Hai vợ chồng tôi mới sinh con trai đầu lòng được hơn một tháng. Từ ngày lấy nhau, vợ tôi sống với mẹ chồng khá thuận hòa, lễ phép.
Vì vậy tôi không bị áp lực phân xử chuyện mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu như một số gia đình khác.
Bố tôi mất sớm, mẹ ở vậy, một mình bươn chải nuôi con trưởng thành. Mẹ tôi tính tình cũng hiền lành, chu đáo, thương con.
Bà được hàng xóm làng giềng quý mến, tôn trọng. Họ đi chơi xa về, bao giờ cũng có quà mang sang biếu mẹ tôi.
Do ở cùng mẹ nên thời gian vợ mang bầu, mẹ tôi đảm nhiệm nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa. Cứ nghe ở đâu có đồ bổ dưỡng là mẹ tôi mua về cho con dâu ăn. Nhìn gia đình đầm ấm, hạnh phúc tôi rất vui.
Chín tháng mười ngày mang thai, vợ tôi sinh đứa con trai kháu khỉnh,đáng yêu. Thời gian đó, bà nội, bà ngoại tất bật ra vào bệnh viện chăm sóc. Mẹ tôi đi đến đâu cũng tự hào khoe có mình cháu đích tôn.
Vợ tôi sức khỏe yếu, sinh xong bị mất sữa. Con trai phải uống sữa bột. Đêm nào bà nội cũng lọ mọ dậy, pha sữa, cho cháu ăn.
Có mười ngày mà mắt mẹ tôi thâm quầng vì thức khuya. Vậy mà bà chẳng nề hà, kêu ca. Con dâu dậy trông con thay mẹ chồng là bà mắng, bắt đi ngủ cho nhanh hồi sức.
Mẹ tôi còn bắt con dâu kiêng cữ cẩn thận. Bà bảo: "Mẹ sợ Quỳnh không kiêng, ít nữa về già mới khổ".
Đồ tã lót, quần áo của cháu nội, ngày nào cũng thay ra chậu lớn chậu bé, mẹ tôi tự giặt tay, nhất định không cho vào máy giặt. Theo bà, như vậy mới sạch sẽ.
Thấm thoắt đã gần một tháng trôi qua, chuẩn bị đến ngày đầy tháng con trai tôi. Mẹ tôi dự kiến làm 10 mâm mời họ hàng dưới quê và hàng xóm sang chung vui với gia đình. Vợ chồng tôi tất nhiên hưởng ứng, còn mời bạn bè thân thiết đến dự.
Vợ tôi sợ mẹ chồng thêm vất vả, cô ấy bàn bạc, muốn thuê nhà hàng làm sẵn, đến bữa chỉ việc bày ra mâm.
Thế nhưng mẹ tôi nói các chú dưới quê hứa sẽ mổ lợn nhà nuôi, chuẩn bị cỗ giúp gia đình. Mẹ tôi vốn nể các anh, em bên chồng, thấy chú thím nhiệt tình nên không nỡ chối từ.
Khi cầm danh sách các món ăn cho lễ đầy tháng con trai, có tiết canh, vợ bắt đầu tôi phụng phịu, bảo món ăn đó không sạch sẽ, nhiều sán trùng... và đòi bỏ món đó đi.
Nghe con dâu nói, mẹ tôi bối rối, nói, các chú đã có thiện ý như vậy, mà ở quê cũng hay ăn tiết canh, chưa có ai làm sao. Giờ cô ấy bảo bỏ khác gì coi thường họ, về quê kiểu gì cũng bị chê trách.
Không muốn mẹ khó xử, tôi bàn với mẹ, mâm nào của nhà thông gia thì không để tiết canh nữa. Nghĩ rằng giải quyết như vậy là ổn thỏa, tôi cũng không thông báo cho vợ biết.
Sáng hôm đó, mọi người tề tựu đông đủ, ai cũng hớn hở đến lì xì phong bao đỏ cho con trai tôi lấy may.
Sau khi cúng bái xong xuôi, mọi người háo hức chuẩn bị bày biện mâm cỗ. Lúc này, vợ tôi bỗng hét toáng lên khi nhìn thấy đĩa tiết canh.
Trước mặt khách khứa, cô ấy không nể nang mà luôn miệng làu bàu, nói ăn tiết canh mất vệ sinh, dễ sinh bệnh tật.
Vợ tôi ôm con bỏ lên nhà, đóng chặt cửa, nhất định không xuống tham dự bữa cơm cùng mọi người.
Các chú thấy hành xử của cháu dâu cũng bực, đùng đùng kéo nhau về quê mặc mẹ tôi chạy theo xin lỗi.
Giận vợ, tôi có nói vài câu nặng nhẹ. Chẳng ngờ, cô ấy tuôn ra một tràng, mắng chồng thậm tệ. Các vị khách thấy gia đình ầm ĩ cũng lặng lẽ ra về. Bữa tiệc đầy tháng nhẽ ra vui vẻ, bỗng chốc tan hoang.
Quá đáng hơn, vợ tôi còn hùng hổ xách đồ đạc, bế con bỏ về nhà ngoại. Mẹ tôi dù giận con dâu nhưng bà vốn quảng đại, bao dung nên vẫn khuyên tôi giữ hòa khí, hai vợ chồng phải ngồi nói chuyện với nhau đàng hoàng.
Mẹ tôi ngỏ ý muốn sang nhà thông gia đón con cháu về nhưng tôi kiên quyết không đồng ý. Tôi cho rằng, cô ấy làm sai, tự bỏ đi thì tự về, đến đón lại cành cao, sinh hư.
Câu chuyện của tôi có thể cũng có nhiều gia đình gặp phải. Qua đây để thấy cách ứng xử của mỗi thành viên trong gia đình hết sức quan trọng trong việc giữ gìn mái ấm của mình.