Ngày 2/8, tại Hà Nội, ông Vương Quỳnh Xuân - con trai ông Vương Đình Thọ, cháu nội cụ Vương Chí Sình (tức Vương Chí Thành), đã hiến tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh hai hiện vật quý: thanh gươm và áo trấn thủ. Đây là hai kỷ vật Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cụ Vương Chí Sình (người H"Mông còn gọi ông là "Vua Mèo") cách đây hơn 6 thập kỷ.
Kể về nguồn gốc của hai kỷ vật này, ông Vương Quỳnh Xuân cho biết, chiếc áo trấn thủ là quà của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng cụ Vương Chí Sình vào cuối năm 1950.
Chiếc áo trấn thủ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng cụ Vương Chí Sình năm 1950. |
Đấy là chiếc áo trấn thủ Chủ tịch Hồ Chí Minh được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Hải Dương tặng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thêu thêm dòng chữ "Chuyển tặng Vương Chí Thành, đại biểu Quốc hội" và ký tên Hồ Chí Minh phía dưới để gửi tặng cụ Vương Chí Sình.
Còn với kỷ vật thanh gươm hợp kim thép, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân chỉ thị cho Xưởng quân khí Bộ Quốc phòng làm. Thanh gươm dài hơn 70 cm, chuôi bằng sừng màu đen gắn ngôi sao màu bạc nổi.
Bao thanh gươm là vỏ gỗ tốt có 3 đai kim loại, quai đeo bằng da đã cũ nhưng còn tốt.
Năm 1956, thanh gươm này đã được ông Bùi Công Trừng - Thứ trưởng Kinh tế - người được cử làm đặc phái viên thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh mang lên thị xã Hà Giang tặng cụ Vương Chí Sình trước sự chứng kiến của người dân địa phương.
Thanh gươm quý Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng cụ Vương Chí Sình năm 1956. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh |
Tám chữ: "Tận tâm báo quốc/ Bất thụ nô lệ" được Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay viết lên hai mặt của bao gươm biểu thị tấm lòng của Người với những công lao của dòng họ Vương ở Hà Giang. Được biết, cụ Vương Chí Sình là người duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng gươm.
Sau hơn nửa thế kỷ, hai kỷ vật quý giá này vẫn còn nguyên vẹn. Những dòng chữ thêu bằng chỉ đỏ, trắng, vàng vẫn rõ ràng trên áo trấn thủ hay tám chữ được viết trên bao thanh gươm vẫn rõ nét.
Theo ông Vương Quỳnh Xuân, bao năm qua, con cháu họ Vương coi thanh gươm và áo trấn thủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng là báu vật quý giá của cả dòng họ và dân tộc H"Mông nên giữ gìn cẩn thận.
Con cháu họ Vương mong muốn bảo tàng sẽ giới thiệu để công chúng hiểu rõ mối quan hệ đặc biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Vương Chí Sình.
Cũng theo chia sẻ của ông Vương Quỳnh Xuân, đầu thế kỷ 20, cụ Vương Chính Đức được cộng đồng người H’Mông tôn là Chính vương vì đã có công lãnh đạo, đánh thắng các toán quân nhà Thanh và thực dân Pháp xâm phạm cao nguyên Mèo Vạc (Đồng Văn, Hà Giang).
Khi phát xít Nhật tổ chức các cuộc hành quân xâm phạm lãnh thổ, cụ Vương Chính Đức và con trai là Vương Chí Sình tiếp tục lãnh đạo cộng đồng người H"Mông đánh bại các cuộc hành quân này.
Đầu tháng 9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được thành lập. Cụ Vương Chính Đức đã cử con trai Vương Chí Sình về Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Vương Chí Sình đã kết nghĩa anh em. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị cụ Vương Chí Sình làm chủ tịch tỉnh Hà Giang, nhưng cụ Vương Chí Sình chỉ nhận làm chủ tịch Đồng Văn (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh). Cụ Vương Chí Sình cũng được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I, II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.