(GD&TĐ) - Trở lại lớp học sau những ngày nghỉ Tết thật vui vẻ và thoải mái, hẳn các teen - đặc biệt là những teen đang học lớp 12, sẽ hơi “ngán ngẩm” khi phải bắt đầu ngay vào cuộc chạy marathon cho kì thi quan trọng sắp tới. Sẽ có teen cho rằng, học từ thời điểm này là quá sớm nhưng thực ra bắt đầu từ lúc này là hơi… muộn rồi đó teen ạ!
Học sáng, học chiều, học luôn buổi tối
Nói tới trường THPT Bán công Lê Quí Đôn (Tuy Phong, Bình Thuận), các bạn đang theo học cùng khối nhưng khác trường không khỏi… lắc đầu, le lưỡi. Trường nổi tiếng là “lo xa” và cái sự học thì… căng như sợi dây đàn. Ngay từ đầu năm, các học sinh lớp 12 đã nhận được thời khóa biểu kín mít: sáng – học chính khóa, chiều – học phụ đạo các môn chính, bạn nào không thuộc bài thì có khả năng học tới… tối, bởi vì thầy cô chỉ “thả” về nhà khi các bạn đã thuộc bài. Tất nhiên, với hình thức học ná thở như thế, không ít học sinh phải than trời, nhưng bù lại kết quả cuối năm khá khả quan. Tuy là trường bán công nhưng tỉ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp không kém cạnh gì với mấy trường công lập.
Thị Nở (lớp 12B) đã chia sẻ: “Bạn nào có sức học có yếu hay làm biếng học cách mấy thì với kiểu nạp liên tục này không được nhiều cũng được ít vì bài vở được xào đi xào lại hoài mà!”.
Có khá nhiều cách được áp dụng cho học sinh cuối cấp. Nếu như trường THPT Bán công Lê Quí Đôn áp dụng kế hoạch chạy đua cho mùa thi từ hồi đầu năm thì trường THPT Bắc Bình (Bắc Bình, Bình Thuận) lại áp dụng vào những ngày đầu của học kỳ 2. Do khối lượng học sinh đông và cơ sở của nhà trường không đủ để áp dụng hình thức học sáng học chiều nên trường tổ chức học vào mỗi buổi tối, tầm từ 18h đến 20h30. Đừng nghĩ những buổi học phụ đạo như thế thì muốn đến cũng được không thì cũng không sao nhé! Lớp sẽ điểm danh mỗi ngày, bài tập được cho làm nhiều hơn và truy bài cũng gắt gao hơn nhiều. Nếu có ý định trốn học lớp buổi tối thì hãy… quên đi nhé!
Càng gần tới ngày thi, cường độ học càng… kinh hoàng. Có những trường còn tập trung học sinh tại trường, ăn – ngủ - học tại chỗ, nói một cách hài hước thì nó giống như “trại tập trung” và các bạn học sinh bước vào những tháng ngày “học xù tóc”.
Học thôi chưa xong, còn kiểm tra, còn bài tập nữa chứ! Nói chi cho xa, trước Tết, nhìn đống bài tập được giao về nhà mà không ít teen đang hừng hực khí thế cho những ngày nghỉ cũng xìu như cọng bún, bạn có nickname là Tiamo than thở trên một diễn đàn: “Tết năm nay được thầy cô giáo thương nên cho quà Tết hơi bị… nhìu. Nghỉ Tết được hai tuần, mình làm cũng “đâu có nhiêu đâu”, khoảng 20 bài test tiếng Anh, 70 câu Toán, 15 đề Lý, 15 đề Hóa, 10 đề Sinh (Anh, Lý, Hóa, Sinh trắc nghiệm) cộng thêm một đống của môn ngữ văn nữa. Học muốn điên luôn nhưng mà năm nay cuối cấp phải chịu thôi chớ sao giờ, không làm hết đống đó, vô Tết là “chết thảm” luôn!”.
Thế mới biết, gánh nặng học hành quả là không nhẹ chút nào.
Lắm chiêu nhiều trò đối phó
Thử “nghía” qua thời khóa biểu của Tấn Minh (TP.HCM) để thấy được các bạn đang bị sức ép từ học tập đến như thế nào: tối hai tư sáu học phụ đạo ở trường, ba năm bảy học tại trung tâm, chủ nhật thì học với gia sư tại nhà. Thông thường, cái gì bị nén quá thì phải bung mạnh. Vì bị ép học hành nhiều quá mà có nhiều học sinh bắt đầu nảy sinh tư tưởng “phá cũi” và tiến dần tới “sổ lồng”. Tất nhiên, dù học sinh có dùng cách nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn là… không phải học và làm bài tập.
M.T (Lớp 12, Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) chia sẻ: “Mình học năm cuối cấp, bài tập về nhà cũng rất nhiều lại còn cộng thêm hàng tá bài tập đội tuyển nữa. Không làm, ra Tết thầy cô kiểm tra mà thiếu, xui lắm”, tuy sợ xui nhưng nếu xử lý không kịp với đống bài tập kia thì cách xoay sở kinh điển nhất chính là… mượn vở chép bài. Có nhiều bạn, trong cái khó ló cái… liều, do lớp quá đông học sinh không kiểm tra xuể nên đôi khi thầy cô bộ môn chỉ nhìn lướt qua con số bài tập mà không xem kĩ nội dung, vì thế, teen cứ ung dung mà biến bài tập hôm qua thành bài tập hôm nay. Có teen ngoan ngoãn hơn, cũng làm bài tập đấy nhưng làm qua quýt cho nhanh, đúng sai tính sau, miễn có bài tập để… đếm số kiểm tra là được rồi.
N.Q được bạn bè đặt cho biệt danh là “cao thủ bùng tiết”, cách “bùng” thì nhiều vô thiên lủng, vừa tới cổng là “bùng”, vô học rồi vờ bệnh, vờ đi vệ sinh rồi “bùng”… Lý giải cho chuyện “bùng” tiết, N.Q nói: “Ngày nào cũng sáng học, trưa học, tối học. Nếu lỡ không thuộc bài thì bắt chép phạt. Mình chán, cúp tiết đi chơi cho sướng!”.
Với chương trình học nặng nề, ta có thể hiểu được phản ứng của các teen ở trên. Nhưng hệ quả của những cách đối phó này như thế nào hẳn ai cũng nhìn thấy.
Chạy sao cho khỏi hụt hơi?
Với lịch học dày đặc như Tấn Minh và không có thời gian giải trí, sức khỏe càng ngày càng xuống… cấp, lúc nào cũng thấy người bải hoải, uể oải, học bài lâu thuộc. Bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ vào cho chuyện học mà hiệu quả cũng không mấy khả quan. Với trường hợp của Tấn Minh thì bạn ấy chỉ cần chăm chỉ học chương trình ở trường và học có phương pháp thì bạn vẫn đủ sức để “chơi tay đôi” với các kỳ thi.
Nếu thường xuyên thức đêm và không được nghỉ ngơi thư giãn thì hệ thần kinh sẽ bị ảnh hưởng. Nhất là trong giai đoạn nước rút việc tăng cường học thêm quá nhiều sẽ gây áp lực căng thẳng, lo âu chẳng những không tiếp thu được mà ngược lại, có khi phải nhập viện vì tinh thần bất ổn.
Vậy làm cách nào để không “hụt hơi” trong cuộc chạy đua vào các mùa thi? Trước hết, học bài nào nắm chắc kiến thức bài đó, làm bài trong sách giáo khoa và tham khảo thêm nhiều dạng bài trong sách nâng cao, sách bổ trợ.
Ngay từ đầu năm học, có nhiều bạn đã lập thành nhóm học tập, mượn tài liệu thi tốt nghiệp của các anh chị khóa trước, tập giải từ từ. Tài liệu mỗi năm mỗi khác nhưng chung quy vẫn xoay quanh những kiến thức nền, cho nên không ngại chuyện phí công phí sức. Ngoài cùng nhau giải bài tập, nhóm còn giúp nhau khảo bài v.v…
Bạn Thu Trang đã chia sẻ cách để “đỡ ngán” khi đối mặt với núi bài tập, đó là gom các dạng bài giống nhau thành một tập riêng và nắm chắc cách giải bài đó. Mỗi ngày, Trang làm đi làm lại những bài tập trong sách giáo khoa, cứ thế cho tới ngày thi. Tất nhiên, cách này của bạn Trang không áp dụng trong thời gian ngắn và gấp, nó cần được thực hiện từ những ngày mà “xa lắm mới tới thi ơi” kìa!
Nhưng quan trọng nhất vẫn là tâm lý thoải mái trước khi vào phòng thi. Nếu bản thân có quá nhiều áp lực thì bao công sức chạy vắt giò sẽ hóa mây khói hết đấy! Mọi sự cố gắng sẽ được kết quả mùa thi đền bù xứng đáng.
Nhật My