Chảy dãi khi ngủ cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm

Chảy dãi khi ngủ không chỉ khiến bạn phải giặt gối khi thức dậy vào buổi sáng mà còn là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Chảy dãi khi ngủ cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm

Bất cứ ai trong chúng ta đôi khi đều xuất hiện tình trạng chảy dãi trong khi ngủ. Đó là khi lượng nước bọt dư thừa chảy khỏi miệng. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này lặp lại thường xuyên và lượng nước bọt tiết ra quá nhiều, bạn cần lưu ý vì đây có thể là dấu hiệu một số chứng bệnh.

Khi ngủ, cơ mặt của chúng ta, bao gồm cơ hàm, ở vào trạng thái nghỉ ngơi. Khi nước bọt tiết ra quá nhiều trong miệng, nó có thể bắt đầu chảy ra khỏi miệng do cơ hàm thả lỏng dẫn tới việc miệng chúng ta hơi hé mở.

Việc chảy dãi quá nhiều khi ngủ có thể là dấu hiệu của bệnh về thần kinh, rối loạn nuốt, chứng ngưng thở lúc ngủ, trào ngược dạ dày thực quản hoặc bị tắc nghẽn xoang mũi. Ngoài ra, những người gặp một số vấn đề khác về sức khỏe như đột quỵ, đa sơ cứng cũng thường chảy dãi thường xuyên với lượng nước bọt nhiều trong khi ngủ.

Chay dai khi ngu canh bao nhung can benh nguy hiem hinh anh 1

Việc chảy dãi quá nhiều khi ngủ có thể là dấu hiệu của bệnh về thần kinh, rối loạn nuốt, chứng ngưng thở lúc ngủ, trào ngược dạ dày thực quản hoặc bị tắc nghẽn xoang mũi.

Làm thế nào để bạn không còn gặp phải tình huống thức dậy buổi sáng với chiếc gối ướt nhẹp? Hãy cùng tham khảo một số giải pháp sau đây:

Làm sạch xoang mũi

Một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng chảy dãi là mũi bị tắc nghẹt, khiến bạn phải thở bằng miệng trong khi ngủ, dẫn tới việc nước bọt có thể tiết ra ngoài. Do đó, việc làm sạch, giúp xoang mũi không bị tắc là một cách hữu hiệu để tạm biệt tình trạng chảy dãi khi ngủ.

Bạn có thể thử một vài cách đơn giản dễ làm ngay tại nhà như tắm nước ấm, dùng một số loại tinh dầu như tinh dầu bạch đàn để giúp dễ thở và ngủ tốt hơn. Tinh dầu bạch đàn có tác dụng trị đau, viêm xoang, hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp…

Bạn cũng có thể tham khảo một số sản phẩm tại các hiệu thuốc hoặc theo đơn bác sĩ để giúp thông xoang mũi, lưu thông đường khí thở.

Ngoài ra, bạn cần điều trị kịp thời những trường hợp viêm mũi, viêm xoang, tránh để kéo dài và phát triển thành tình trạng tắc mũi nặng.

Thay đổi tư thế ngủ

Những người có tư thế ngủ nằm nghiêng hoặc nằm sấp nên cân nhắc thay đổi tư thế ngủ. Hai tư thế này khiến nước bọt dễ trào ra khỏi miệng. Tư thế ngủ nằm ngửa giúp nước bọt được giữ lại trong miệng và không bị tiết ra ngoài.

Chứng ngưng thở khi ngủ

Rối loạn ngưng thở khi ngủ có thể gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn, khiến bạn thức giấc vào buổi đêm, gây mệt mỏi vào buổi sáng, và cảm thấy mệt mỏi buồn ngủ vào ban ngày. Ngưng thở được định nghĩa là không có luồng hơi thở trong ít nhất 10 giây.

Chảy dãi khi ngủ và ngáy là 2 dấu hiệu chính của ngưng thở khi ngủ. Nếu bạn lo lắng rằng mình có thể mắc phải hiện tượng này, hãy đi khám bác sĩ. Ngoài ra, hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ và các vấn đề về hô hấp nói chung.

Giảm cân

Một nghiên cứu cho thấy hơn nửa số người mắc rối loạn ngưng thở khi ngủ tại Mỹ là những người thừa cân. Như vậy, tình trạng thừa cân có ảnh hưởng không nhỏ tới giấc ngủ. Do đó, những người béo phì có thể xem xét phương án giảm cân qua việc duy trì chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý.

Chay dai khi ngu canh bao nhung can benh nguy hiem hinh anh 2

Tình trạng thừa cân có ảnh hưởng không nhỏ tới giấc ngủ.

Sử dụng thiết bị đặc biệt

Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thiết bị đặc biệt, giúp bạn tránh khỏi tình trạng chảy dãi và ngáy khi ngủ. Đây là những thiết bị giúp miệng bạn khép lại tốt hơn khi ngủ, tránh tình trạng chảy nước dãi hoặc giúp bạn nuốt tốt hơn nếu bị rối loạn nuốt.

Xem lại một số loại thuốc đang sử dụng

Một số loại thuốc có thể khiến cơ thể tiết ra nhiều nước bọt hơn so với bình thường như thuốc chống loạn thần, thuốc điều trị bệnh Alzheimer và một số loại thuốc kháng sinh.

Phương án phẫu thuật

Đôi khi, các bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh phương án phẫu thuật để loại bỏ tuyến nước bọt, đặc biệt trong những trường hợp bệnh nhân mắc những vấn đề về thần kinh. Tất nhiên, trước đó các bác sĩ sẽ thử nghiệm những phương pháp không phẫu thuật khác và chỉ đề xuất phương án này khi các biện pháp khác không có tác dụng.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ