Châu Phi xóa sổ hoàn toàn virus bại liệt

GD&TĐ - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố xóa sổ hoàn toàn virus bại liệt tại châu Phi sau bốn năm không ghi nhận ca nhiễm mới.

Châu Phi xóa sổ hoàn toàn virus bại liệt

Ngày 25/8, Ủy ban Chứng nhận châu Phi (ARCC) về thanh toán bệnh bại liệt đã chính thức đưa ra thông báo trong hội nghị trực tuyến của WHO. Trong số 47 quốc gia châu Phi có trong WHO, Nigeria là nước xóa bỏ được virus này gần đây nhất. “Ngày hôm nay chúng ta cùng nhau chúc mừng thành công mang tính lịch sử của ngành y tế cộng đồng, chứng nhận virus bại liệt bị xóa sổ hoàn toàn khỏi khu vực châu Phi”, Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám sát bệnh bại liệt cho biết.

Bại liệt từng là một virus phổ biến, có thể tấn công hệ thần kinh, gây yếu cơ hoặc tê liệt ở trẻ nhỏ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), phần lớn những người dính virus bại liệt không bị liệt, nhưng những trường hợp mắc bệnh có thể bị tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong bởi tình trạng này, vì các cơ hỗ trợ hô hấp có thể bị tê liệt. Mặc dù không có phương pháp điều trị cụ thể nào cho bệnh bại liệt, nhưng việc tiêm phòng vắc-xin bại liệt đầy đủ có hiệu quả đến hơn 99% trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh.

Nỗ lực tiêu diệt hoàn toàn căn bệnh phần lớn thông qua Sáng kiến Xóa sổ Bại liệt Toàn cầu (GPEI) thành lập năm 1988 do chính phủ các nước dẫn dắt cùng 5 đối tác: Rotary International, WHO, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Quỹ Bill và Melinda Gates. Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO cho biết, ngoài việc quản lý tiêm chủng, liên minh đã cải thiện hệ thống giám sát để theo dõi các đợt bùng phát bệnh bại liệt và làm việc với những người sống sót sau dịch để nâng cao nhận thức về chiến dịch. 

Các nhân viên y tế cũng phải đối mặt với mối đe dọa tấn công từ lực lượng nổi dậy Boko Haram ở miền Bắc Nigeria, cũng như bạo lực thường xuyên từ các cộng đồng địa phương phản đối nỗ lực tiêm chủng do lo ngại về ảnh hưởng của vắc-xin. Để bảo vệ các nhân viên y tế, liên minh đã làm việc với các thành viên quân đội và một lực lượng dân quân được chính phủ phê duyệt đóng vai trò hộ tống họ, theo Tiến sĩ Tunji Funsho, điều phối viên chống bại liệt người Nigeria thuộc tổ chức phi lợi nhuận Rotary International. 

Trường hợp bại liệt cuối cùng được ghi nhận tại Nigeria năm 2016. Từ năm 1996, các nỗ lực xóa sổ mầm bệnh đã bảo vệ tới 1,8 triệu trẻ em và cứu sống khoảng 180.000 người. Châu Phi là châu lục tiếp theo xóa sổ virus bại liệt sau châu Mỹ, châu Âu và phần lớn châu Úc. Căn bệnh hiện còn tồn tại ở hai nước Afghanistan và Pakistan.

Châu Phi đã tuyên bố là không còn virus bại liệt, nhưng công việc vẫn chưa kết thúc. Theo CDC, vắc-xin bại liệt dạng uống, bao gồm cả loại vắc-xin được sử dụng ở châu Phi, có chứa virus bại liệt đã suy yếu đôi khi có thể đột biến thành dạng hoạt động và có thể lây nhiễm sang những người chưa được tiêm chủng. Ở những khu vực có tỷ lệ bao phủ vắc-xin thấp, sự bùng phát của virus bại liệt có nguồn gốc từ vắc-xin có thể xảy ra.

Theo BBC News, Nigeria và 15 quốc gia châu Phi khác hiện đang trải qua những đợt bùng phát nhỏ do virus bại liệt có nguồn gốc từ vắc-xin và tổng cộng 177 trường hợp mắc bệnh bại liệt bởi virus có nguồn gốc từ vắc-xin đã được ghi nhận ở châu Phi trong năm nay. “Xóa sổ bệnh bại liệt trên toàn cầu đòi hỏi phải dừng tất cả việc sử dụng vắc-xin bại liệt dạng uống trong công cuộc tiêm chủng thông thường, càng sớm càng tốt,” trang web của CDC lưu ý.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ