Chết vì nẹt pô

GD&TĐ -Một nam thanh niên vừa bị bắn chết giữa đường khi đang tham gia giao thông tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo lời khai của các nghi phạm, trước đó, nam thanh niên này nẹt pô khi chạy xe máy trên đường làm “ngứa mắt” nhóm thanh niên khác. Hai bên cự cãi dẫn đến hỗn chiến, một phát đạn hoa cải từ nhóm thanh niên này đã kết liễu cuộc sống của nam thanh niên 17 tuổi nói trên. Đúng là một cái chết không thể “vô duyên” hơn.

Có lẽ lớp người ở lứa tuổi 60 trở lên sẽ không hiểu nẹt pô nghĩa là gì, vì từ này chỉ mới xuất hiện khi xe máy trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người Việt chừng vài chục năm trở lại đây. Nó cũng chỉ có ở lứa tuổi thanh niên chứ lớp người đứng tuổi, chẳng ai nẹt pô làm gì.

Người điều khiển phương tiện đang chạy trên đường, đột nhiên cắt côn rồi rồ ga mạnh làm động cơ gầm rú tạo nên tiếng máy to trong khi xe không di chuyển hoặc chạy chậm, khiến tất cả những ai đi gần đó hoặc có nhà hai bên đường đều giật mình kinh khiếp.

Hành động này gọi là nẹt pô. Tùy theo từng loại xe mà có tiếng nẹt pô khác nhau, nhưng nhìn chung, đó là âm thanh không hề thân thiện, thậm chí rất khó chịu với bất cứ ai, trừ những người cùng tham gia nẹt pô!

Không phải nam thanh niên vừa bị bắn ở Biên Hòa là trường hợp hi hữu bị chết vì nẹt pô mà hầu như năm nào cũng có đôi ba trường hợp tương tự. Tháng 4 vừa qua, tại tỉnh Đắk Lắk cũng đã xảy ra một vụ án mạng làm một thanh niên tử vong, một thanh niên khác bị thương nặng cũng vì tiếng nẹt pô.

Tới rủ bạn đi nhậu, gõ cửa hoài không ai mở cửa, hai nam thanh niên bèn... nẹt pô, tạo âm thanh inh ỏi cả khu phố. Chủ nhà ra khuyên không nên làm vậy gây ồn ào hàng xóm thì liền bị tấn công. Cuộc ẩu đả đã dẫn đến cái chết nói trên.

Cuối năm 2021 tại Vĩnh Long cũng đã xảy ra hai cái chết cùng lúc, đều một nguyên nhân là nẹt pô, hàng xóm khuyên can thì bị hành hung, cuối cùng là cái chết.

Tất cả các vụ nẹt pô dẫn đến cái chết đều nằm ở lứa tuổi dưới 30 và sau một cuộc nhậu quắc cần câu.

Khi đã có bia rượu vào người, mức độ kiểm soát các hành vi của người điều khiển phương tiện rất kém. Đặc biệt là ở lứa tuổi thanh niên, ưa quậy phá, gây khó chịu cho người khác như là một cách để thể hiện sự yêng hùng của mình.

Nẹt pô là một hình thức mà những thanh niên này chọn lựa. Người nhu hòa thì khó chịu một chút khi nghe tiếng nẹt pô nhưng người nóng tính, thì hoặc là khuyên nhủ đừng nẹt pô nữa hoặc là... chửi mắng. Đám thanh niên tham gia nẹt pô chỉ chờ có vậy là gây sự liền.

Mặc dù, đây là hành động làm tổn hại đến sức khỏe người khác nhưng trớ trêu là, hiện tại vẫn chưa có điều luật nào cấm việc kéo ga mạnh hay nhẹ, tiếng động cơ thế nào được cho là to và gọi đó là nẹt pô nên vẫn chưa có căn cứ nào để phạt cả.

Chưa có điều luật nào quy định xử phạt cho việc nẹt pô nhưng các nạn nhân của tiếng ồn thì đã có “luật” của họ. Kết quả là, những cái chết như mọi người đã biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.