Theo xu hướng hiện tại, mức tiêu thụ bình quân đầu người trên toàn cầu sẽ tăng thêm 17% trong vòng 1 thập kỷ tới, báo cáo trên tờ The Lancet ghi nhận. Đến năm 2030, một nửa số người trưởng thành trên toàn cầu đều sẽ uống rượu và gần một phần tư sẽ uống đến mức say bí tỉ ít nhất một lần mỗi tháng, theo dự đoán thực hiện trên 189 quốc gia.
“Thế giới đang đi lệch khỏi các mục tiêu toàn cầu được đặt ra để giảm tiêu thụ rượu ở mức có hại”, theo các tác giả cho biết, kêu gọi các biện pháp đối phó mạnh mẽ hơn như tăng thuế và cấm quảng cáo. Mục tiêu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra là giảm được 10% số trường hợp tiêu thụ rượu ở mức có hại vào năm 2025.
Rượu có liên quan về mặt tác nhân của hơn 200 căn bệnh và gây ra hơn 3 triệu ca tử vong - 75% trong số họ là nam giới mỗi năm, WHO cho biết.
Trên toàn cầu, khoảng 237 triệu đàn ông và 46 triệu phụ nữ mắc các chứng rối loạn liên quan đến rượu, với tỷ lệ cao nhất là ở châu Âu (lần lượt là 15 và 3,5% đối với nam và nữ) và Bắc Mỹ (11,5 và 5%).
“Trước năm 1990, hầu hết rượu được tiêu thụ ở các nước có thu nhập cao, với mức độ sử dụng cao nhất được ghi nhận ở châu Âu”, theo tác giả chính Jakob Manthey, nhà nghiên cứu tại Viện Tâm lý học và Tâm lý học lâm sàng ở Dresden, Đức cho biết.
Tuy nhiên, mô hình này đã thay đổi đáng kể, với độ sụt giảm lớn xảy ra trên khắp Đông Âu và sự gia tăng lớn ở một số quốc gia có thu nhập trung bình như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Trong năm 2017, tỷ lệ người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên ở châu Âu và Bắc Mỹ tiêu thụ rượu vẫn cao - và nhiều hơn thế - so với các khu vực khác trên thế giới.
Ví dụ, ở Pháp, đàn ông uống một lượng đồ có cồn tương đương với 19 lít rượu nguyên chất và phụ nữ uống chỉ ít hơn 6 lít, với lượng tiêu thụ trung bình kết hợp chỉ hơn 12 lít. Con số năm 2017 của Mỹ có phần thấp hơn - lần lượt là 15 và 4,5 lít đối với nam và nữ, tiêu thụ trung bình chỉ dưới 10 - với tỷ lệ người không uống rượu cao hơn một chút. Ở Trung Quốc, đàn ông uống hơn 11 lít rượu, chủ yếu dưới dạng rượu mạnh và bia, trong khi phụ nữ uống 3 và trung bình chỉ hơn 7 lít.
Con số này thấp hơn so với Hoa Kỳ, nhưng là một bước nhảy lên gần 70% so với mức tiêu thụ của Trung Quốc vào năm 1990.
Trong khi đó ở Ấn Độ, tỷ lệ dân số tiêu thụ rượu thấp hơn nhiều - với con số tương ứng là 40 và 22% ở nam và nữ trong năm 2017 và tiêu thụ trung bình không đến 6 lít rượu nguyên chất. Nhưng con số này vẫn gấp đôi so với con số của năm 1990 và các nhà nghiên cứu dự đoán sẽ tăng thêm 50% vào năm 2030.
Theo khu vực, tiêu thụ rượu thấp nhất trong năm 2017 là ở Bắc Phi và Trung Đông, thường là ít hơn một lít mỗi người lớn mỗi năm.
Cao nhất là ở các nước Trung và Đông Âu, với số lượng trung bình hơn 12 lít/người lớn mỗi năm. Moldova ở vị trí số một có sự khác biệt rất lớn với hơn 15 lít rượu tiêu thụ, trong khi Nga, Pháp và Bồ Đào Nha - ở mức 12 lít mỗi người - cũng không nằm quá xa về phía sau.
Tiêu thụ trung bình toàn cầu gia tăng từ 5,9 lít nguyên chất mỗi người trưởng thành trong năm 1990 lên 6,5 lít trong năm 1997 và được dự kiến sẽ tăng lên 7,6 lít trong năm 2030. Trên toàn cầu, 45% rượu tiêu thụ được ghi nhận ở dưới dạng rượu mạnh như rượu ngũ cốc, 15% là bia và 12% là rượu vang.
Hơn một phần tư số ca tử vong liên quan đến rượu trong năm 2016 là do tai nạn, bạo lực và tự làm hại bản thân; 1/5 do các vấn đề về tiêu hóa; và 1/5 khác là do các bệnh tim và động mạch.