Chê con dâu “nghèo kiết xác”, mẹ chồng luôn đay nghiến cho đến khi đọc được lá thư này

Đọc xong bức thư, Thảo òa lên khóc nức nở như một đứa con nít, còn bà Hạnh, mắt cũng đã nhoè lệ từ khi nào…  

Mẹ chồng vốn có ác cảm với con dâu bỗng thay đổi hoàn toàn. Ảnh minh họa.
Mẹ chồng vốn có ác cảm với con dâu bỗng thay đổi hoàn toàn. Ảnh minh họa.

Khệ nệ đặt túi đồ xuống sàn nhà, Thảo như không tin vào mắt mình khi thấy bà Hạnh, mẹ chồng Thảo đang bế nựng đứa con gái của cô rất âu yếm. Điều này khiến cô ngạc nhiên tột độ vì từ trước đến giờ, mẹ con cô luôn là “cái gai” trong mắt bà và luôn bị bà đối xử một cách ghẻ lạnh nhất có thể.

Thảo vốn là trẻ mồ côi từ nhỏ, lớn lên trong sự đùm bọc của anh em, họ hàng. Sau này, Thảo quen và yêu Thanh (con trai bà Hạnh) nhưng bị gia đình bà Hạnh kịch liệt phản đối vì bà Hạnh cho rằng, Thảo không xứng với con trai bà.

Thảo mới học hết lớp 12, chưa có công việc ổn định, trong khi Thanh con nhà gia giáo, lại là một thầy giáo điển trai, được nhiều cô gái theo đuổi. Nếu Thanh lấy Thảo, chẳng khác nào nuôi thêm một miệng ăn và cũng chẳng được nhờ vả gì đằng ngoại.

Mãi sau này, khi Thanh thông báo Thảo đã có em bé, gia đình bà Hạnh mới miễn cưỡng đồng ý cho kết hôn. Tuy nhiên, trong thâm tâm bà chưa bao giờ coi Thảo là con dâu.

Trước Thảo, bà Hạnh đã có một cô con dâu cả, đó là Thùy. Thùy là nhân viên ngân hàng với thu nhập khá cao. Vợ chồng Thùy đã mua được một căn hộ chung cư tầm trung tại Hà Nội và đang sống hạnh phúc cùng cậu con trai 4 tuổi.

Nếu so sánh Thùy với Thảo thì đúng là “một trời một vực”. Vì vậy, bà Hạnh luôn đem dâu cả ra làm hình mẫu để chì chiết dâu thứ và đối xử tệ bạc với cô.

Đỉnh điểm, khi Thảo sinh con, bà Hạnh chỉ cơm nước cho Thảo vỏn vẹn nửa tháng, sau đó, Thảo phải tự lo liệu mọi việc. Bà Hạnh bỏ lên Hà Nội chơi với vợ chồng Thùy được gần nửa tháng thì Thảo thấy bà về…

Nhìn thấy mẹ chồng, Thảo chỉ mấp máy được từ “mẹ” rồi không biết nên nói gì thì bà Hạnh đã cất lời hỏi trước: “Con về rồi à? Đi đâu mà phải nhờ hàng xóm trông con thế? Lúc nãy con bé khát sữa, mẹ pha sữa cho uống rồi. Trộm vía, ăn được tí vào là lại ngoan như cún…”

Câu nói của mẹ chồng lại càng khiến Thảo hoang mang. Chỉ vài giây ngắn ngủi, trong đầu Thảo xuất hiện muôn vàn câu hỏi: Tại sao mẹ chồng lại thay đổi thái độ đột ngột đến vậy? Mẹ chồng đang có “toan tính” gì; Có chuyện gì sắp xảy ra chăng?...

Thảo mất vài giây khựng lại rồi mới lắp bắp trả lời câu hỏi của mẹ chồng: “Con vừa sang xã bên trả hàng rồi lấy tiếp một ít về làm để kiếm thêm đồng ra đồng vào mua sữa cho bé mẹ ạ”.

Sau câu nói của Thảo, bà Hạnh vội tắt nụ cười. Con dâu bà mới sinh được một tháng đã phải ra ngoài lấy hàng về làm thêm để kiếm tiền. Trên gương mặt đã in màu thời gian của bà, hiện rõ những nét suy tư.

Bà Hạnh tiến lại, đưa cháu sang cho Thảo bế rồi cúi nhặt túi hạt vòng Thảo vừa mang về để xâu thuê cho người ta. Vừa nhặt, bà vừa nói nói với con dâu: “Giờ con chỉ việc chăm con cho tốt, mọi việc còn lại cứ để mẹ lo”.

Trước ánh mắt ngạc nhiên của Thảo, bà Hạnh chìa ra một tờ giấy được gấp làm đôi. Bên trong là những nét chữ ngay ngắn nhưng màu mực viết đã bị nhòe đi một vài chỗ…

“Mẹ à. Nếu cô út nhà mình còn sống, chắc giờ cũng tầm tuổi cái Thảo mẹ nhỉ. Có khi, mẹ cũng đã lên chức bà ngoại. Chỉ tiếc là…

Cô út nhà mình được mẹ sinh ra trên đời nhưng lại không có số được sống bên cạnh mẹ. Còn cái Thảo, em ấy dù được sống trên đời này nhưng lại bất hạnh khi mồ côi cả bố lẫn mẹ từ sớm, giờ lại không được sự yêu thương từ bố mẹ chồng. Liệu cuộc sống có quá khắc nghiệt với em ấy hay không?

Con nói điều này mẹ đừng giận. Nếu con gái mẹ đi lấy chồng rồi sinh con mà không nhận được sự quan tâm của nhà chồng; suốt ngày cô đơn, buồn tủi, vừa vất vả chăm con vừa phải lo mưu sinh hàng ngày, liệu mẹ có thấy đau lòng không?

Cái Thảo còn nhỏ dại, nhưng là đứa có hiếu, sống biết điều. Từ ngày em ấy về làm dâu gia đình mình, con chưa thấy khi nào em ấy bất kính, hỗn xược với bố mẹ, anh chị em. Hàng xóm cũng không chê câu nào.

Các em ấy yêu nhau rồi có con với nhau, đó là cái duyên tu từ kiếp trước. Mẹ hãy nghĩ đơn giản, Thảo là đứa con gái mà ông Trời đã mang đến bên mẹ để chăm sóc, phụng dưỡng mẹ thay cho đứa con gái xấu số. Có như vậy, những khúc mắc trong lòng mẹ mới được giải thoát và thanh thản được.

Và còn bé Nhím nữa. Đó là máu mủ của chú Thanh, là con cháu nhà mình. Nó không hề có tội tình gì cả. Con biết mẹ rất quý con bé. Đừng vì những uẩn khúc của người lớn mà làm tội con trẻ mẹ ạ. Con hy vọng, cả gia đình mình luôn yêu thương và đùm bọc nhau mẹ nhé. Ký tên: Con Thùy”.

Đọc xong bức thư, Thảo òa lên khóc nức nở như một đứa con nít, còn bà Hạnh, mắt cũng đã nhoè lệ từ khi nào.

Bà Hạnh vỗ về con dâu: "Thùy nói đúng. Thời gian qua mẹ đã đối xử chưa tốt với con. Con cho mẹ xin lỗi". Thảo chỉ biết nấc nghẹn trong tiếng khóc: "Mẹ đừng nói thế. Bọn con cũng có lỗi khi phụ công mong mỏi của bố mẹ. Hãy cho con làm con gái mẹ, để con được phụng dưỡng, chăm sóc mẹ, mẹ nhé!".

Nói xong, Thảo ôm chầm lấy mẹ chồng, hai mẹ con ôm nhau khóc rất nhiều, nhưng đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc…

Theo Khám phá

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ