Financial Times trong cuộc điều tra mới đây thông tin, nhiều thành viên EU vẫn đang rất dè chừng trước kế hoạch tịch thu tài sản của Nga ở châu Âu và dùng số tiền đó để tài trợ cho Ukraine.
Tin tức được đưa ra trong bối cảnh Mỹ cũng đang chịu áp lực về khoản viện trợ cho cuộc xung đột dài hơi ở biên giới Nga.
Theo tờ báo, sáng kiến về việc tịch thu tài sản Nga đang thu hút được sự chú ý của các quốc gia G7, vì Mỹ và EU đã không đảm bảo được gói hỗ trợ tài chính mới cho Kiev.
Mỹ là quốc gia "chưa bao giờ công khai ủng hộ việc tịch thu tài sản Nga", nhưng đã có lập trường cứng rắn hơn trong những tuần gần đây.
Các nguồn tin cho biết, giới chức Mỹ đã đề cập đến các thành viên G7 rằng, có một lộ trình để việc tịch thu tài sản của Nga "phù hợp với luật pháp quốc tế" và dùng tiền đó để tài trợ cho Ukraine.
Bài báo trích dẫn một tài liệu của Chính phủ Mỹ gửi tới Ủy ban G7 cho biết, các thành viên của nhóm và “các quốc gia bị ảnh hưởng đặc biệt khác” có thể tịch thu tài sản thuộc chủ quyền của Nga “như một biện pháp đối phó để buộc Nga chấm dứt hành động”.
Một tài liệu của Ủy ban châu Âu cho biết khoảng 260 tỷ euro (285 tỷ USD) tài sản của ngân hàng trung ương Moscow đã được cố định ở các nước G7, EU và Australia vào năm ngoái.
Khoảng 210 tỷ euro (230 tỷ USD) dự trữ của Nga được giữ ở EU, bao gồm 191 tỷ euro ở Bỉ và 19 tỷ euro ở Pháp. Thụy Sĩ nắm giữ khoảng 7,8 tỷ euro, tiếp theo là Mỹ với 5 tỷ USD.
Do đó, một khi khối lượng tài sản này được thu giữ sẽ là một gói viện trợ khổng lồ dài hơi cho Ukraine.
Pháp, Đức và Ý vẫn “cực kỳ thận trọng” về ý tưởng này và một số quan chức EU “lo ngại có thể bị trả đũa” từ Moscow bởi khối lượng tài sản đóng băng của EU tại Nga là lớn hơn nhiều.
Một quan chức châu Âu nói với FT rằng EU “có nhiều thứ để mất hơn” bởi vì, không giống như Mỹ, EU nắm giữ phần lớn tài sản của Moscow.
Một lý do khác để phương Tây không sẵn sàng sử dụng phương án này là bởi điều đó càng cho thấy tài sản có chủ quyền nắm giữ bằng tiền tệ phương Tây là không an toàn. Như vậy, trong con mắt các nhà đầu tư khác như Trung Quốc hoặc Saudi Arabia, phương Tây sẽ bị suy giảm tính cạnh tranh.
Nga làm gì để khiến châu Âu "gậy ông đập lưng ông"?
Điều tra của New York Times trước đó cho thấy rằng, dù Moscow đã chứng kiến làn sóng rời đi của các công ty nước ngoài, nhưng họ vẫn thu về số tiền khổng lồ lên tới 103 tỷ USD.
Theo đó, chính quyền Nga đã sử dụng nhiều cách, bao gồm việc đưa ra quy định hạn chế chuyển tiền ra nước ngoài và yêu cầu các công ty từ “các quốc gia không thân thiện” phải được chấp thuận của Chính phủ trước khi bán doanh nghiệp của họ.
Bằng cách này, chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hãm phanh đúng lúc làn sóng rời Nga trong bối cảnh các doanh nhân phương Tây phải đối mặt với áp lực tăng tốc.
Ảnh: “Zamestim,” tiếng Nga có nghĩa là “Chúng tôi sẽ thay thế”, được làm từ logo của các công ty phương Tây sẽ bị các công ty Nga tiếp quản. Biểu tượng được trưng bày ở St. Petersburg, Nga, vào tháng 4 năm 2022. |
Tờ báo Mỹ cho hay, các doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ đã mua lại tài sản của các tập đoàn khổng lồ như Ikea và Toyota. Công ty bia Heineken của Hà Lan đã tìm được người mua vào mùa xuân này và định giá. Nhưng chính phủ Nga đã đơn phương từ chối thỏa thuận này.
Cùng với đó, việc chuyển giao cũng chịu mức thuế khổng lồ, giúp Nga thu thêm khoản tiền lên tới 1,25 tỷ USD trong năm qua.
Tờ báo Mỹ cho hay, các doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ đã mua lại tài sản của các tập đoàn khổng lồ như Ikea và Toyota. Công ty bia Heineken của Hà Lan đã tìm được người mua hồi đầu năm nay và định giá. Nhưng chính phủ Nga đã đơn phương từ chối thỏa thuận này.
Hầu hết các công ty nước ngoài vẫn ở Nga bởi không muốn mất hàng tỷ USD mà họ đã đầu tư vào đó trong nhiều thập kỷ.
Với chính sách của mình, Nga đã biến một loạt các công ty nước ngoài rời đi mà không bị tác động quá lớn ở thị trường trong nước.
New York Times bình luận rằng, các cuộc phản công kinh tế của ông Putin đã giúp củng cố sự ủng hộ của giới tinh hoa và giảm bớt tác động của sự cô lập của phương Tây.
Do đó, khả năng phục hồi tương đối của nền kinh tế Nga đã giúp ông Putin có thể chơi một ván cờ lâu dài.