Châu Âu sắp có đường ống 2,5 tỷ euro chuyển hydro giữa Tây Ban Nha và Pháp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đường ống dẫn khí đốt dưới biển giữa Tây Ban Nha và Pháp sẽ chỉ vận chuyển hydro và được dự đoán hoàn thành năm 2030.

Từ trái qua phải: Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonia Costa, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại Alicante, Tây Ban Nha ngày 9/12.
Từ trái qua phải: Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonia Costa, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại Alicante, Tây Ban Nha ngày 9/12.

Tháng 10, dự án H2MED, được các nhà lãnh đạo Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha thống nhất vận chuyển khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, phát biểu sau cuộc họp 3 bên trước hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu – Địa Trung Hải (EUMED) ngày 9/12 ở Alicante (Tây Ban Nha), Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa xác nhận đường ống mới sẽ "dành riêng cho hydro xanh".

Theo Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, đường ống này sẽ tiêu tốn khoảng 2,5 tỷ euro và cho phép vận chuyển 2 triệu tấn hydro mỗi năm.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xác nhận 3 nước sẽ đệ trình dự án lên Ủy ban châu Âu trước ngày 15/12 để được tuyên bố là "dự án có lợi ích chung". Điều này sẽ cho phép dự án yêu cầu tới 50% chi phí từ các quỹ của EU.

Ông Macron cũng dự tính dự án hoàn thành vào năm 2030.

EU đã biến hydro thành nền tảng trong chiến lược đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 với tỷ lệ hydro trong hỗn hợp năng lượng của khối có thể đạt tới 20% vào giữa thế kỷ này.

EU cũng phản ứng với cuộc chiến của Nga ở Ukraine bằng cách tiết lộ một kế hoạch trị giá 210 tỷ euro, được gọi là RePowerEU. Kế hoạch này nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và tăng cường kết nối giữa các quốc gia thành viên.

"Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đã cho thấy khá rõ ràng rằng chúng ta cần củng cố an ninh năng lượng của mình ở châu Âu. Rõ ràng, an ninh này đòi hỏi phải tăng khả năng sản xuất năng lượng của chúng ta mà không cần phụ thuộc vào bên thứ ba. Ngoài ra, ngay cả khi chúng ta buộc phải nhập khẩu một số năng lượng, điều quan trọng là cần thúc đẩy đa dạng hóa các nguồn và lộ trình nhập khẩu năng lượng. Càng đa dạng hóa, chúng ta càng ít phụ thuộc" - ông Costa nói.

Có mặt tại cuộc họp ở Alicante, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết dự án H2MED "đang đi đúng hướng" vì nó "có khả năng giúp xây dựng một xương sống hydro thực sự của Châu Âu."

"Chúng ta sẽ sản xuất 10 triệu tấn hydro tái tạo ở EU vào năm 2030 và có kế hoạch nhập khẩu thêm 10 triệu tấn nữa. Hydro sẽ phải tiếp cận ngành công nghiệp của chúng ta. Đây là lý do tại sao cần xác định một loạt các hành lang chiến lược bao gồm đường ống đi xuyên suốt châu Âu từ Tây sang Đông, qua bán đảo Iberia."

"Đây là lý do tại sao hôm nay tôi nhiệt liệt hoan nghênh thỏa thuận này giữa Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha" - bà nói.

Bồ Đào Nha hiện đang sản xuất hydro tái tạo với giá cả phải chăng nhất EU, theo một báo cáo của Hydrogen Europe. Họ ước tính quá trình loại trừ cacbon bằng hydro sẽ cần 15 nghìn tỷ USD trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2050.

Theo Euronews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...