Châu Phi vật vã chống Covid-19

Châu Phi vật vã chống Covid-19

Hạn hán, nạn châu chấu, virus SARS-CoV-2… tất cả thảm họa đổ ập xuống lục địa này trong năm nay.

“Chính phủ nói rằng, chúng tôi cần ở trong nhà để chống dịch. Nhưng nếu chúng tôi làm thế, thì chúng tôi sẽ chết đói. Nếu ra ngoài kiếm tiền để mua thức ăn, chúng tôi lại có thể bị chết vì virus. Vậy chúng tôi phải làm sao?” – một phụ nữ ở khu ổ chuột tại Nairobi (Kenya) bày tỏ trên truyền hình sau khi chính phủ nước này ban hành quyết định giãn cách xã hội.

Các quốc gia châu Phi đang thử làm theo mô hình chống dịch của châu Âu và châu Á. Họ đóng cửa biên giới, công ty, trường học; yêu cầu người dân ở nhà. Tuy nhiên, phần lớn cư dân châu Phi sống trong các điều kiện khó khăn, không cho phép cách ly xã hội quá lâu. Thực phẩm đắt dần lên, còn nhiều cư dân các khu ổ chuột thậm chí không có tiền để mua thức ăn.

Vực thẳm tài chính

Những người nông dân Kenya nói với giới báo chí rằng họ ở trong thế “tiến thoái lưỡng nan”: Đi làm và nhiễm virus, hoặc ở nhà và lỡ mất thời điểm gieo trồng. Do lệnh hạn chế di chuyển nên khắp nơi thiếu người làm ruộng, thiếu hạt giống và phân bón. Một trong những nhà cung cấp hạt giống lớn nhất quốc gia là Công ty Kenya Seed đã ngừng hoạt động vì lý do “ủng hộ việc cách ly xã hội”.

Ngày 26/3, ông Uhuru Kenyatta, Tổng thống Kenya tuyên bố ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, từ 7 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. “Nếu không kể các quán bar bị đóng cửa, thì cuộc sống vẫn trôi đi bình thường đối với người dân nghèo Kenya, như thể quốc gia này không phải đương đầu với dịch bệnh” – Nhật báo “Daily Nation” của Kenya bình luận. Tuy nhiên, chính phủ vẫn duy trì lệnh cấm ra khỏi nhà và việc này, theo “Daily Nation”, đã đẩy 70% dân số vào “vực thẳm tài chính”.

Bất hạnh chồng chất

Virus SARS-CoV-2 là nỗi bất hạnh lớn nhất, nhưng không phải là duy nhất: Kenya và các quốc gia vùng Sừng châu Phi (Ethiopia và Somalia) còn gặp nạn châu chấu lớn nhất trong vòng 10 năm nay. Các hệ quả đau lòng của thảm họa khí hậu ngày càng rõ rệt: Hạn hán đan xen lụt lội ra sức tàn phá hoa màu. Trước đây, trong thời gian diễn ra dịch Ebola ở Tây Phi (năm 2014), các vấn đề liên quan đến dự trữ lương thực cũng nhanh chóng xuất hiện, đường giao thông bị đóng, người nông dân bị hạn chế ra chợ. Những vấn đề đó khiến họ gặp khó khăn trong bán nông sản và mua phân bón, nông cụ hay hạt giống. Trong mùa thu hoạch, lực lượng lao động còn bị hạn chế đi lại. Do vậy, không phải tất cả mọi thứ mọc lên, ra hoa kết trái đều được thu hoạch.

Châu Phi vật vã chống Covid-19 ảnh 1
Bên cạnh Covid-19, châu Phi còn phải ứng phó với nạn châu chấu.

Không được ăn trưa ở trường

Chi phí chống đại dịch Covid-19 là rất lớn. Cư dân các khu ổ chuột tại các đô thị là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Có tới 85% số dân châu Phi làm việc trong khu vực kinh tế không chính thức (có quy mô hoạt động từ nhỏ đến rất nhỏ, dễ dàng tổ chức hoạt động và hầu như không bắt buộc phải tuân theo các quy định chính quy do nhà nước đề ra). Phần lớn lao động trong khu vực này là những người buôn bán nhỏ lẻ, lao động theo ngày, thợ thủ công. 

Vào thời gian nền kinh tế quốc gia còn phát triển, họ đã vất vả kiếm sống qua ngày. Tại Nigeria, các hộ gia đình dành hơn một nửa thu nhập để mua lương thực. Tại Kenya – gần một nửa thu nhập. Đó là dữ liệu dành cho toàn bộ dân cư; còn những người dân trong khu ổ chuột phải dành phần lớn thu nhập để mua thức ăn. Chỉ cần giá thực phẩm tăng nhẹ một chút hoặc bị mất việc tạm thời là họ có nguy cơ bị đói ăn.

Theo ông Maximo Torero Cullen, chuyên viên chính của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), 300 triệu trẻ em trên thế giới đã không được ăn trưa ở trường bởi trường đóng cửa vì lý do đại dịch. Đối với nhiều em, bữa trưa ở trường là bữa ăn nóng và đầy đủ duy nhất trong ngày. Tại châu Phi, hơn 20 quốc gia đã đóng cửa trường học.

Nghèo đói đáng sợ hơn virus

Người dân châu Phi thường không tuân thủ các quy định cách ly xã hội. Cũng khó đổ lỗi cho họ, bởi phải có cái gì đó để ăn. Tại Monrovia, thủ đô của Cộng hòa Liberia, chỉ sau vài ngày cách ly xã hội, các chợ và siêu thị đã thiếu hàng hóa. Nước sạch cũng thiếu và điện bị cắt liên tục. Các bệnh viện buộc phải xoay xở trong tình trạng mất điện và thiếu thuốc men. Các con phố ngập ngụa trong nước thải vì hệ thống thoát nước xuống cấp nghiêm trọng. Đối với nhiều người dân Liberia, ở nhà cách ly trong những điều kiện tồi tệ - nghèo nàn và đói kém, thì còn nguy hiểm hơn là bị nhiễm virrus.

Cần phải hành động như thế nào trong tình hình chung như vậy? Chuyên viên chính của FAO khuyến nghị chính phủ các quốc gia châu Phi trợ cấp tiền cho nông dân nghèo, mở các khoản vay và tài trợ để tái kích hoạt thương mại, thực hiện các hoạt động mua dự trữ, đặc biệt là đối với hoa quả và cá, bởi vì trong thời gian đại dịch, người dân chủ yếu mua bột mì và đồ hộp vì những thứ này để dành được lâu. Chính vì vậy mà những người bán cá gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, cũng cần cấp phát lương thực nếu người dân không thể mua vì lý do đóng cửa chợ hoặc cửa hàng.

TheoNauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ