Châu Âu lại “đau đầu” với Covid-19

GD&TĐ - Số ca nhiễm Covid-19 mới tại châu Âu đang tăng nhanh trở lại như trong giai đoạn đỉnh dịch trước đây, đặc biệt Pháp và Tây Ban Nha ghi nhận mỗi ngày có thêm tới hơn 10.000 người dương tính, buộc các chính phủ phải tái áp dụng hàng loạt biện pháp phòng dịch mạnh tay.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng dịch mới đang bùng phát tại châu Âu là do người dân có xu hướng ồ ạt đi du lịch và tham gia các hoạt động tập thể, sau khi quy định giãn cách xã hội được nới lỏng hoặc bãi bỏ ở hầu hết các nước.

Quan chức phụ trách châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bác sĩ Hans Kluge cảnh báo châu lục này đang phải đối mặt với “tình huống cực kỳ nghiêm trọng”.

Trước diễn biến mới, một số nước bắt đầu tái áp dụng các biện pháp phòng dịch cứng rắn kể từ ngày 21/9, nhằm kiềm chế đà lây lan như phong tỏa cục bộ một số điểm nóng hoặc cấm tụ tập quá 10 người trong nhà. Đặc biệt tại Tây Ban Nha, một số khu vực ở thủ đô Madrid sẽ bị phong tỏa từ ngày 21/9 và khoảng 850.000 người sẽ chịu ảnh hưởng bởi biện pháp này.

Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cảnh báo đã tới mức giới hạn bùng phát đại dịch không thể kiểm soát và nước này đối mặt với nguy cơ tái phong tỏa toàn quốc nếu người dân không tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch như đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người không cần thiết.

Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ ngày 29/9 tới, những ai vi phạm quy định tự cách ly vì tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 sẽ bị phạt tới 10.000 bảng Anh (tương đương hơn 300 triệu VNĐ).

Lãnh đạo một số nước khác cũng buộc phải có những động thái cứng rắn hơn kể từ đầu tuần này, để cảnh báo người dân trước làn sóng lây lan mới. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tuyên bố nước này đang “bước vào những tháng khó khăn trong mùa đông, nên người dân cần giảm tiếp xúc đông người và bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng”. 

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thì thông báo số ca nhiễm trong nước đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng một tuần qua, do đó các nhà hàng, quán cà phê và quán bar tại nhiều vùng sẽ đối mặt với lệnh hạn chế mới.

Trong khi đó, chính phủ Séc cũng đang triển khai các biện pháp phòng dịch mạnh tay do số ca mắc mới tăng nhanh kỷ lục trong hai tuần qua và đang tính đến khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp

Người dân nhiều nước châu Âu đang chủ quan hơn với dịch bệnh một phần do những thông tin khả quan về các loại vắc-xin ngừa Covid-19 sắp được đưa vào sử dụng đại trà.

Tuy nhiên, do năng lực sản xuất có hạn và các vấn đề liên quan đến những thử nghiệm bắt buộc khiến thế giới chưa thể sớm tiếp cận với vắc-xin trên diện rộng. Giới chức WHO cũng ước tính phải đến năm 2022 hoạt động của người dân trên toàn cầu mới có thể trở lại bình thường như trước dịch.

Trong bối cảnh dịch chỉ tạm lắng và có thể bùng phát bất cứ khi nào có điều kiện thích hợp với các chủng mới nguy hiểm hơn, việc tự giác tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch vẫn là biện pháp hữu hiệu và thực tế nhất.

Ngay cả một châu lục phát triển hàng đầu thế giới với hệ thống y tế hiện đại như châu Âu vẫn có thể rơi vào tình thế “trở tay không kịp”, nếu để đại dịch bùng phát không thể kiểm soát trước khi các loại vắc-xin có thể phát huy hiệu quả. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ