẹ đẻ để tố cáo. Họ nói nhiều và chốt lại rằng mình ngang ngược, không bao giờ nghe lời. Chồng mình thì luôn làm theo lời bố mẹ sắp xếp, như thế nào cũng đồng ý hết", Phương đau khổ kể thêm.
Tuy nhiên, điều đau đớn nhất cô phải chịu đựng chưa dừng ở đấy.
"Một tháng sau khi cưới mình có thai nhưng không biết, công việc của mình phải di chuyển nhiều nên bị sảy thai. Sau này, vợ chồng mình vào Gia Lai lập nghiệp. Vợ chồng thì kiểu gì cũng có lúc bất đồng và lần nào cũng thế, anh ta lại gọi điện về quê mách bố mẹ. Và bố mẹ anh ta tiếp tục gọi sang ngoại để trách móc, mắng vốn. Mệt mỏi vô cùng!
Mình có thêm bé nữa vào cuối năm 2015 nhưng không giữ được. Mình phải nhập viện cấp cứu vào đêm 24/12 Âm lịch nhưng anh ta chỉ gọi xe đưa đi, còn bản thân thì ung dung về quê ăn Tết.
Khi đó bên cạnh mình chẳng có ai cả, gia đình dì chú mình về quê hết rồi. Mình van xin anh ta ở lại nhưng không được. Bố mẹ chồng biết nhưng nói mình giả vờ có thai. Mình đau đớn tự trải qua trong bệnh viện. Đến năm 2017 mình mới có bé gái đầu lòng", Phương cay đắng chia sẻ.
Đỉnh điểm của sự đau khổ và quyết định ly hôn
Có vợ, có con nhưng chồng Phương vẫn liên tục gọi điện về cho bố mẹ mỗi khi nảy sinh vấn đề. Cô đã từng đề nghị chấm dứt việc đó, chồng đồng ý nhưng cuối cùng đâu vẫn vào đấy. Mâu thuẫn đỉnh điểm khiến cô bế con bỏ đi là khi con gái được 8 tháng tuổi.
"Con được 8 tháng, mình nhờ mẹ chồng ra chăm bé để đi làm. Vốn dĩ họ đã không thích mình rồi, về sống chung càng mâu thuẫn. Bà ra chăm bé ban ngày, đêm thì sang nhà anh chồng ở và ngủ lại. Thời gian đó, mẹ đẻ mình thi thoảng cũng ra chăm và chơi với cháu. Một lần, mình tình cờ nghe được cuộc điện thoại giữa anh ta và bố chồng. Anh ta đang dùng những từ ngữ thậm tệ chửi mẹ mình.
Mình làm sao chịu đựng được nên đề nghị anh ta ngồi lại để nói chuyện thẳng thắn giữa hai vợ chồng. Anh ta ngay lập tức gọi điện cho mẹ chồng và gia đình anh trai sang.
Lúc đó mình không chịu đựng nổi và xin phép mẹ chồng cho con về ngoại ở một thời gian. Mẹ chồng ngay lập tức xỉa xói đủ điều. Mình quay sang bảo rằng nhiều lần bị chồng đánh đập lắm rồi thì bà thản nhiên đáp: "Chồng có đánh mắng thì cũng phải chịu". Uất quá mình xếp những đồ dùng của con rồi bế con đi. Anh ta gọi điện đòi lại đồ, viết lên mạng xã hội bêu xấu mình.
Khi đó nghĩ sẽ ly hôn nhưng anh ta khóc lóc, gia đình anh ta vào năn nỉ xin lỗi khiến mình mủi lòng. Hồi ấy, mình nghĩ thương con quá. Con còn nhỏ, không có bố thì thiệt thòi nên gượng sống vì con thôi".
Ảnh minh họa.
Phương ngậm đắng nuốt cay sống như thế cho đến khi con gái được gần 3 tuổi. Cô bị tai nạn giao thông và đây cũng là lúc "chết tâm" hẳn, quyết ly hôn để cứu lấy cuộc đời.
Phương bức xúc chia sẻ: "Hồi tháng 3 mình bị tai nạn giao thông phải nằm viện mấy tháng. Nhà chồng chỉ ra đúng hôm cấp cứu thôi. Họ hàng chồng có đến thăm và cho tiền. Khi mình ra viện, anh ta nhắn tin bảo đưa số tiền mà mọi người thăm viện cho anh ta khiến mình sốc nặng.
Sau đó, anh ta bỏ đi để mình loay hoay ở Hà Nội với con. Không xoay sở nổi, mình gửi con về ngoại để đi làm. Làm được 2 tháng thì anh ta vu cho mình tội bỏ nhà theo trai. Mình đành ôm con bỏ đi thôi.
Ngay lập tức, anh ta đăng lên mạng xã hội rằng mình đã bỏ nhà theo người khác, ôm con của anh ta đi mất rồi. Mình ức lắm. Từ ngày con được 8 tháng cho đến giờ gần 3 tuổi chưa tháng nào anh ta làm mà đưa cho mình vài trăm mua sữa cho con. Một mình mình lăn lộn nuôi con, đến lúc này đã quá mệt mỏi và muốn buông xuôi rồi".
Phương cũng tự trách bản thân vì quá hiền lành, quá lo nghĩ chuyện con mang mác không cha, quá sợ cha mẹ phải đau khổ nên mới nhịn nhục đến vậy: "Mình chẳng vùng lên nổi cũng bất lực với gia đình chồng. Mình không phủ nhận chuyện lụy chồng nhiều vì lo lắng cho bố mẹ suy nghĩ, sợ bố mẹ phải khóc. Nhưng giờ mình đã quyết rồi, sẽ ly hôn thôi.
Mình chẳng hối tiếc gì về cuộc hôn nhân này và sẽ tìm mọi cách để giành quyền nuôi con. Với mình, con gái bây giờ là tất cả".
Đúng là một cuộc hôn nhân đầy bất hạnh của người mẹ trẻ tuổi. Đôi khi, nhẫn nhịn trong một mối quan hệ chẳng phải là quyết định khôn ngoan. Càng nhịn, càng nhẫn để nghĩ cho người khác thì sự đau khổ mình phải chịu càng tăng lên. Và chính sự nhẫn nhịn của mình là cái cớ để người ta lấn tới, chèn ép.
Trong một cuộc hôn nhân, cần nhất là sự thẳng thắn, công bằng. Chuyện của hai vợ chồng không cần người ngoài can thiệp. May mắn là người mẹ trẻ cũng tỉnh ngộ và kiên quyết làm lại cuộc đời. Hi vọng cô sẽ có một cuộc sống mới, hạnh phúc bên con gái trong tương lai.