Chính sách đãi ngộ nghệ nhân: Nuôi dưỡng tình yêu di sản

GD&TĐ - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, chế độ đối với các nghệ nhân dân gian. Đây là động lực khuyến khích nghệ nhân tiếp tục cống hiến, nhằm “tiếp sức” nuôi dưỡng tình yêu di sản.

Chính sách đãi ngộ nghệ nhân: Nuôi dưỡng tình yêu di sản

Cần sớm triển khai

Các nghệ nhân giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ, trao truyền vốn quý di sản văn hóa truyền thống. Dù Đảng, Nhà nước luôn trân trọng đóng góp của các nghệ nhân và vai trò quan trọng của họ, đã ban hành chính sách đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân nhưng trong thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc chậm trễ chi trả chế độ đãi ngộ dành cho đội ngũ “Nghệ nhân ưu tú” ở một vài địa phương ít nhiều cũng ảnh hưởng đến niềm tin của nghệ nhân đối với việc tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa.

Theo Nghị định 109/2015/ NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn (hiệu lực từ ngày 1/1/2016) thì ngoài tiền thưởng, các NNND, NNƯT thuộc diện này tùy theo mức độ sẽ được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, được hưởng bảo hiểm y tế, khi qua đời sẽ được hỗ trợ mai táng phí. Tuy nhiên, dù Nghị định 109/2015/NĐ-CP có hiệu lực đã hơn một năm nhưng đến nay, nhiều nghệ nhân vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ thường xuyên.

Nghệ nhân hát Dô Nguyễn Thị Lan ở xã Liệp Tuyết (Quốc Oai), dù được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đợt I, nhưng cũng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp. Như vậy, ngoài hơn 10 triệu đồng tặng kèm danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2015, suốt 30 năm truyền dạy điệu hát cổ, bà không có thêm khoản hỗ trợ nào khác. Thế nhưng, chưa bao giờ bà toan tính thiệt hơn khi nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Đổng, Chủ nhiệm CLB dân ca ví, giặm huyện Thanh Chương (Nghệ An) chia sẻ: “Tôi đến với dân ca ví, giặm bằng niềm say mê. Giờ đây đã ngoài 80 tuổi, tôi không mong đợi nhiều, chỉ hy vọng khi Nhà nước đã có chế độ thì các ban, ngành sớm triển khai để những người già như tôi còn được hưởng khi còn sống”.

Gìn giữ, phát triển nền văn hóa dân gian

Nhiều năm trở lại đây, Nhà nước đã đầu tư tiền tỷ cho các địa phương để bảo tồn các hình thức văn hóa, nghệ thuật truyền thống và làm hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, với hàng chục các hạng mục, công trình lớn nhỏ.

Nhưng, có một điểm chung của rất nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở nhiều địa phương là “bỏ quên”, hờ hững, thiếu sự quan tâm hỗ trợ, chăm lo cho các nghệ nhân - những người được coi là hồn cốt, nền tảng làm nên giá trị đích thực của các di sản, loại hình nghệ thuật ấy.

GS.TS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa cho rằng, khi nói đến di sản tức là nói đến các nghệ nhân. Vì những nghệ nhân là những người quan trọng, những người sở hữu những giá trị, cốt lõi của loại hình văn hóa dân gian.

Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, họ có hẳn một chế độ dành cho những nghệ nhân là những báu vật, nhân vật sống. Hay như ở các nước phương Tây, họ không chu cấp tiền hàng tháng cho các nghệ nhân nữa mà họ tạo ra môi trường để các nghệ nhân hoạt động và từ đó nâng cao thu nhập.

Nếu chúng ta không nhanh chóng thực hiện ngay một chính sách trợ cấp xứng đáng cho nghệ nhân, e rằng di sản và các loại hình nghệ thuật có thể còn đấy, nhưng hồn cốt thì đã dần mai một và mất hẳn.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, chế độ đối với các nghệ nhân dân gian, tạo điều kiện cho các nghệ nhân có điều kiện, môi trường phát huy hiệu quả các tri thức, thực hành di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng phương án bảo tồn, gìn giữ, phát triển nền văn hóa dân gian độc đáo. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.