Cháy rừng Amazon: Lá phổi xanh của Trái đất bị đe dọa

GD&TĐ - Rừng nhiệt đới Amazon vẫn đang tiếp tục cháy ở mức độ rất khó kiểm soát, với ít nhất 74.000 đám cháy trong năm nay. Khói từ cháy rừng làm thành một tấm chăn lớn màu đen xám trên không lan ra khắp nơi, đến tận cả những thành phố ven biển.

Rừng amazon ngập trong khói lửa
Rừng amazon ngập trong khói lửa

Ngoài tầm kiểm soát

Suốt ba tuần qua, đám cháy rừng nhiệt đới Amazon đã lan rộng ở Brazil. Theo Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Brazil, số vụ cháy rừng năm nay đã tăng gấp 3 so với năm ngoái. Các đám cháy cũng không còn giới hạn ở Brazil nữa mà không dưới 10.000 km2 rừng rậm ở nước láng giềng Bolivia đã bắt lửa.

Trong 3 tuần qua, Brazil đã huy động 44.000 binh sĩ cùng máy bay chiến đấu để chống cháy rừng, song những nỗ lực này chỉ có thể khu biệt được những đám cháy nhỏ và ngăn chặn cháy lan ra - Reuters dẫn lời các chuyên gia cho biết. Cháy lớn chỉ có thể chấm dứt được nhờ mưa thật lớn. Nhưng mùa mưa ở Amazon thường bắt đầu tận cuối tháng Chín và phải mất nhiều tuần mới thành mưa trên diện rộng. Còn trong vòng nửa tháng nữa, mưa vẫn sẽ rất yếu khiến ngọn lửa tiếp tục thiêu trụi thảm thực vật và cây cối rừng Amazon.

Rừng Amazon được coi là lá phổi xanh của hành tinh, là chiếc bể khổng lồ hấp thụ khí CO2, giúp chống biến đổi khí hậu.Việc mất rừng Amazon sẽ đẩy nhanh sự ấm lên toàn cầu cũng như đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học.

Rừng Amazon hầu như không bao giờ tự cháy, nên việc gia tăng gần gấp đôi số đám cháy trong năm nay quá kịch tính. Thông thường vùng này khá ẩm để có thể bắt lửa, nên phần lớn các đám cháy là do hoạt động của con người. Một số đám cháy là do nông dân phát quang đất đai, một số là do những kẻ đốn gỗ lậu tìm cách xóa dấu vết, số khác do sự thờ ơ của con người.

Rồi các hoạt động khai thác mỏ, các công ty phát triển bất động sản cũng nhằm tới vùng rừng Amazon để mở rộng. Theo Viện Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Brazil, nước này đã mất hơn 4.000 km2 rừng bao phủ từ tháng Giêng tới nay, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2018. Tháng Bảy vừa qua là thời kỳ mất rừng lên tới đỉnh điểm, với một diện tích rừng còn lớn hơn cả thành phố Los Angeles đã bị tiêu diệt. Và chỉ trong 3 tuần cháy rừng diện rộng đầu tháng Tám này, các đám cháy đã thải ra 25.000 tấn CO2.

Khủng hoảng cháy rừng

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi cháy rừng Amazon là “một cuộc khủng hoảng quốc tế” và đưa vấn đề này ra hội nghị G7 ở Pháp cuối tuần qua. Ông thuyết phục được các thành viên G7 viện trợ 22 triệu USD cho một “liên minh quốc tế” để chống cháy rừng. Song giữa ông Macron với Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã nổ ra một cuộc khẩu chiến cả công lẫn tư.

Ông Bolsonaro chế nhạo phu nhân của Tổng thống Pháp, đồng thời cáo buộc Pháp thiếu tôn trọng chủ quyền của Brazil. Đề nghị viện trợ 22 triệu USD đi kèm với lời chỉ trích Brazil chậm trễ trong việc đề ra kế hoạch đối phó với cháy rừng và đe dọa phủ quyết một thỏa thuận thương mại giữa EU với khối các nước Mỹ Latinh Mecosur mà Brazil là thành viên, và cáo buộc rằng ông Bolsonaro đã nói dối về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Chính phủ Brazil nổi giận và Tổng thống nước này gọi Tổng thống Pháp là người có “tư duy thực dân”, rằng việc lập liên minh chống cháy rừng là hành động xâm phạm chủ quyền quốc gia của Brazil.

Sau đó, hôm 27/8, trước tình trạng khẩn cấp phải bảo vệ rừng Amazon, ông Bolsonaro hạ nhiệt căng thẳng, chấp thuận khoản viện trợ của G7 và các nước, các tổ chức nước ngoài, nhưng khẳng định chúng phải kèm theo điều kiện để Brazil tự quyết.

Nhiều quốc gia đã quyết định giúp Brazil chống cháy rừng, sau khi Tổng thống Bolsorano đồng ý nhận viện trợ của G7. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/8 đã lên tiếng ủng hộ ông Bolsonaro và cho biết Mỹ sẵn sàng giúp Brazil chống cháy rừng. Ngoài ra, Canada đã cam kết đóng góp 11 triệu USD, Đức khẳng định sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho Brazil dập tắt đám cháy. Tổng thống Peru và Colombia đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Amazon để điều phối chiến lược bảo vệ rừng. CEO của hãng Apple, ông Tim Cook, cho biết Apple sẽ tặng một khoản quỹ để giúp bảo vệ đa dạng sinh học và khôi phục rừng Amazon.

Người bản địa lên tiếng

Ngoài những tranh cãi quốc tế, nỗ lực chống cháy rừng của ông Bolsonaro không đủ mạnh mẽ khiến uy tín trong nước của ông cũng giảm sút so với khi lên nắm quyền hồi tháng 1/2019. Tỷ lệ ủng hộ của ông từ 38,9% trong tháng Hai giờ chỉ còn 29,4%, khiến ông đối mặt với sức ép rất lớn. Đại diện cho cánh hữu lên nắm quyền, ông được cho là đã làm tốt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, cải thiện vấn đề an ninh, cắt giảm bộ máy chính phủ quan liêu và cồng kềnh, nhưng cũng đối mặt với những chỉ trích về giáo dục, y tế, môi trường. Ông bị cho là đã không mạnh tay với nạn phá rừng, một trong những nguyên nhân trực tiếp gây thảm họa cháy.

Trước việc đất đai và sinh kế bị hủy hoại, các bộ tộc bản địa sống trong khu vực rừng Amazon đã lên tiếng mạnh mẽ. Họ cam kết sẽ làm tất cả để cứu rừng và kêu gọi toàn thế giới cùng chung tay. “Chúng tôi sẽ đặt cả mạng sống của mình để cứu lãnh thổ” - bà Sonia Guajajara, người sinh ra ở vùng Amazon, một lãnh đạo bản địa, đưa ra trong tuyên bố hôm 27/8.

“Chúng tôi đã cảnh báo suốt nhiều thập kỷ về việc vi phạm bảo vệ rừng mà chúng tôi đã phải chịu trên khắp Brazil”. Bà cho rằng hành xử của những công ty khai thác gỗ, khai mỏ, chăn nuôi gia súc, với sự vận động mạnh mẽ trong quốc hội khiến ảnh hưởng tới 200 đại biểu, đã tác động xấu đến những thế lực chống người bản địa, làm gia tăng bạo lực với môi trường và với người dân bản xứ.

“Nếu chúng ta không ngăn chặn việc hủy hoại Mẹ thiên nhiên, cá thế hệ tương lai sẽ sống trong một thế giới hoàn toàn khác với chúng ta ngày nay” - tuyên bố của bộ tộc Huni Kuin viết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ