Chế độ tiền trực của nhân viên y tế thấp, không còn phù hợp

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, chế độ tiền trực của nhân viên y tế rất thấp, không còn phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Bộ Y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Bộ Y tế.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc năm 2022 với chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất lượng bệnh viện, thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới" tổ chức ngày 3/12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, mặc dù thời gian đào tạo y bác sĩ dài hơn các ngành nghề khác, chưa kể đến thời gian đào tạo chuyên sâu, thực hành sau đó, học tập liên tục, nhưng đãi ngộ tiền lương lại không nhiều. Chế độ tiền trực của nhân viên y tế rất thấp, không còn phù hợp.

Theo quy định, mức phụ cấp trực 24/24 là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng một, hạng đặc biệt. Phụ cấp ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng, ca mổ loại một 125.000 đồng cho phẫu thuật viên chính.

Với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng, bác sĩ học xong 6 năm y khoa và sau 18 tháng thực hành (để được cấp chứng chỉ hành nghề), nếu được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương hệ số 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Phụ cấp ưu đãi nghề là 40%. Như vậy, thu nhập của bác sĩ 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).

Theo người đứng đầu ngành y tế, cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 đã bộc lộ nhiều hạn chế của ngành cần "tập trung tháo gỡ kể cả về công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực hiện ở cơ sở".

Dẫn chứng từ công tác xây dựng thể chế, văn bản pháp luật, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, thời gian qua chúng ta đã có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, một số vấn đề về đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, bảo hiểm y tế… qua một thời gian thực hiện cũng cần có những rà soát để điều chỉnh cho phù hợp hơn nhằm tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn.

"Chúng tôi xác định đây là một trong những nhiệm vụ rất lớn của ngành Y tế", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Trong bối cảnh một số bệnh viện công lập xảy ra thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đang rất rốt ráo, phối hợp sửa đổi một số văn bản. Qua đó, nhằm tháo gỡ những khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

"Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để sửa đổi Nghị định 146, Nghị định 98, Nghị định 54 và các Thông tư liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị vật tư y tế. Đặc biệt là Nghị định 98 sửa theo hướng rút gọn. Với Thông tư 14, hiện nay có 2 xu hướng, một là rà soát để hủy bỏ tổng thể, hai là sửa đổi ngay điều có nội dung giá trúng thầu phải thấp hơn giá của 12 tháng trước đó, vì điều này không phù hợp với quy luật kinh tế thị trường", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Về vấn đề giá dịch vụ y tế hiện nay chưa được tính đúng, tính đủ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói rõ: "Bộ Y tế rất quan tâm vấn đề này". Bộ Y tế sẽ sớm ban hành danh mục kỹ thuật, định mức tiêu chuẩn kỹ thuật, từ đó làm cơ sở xây dựng giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và giá dịch vụ theo yêu cầu. Riêng Thông tư quy định về giá dịch vụ theo yêu cầu tại các bệnh viện công lập dự kiến cố gắng sẽ được ban hành trong tháng 12 này...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.