Một trong những quan điểm quan trọng xuyên suốt Nghị định 185/2013/NĐ-CP là các quy định trong Nghị định đều nhằm bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh và người tiêu dùng; góp phần đảm bảo ổn định thị trường, phát triển kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nâng cao ý thức pháp luật của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trên cơ sở nguyên tắc “đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định, cá nhân thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, vi phạm này của tổ chức sẽ áp dụng mức phạt tối đa 400 triệu đồng.
Cụ thể, cá nhân có hành vi buôn bán hàng cấm giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng. Mức phạt tiền sẽ là 200 triệu đồng nếu là hành vi sản xuất hàng cấm. Các vi phạm này của tổ chức sẽ bị phạt tiền gấp đôi.
Các hành vi vi phạm hành chính khác trong hoạt động thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thương mại điện tử thì mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Ví dụ, trong quy định để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì hành vi vi phạm về trách nhiệm bảo hành hàng hóa trong trường hợp hàng hóa, linh kiện, phụ kiện liên quan có giá trị từ 2 tỷ đồng trở lên sẽ bị xử phạt từ 70 - 100 triệu đồng.
Cũng với nguyên tắc như đã nêu trên, mức độ nghiêm khắc và tính răn đe, phòng ngừa của chế tài phạt tiền đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại do tổ chức thực hiện đã tăng lên đáng kể.
Bên cạnh đó, để phù hợp với tính chất, đặc điểm của các chủ thể hoạt động thương mại trên thị trường, tại Nghị định này, các hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối được xác định là “cá nhân” trong trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính.