Chạy đà ôn thi tốt nghiệp THPT 2025

GD&TĐ - Nhiều trường THPT đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp thi tốt nghiệp THPT...

Các trường THPT sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để học sinh thích ứng với kỳ thi có nhiềuđổi mới. Ảnh: INT
Các trường THPT sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để học sinh thích ứng với kỳ thi có nhiềuđổi mới. Ảnh: INT

Sau khai giảng năm học 2024 - 2025, nhiều trường THPT khảo sát nguyện vọng đăng ký môn lựa chọn thi tốt nghiệp THPT đối với khối 12 để chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp.

Ưu tiên tối đa nguyện vọng học sinh

Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) mở đường link cho học sinh lớp 12 đăng ký 2 môn tự chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 trong vòng 1 tuần sau khai giảng năm học.

Thầy Phạm Đình Kha - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tuy chưa hết thời gian đăng ký nhưng một số lớp, học sinh đã hoàn tất. Dù số lượng đăng ký không nhiều nhưng hầu như lớp nào cũng có học sinh lựa chọn môn Công nghệ hoặc Tin học. Trong đó, môn Công nghệ công nghiệp chiếm số lượng nhiều hơn”.

Trao đổi về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: Đối với cấp THPT, đặc biệt trong công tác giảng dạy học sinh khối 12, bên cạnh giải pháp căn cơ, các trường cần chú trọng làm tốt, nâng cao chất lượng chuyên môn.

Các trường cần phân công hợp lý đội ngũ giáo viên giảng dạy lớp 12, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy…

Theo thầy Phạm Đình Kha, kết quả khảo sát lần 1 mang tính chất tham khảo để nhà trường chủ động trong công tác dạy - học, ôn tập. Đến cuối học kỳ I, sau khi có điểm bài kiểm tra cuối kỳ, sơ kết điểm…, Trường THPT Võ Chí Công sẽ khảo sát thêm lần nữa với việc đăng ký môn thi tự chọn.

Trên cơ sở này, lấy ý kiến của phụ huynh để thống nhất phương án tổ chức ôn tập 2 môn còn lại. Nguyên tắc là tôn trọng nguyện vọng đăng ký lựa chọn môn nhưng kết hợp tư vấn, định hướng nghề nghiệp phù hợp năng lực học tập của các em.

“Rất mừng là môn Công nghệ công nghiệp, lớp nào cũng có từ 5 - 7 học sinh đăng ký lựa chọn ngay từ đầu năm học. Đây cũng là định hướng nghề nghiệp mà nhà trường kiên trì thực hiện, trong bối cảnh mất cân bằng trong cơ cấu nhân lực khi khối STEM không có nhiều sự hấp dẫn như kinh tế, công nghệ thông tin...”, thầy Kha chia sẻ.

Trong kế hoạch dạy học của Trường THPT Võ Chí Công, từ đầu năm học, giáo viên giảng dạy theo hướng dạy đến đâu ôn tập đến đấy, vừa dạy kiến thức mới vừa chú trọng ôn tập, rèn luyện kỹ năng cho học sinh.

Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, cuối tháng 9, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) tổ chức đợt khảo sát nhu cầu học sinh. Hiện, các lớp vẫn dạy theo tổ hợp 4 môn tự chọn của Chương trình GDPT 2018, trường bố trí giáo viên có kinh nghiệm dạy lớp 12 nhằm đảm bảo chất lượng.

Riêng môn Tin học, Công nghệ, theo thầy Hiệu trưởng Trịnh Nguyễn Thi Bằng, trước mắt sẽ phân tích, hướng nghiệp để học sinh hạn chế lựa chọn 2 môn này vì các tổ hợp môn xét vào đại học chưa có. Trường hợp học sinh lựa chọn thì tổ chức ôn tập như các môn khác để đảm bảo thi tốt nghiệp. Ít học sinh chọn thì trường vẫn dạy để chuẩn bị kiến thức tốt nhất.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên giảng dạy lớp 12 năm học 2024 - 2025, hiện các trường đại học chưa công bố tổ hợp xét tuyển, trong khi số môn thi năm 2025 ít hơn những năm trước 2 môn, nên học sinh phải ưu tiên chọn môn học xét được nhiều tổ hợp để bảo đảm an toàn.

Ví dụ, một số em muốn vào ngành Công nghệ thông tin nhưng sẽ chọn tổ hợp A00 (Toán - Vật lí - Hóa học) hoặc A01 (Toán - Vật lí - Tiếng Anh) để vẫn xét được vào những ngành khác… Riêng môn Tin học, học sinh phải làm quen với cách sử dụng máy móc, phần mềm để tiếp cận với kỳ thi.

nha truong chu dong chay da.JPG
Thí sinh TP Cần Thơ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Q. Ngữ

Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo đề minh họa

Trường THPT xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã tiến hành khảo sát học sinh từ cuối năm lớp 11 về nguyện vọng, đăng ký dự kiến môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025.

“Trên cơ sở số liệu đăng ký các môn tự chọn của học sinh, chúng tôi tổ chức giao ban các tổ chuyên môn, cùng nhau bàn bạc, phân tích nội dung chương trình; xem xét nội dung môn Tin học, Công nghệ phải đảm bảo kiến thức, kỹ năng cần thiết để học sinh làm bài thi tốt nghiệp. Nội dung môn học này cũng cần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với yêu cầu kỳ thi”, thầy Đặng Văn Hiệu - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Tại Cần Thơ, trong tháng 9, sở đồng loạt tổ chức tập huấn các môn có thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết thêm: Bước đầu, sở khảo sát nhu cầu học sinh và chuẩn bị chu đáo để đảm bảo kế hoạch dạy, học, ôn tập thuận lợi nhất cho thầy, trò.

Chương trình GDPT 2018 đặt ra nhiều vấn đề về đổi mới và một trong số đó là thay đổi kiểm tra, đánh giá. Do vậy, Ban giám hiệu Trường THPT Chợ Gạo (Tiền Giang) đã định hướng tới các tổ chuyên môn để có sự điều chỉnh, định hướng sao cho phù hợp, đặc biệt với học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 ở khối 10, 11, 12…

nha truong chu dong chay da3.jpg
Học sinh Trường THPT Chiềng Khương (huyện Sông Mã, Sơn La) học môn Công nghệ. Ảnh: Hà Hoàng

Còn theo hướng dẫn của Ban giám hiệu Trường THPT Sơn Trà (TP Đà Nẵng), các tổ chuyên môn đều xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi môn học dựa trên cấu trúc, định dạng đề minh họa đề thi tốt nghiệp THPT 2025 mà Bộ đã công bố. Trong đó, chú trọng tăng cường số lượng câu hỏi trắc nghiệm dạng điền khuyết, lựa chọn đúng sai.

Trong quá trình dạy - học, giáo viên hướng cho học sinh nắm được nội dung kiến thức cốt lõi cần ghi nhớ và có khả năng tự diễn đạt lại một cách ngắn gọn để có thể làm tốt 2 dạng câu hỏi trắc nghiệm mới. Trong kiểm tra, đánh giá định kỳ và thường xuyên ở các môn học, giáo viên sẽ xây dựng đề theo định hướng đánh giá năng lực để học sinh làm quen, rèn luyện.

Thầy Đặng Văn Hiệu cho rằng, để hỗ trợ, hướng dẫn học sinh đạt kết quả cao ở 2 môn thi Công nghệ và Tin học, giáo viên cần định hướng cấu trúc đề thi, đảm bảo việc đánh giá toàn diện các kỹ năng, kiến thức của học sinh về môn học, bao gồm cả lý thuyết, thực hành và giải quyết vấn đề.

Còn cô Trần Thị Nguyên - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho hay, đưa môn Tin học, Công nghệ vào môn thi tốt nghiệp THPT là nắm bắt kịp với xu thế thời đại công nghệ 4.0.

Để chuẩn bị tốt cho sự thay đổi này, tổ bộ môn Tin học của nhà trường chuẩn bị rất kỹ lưỡng như: Xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể cho từng giai đoạn trong năm học, gồm cả ôn tập và chuẩn bị kỳ thi. Giáo viên của tổ Tin học và Công nghệ sẽ được tập huấn, nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy, cập nhật kiến thức mới, đảm bảo tốt nội dung chương trình.

Trường THPT Sơn Trà kéo dài thời gian khảo sát nguyện vọng đăng ký 2 môn tự chọn để dự thi tốt nghiệp THPT ở khối 12 cho đến hết tháng 9.

“Sau đó, chúng tôi sẽ họp cha mẹ học sinh, phổ biến dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để nắm được tinh thần của những thay đổi, điều chỉnh trong thi cử, tuyển sinh.

Với 2 môn bắt buộc sẽ tăng tiết để ôn tập từ đầu năm học. Với 2 môn tự chọn, phụ huynh có nguyện vọng thì nhà trường tổ chức lớp ôn tập, dù số lượng học sinh đăng ký ít vẫn duy trì”, thầy Hiệu trưởng Bùi Minh Quảng trao đổi.

Như môn Tin học, hiện nay Trường THPT Sơn Trà có 4 lớp 12 có học môn này, dự đoán số lượng học sinh đăng ký dự thi không nhiều. “Nhưng trên tinh thần nhà trường sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để học sinh thích ứng với kỳ thi có nhiều đổi mới nên các lớp ôn tập vẫn được sắp xếp, ưu tiên đội ngũ giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm”, thầy Bùi Minh Quảng khẳng định.

“Đây là năm đầu tiên, Tin học, Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp THPT nên có khả năng số lượng học sinh lựa chọn còn ít so với các môn khác. Sở GD&ĐT Sơn La yêu cầu nhà trường phải tập trung tổ chức ôn tập cho các em có đăng ký dự thi 2 môn này.

Dù ít học sinh đăng ký vẫn bố trí giáo viên, lớp học hướng dẫn ôn luyện. Qua đó, giúp trò yên tâm, tự tin trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp sắp tới đạt kết quả cao nhất”, ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ