Chặt phăng ngón tay vì bị rắn độc cắn, cụ ông “ngã ngửa” khi bác sĩ nói điều này

Hoảng loạn vì bị rắn độc cắn, người đàn ông 60 tuổi ở Trung Quốc chặt phăng ngón tay để độc tính không lan rộng.

Cụ ông chặt ngón tay ngay sau khi bị rắn độc cắn.
Cụ ông chặt ngón tay ngay sau khi bị rắn độc cắn.

Trong lúc đang làm việc trên núi, ông Zhang (60 tuổi) ở Chiết Giang, Trung Quốc bị rắn kịch độc được mệnh danh “ngũ bộ xà” cắn trúng ngón tay. Lập tức, người đàn ông này lấy rìu chặt ngón tay bị rắn cắn.

Tiếp đến, ông nhanh chóng lấy vải quấn chặt tay và băng đoạn đường 80km đến Hàng Châu, thành thị lớn nhất gần đó, để tìm bác sĩ cứu chữa vết thương. 

Theo Fox News, ông Zhang chia sẻ với bác sĩ: “Tôi đã chặt ngón tay bị rắn cắn để cứu mạng mình”. Và cho rằng ngón tay bị đứt đã nhiễm độc tính nên ông đã vứt lại trong rừng. Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hàng Châu, bác sĩ không có cách nào nối liền ngón tay với bàn tay được nữa.

Yuan Chengda - Trưởng khoa da liễu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hàng Châu cho biết: “Hành động của người đàn ông này là thực sự không cần thiết và họ có thể đã gắn lại ngón tay của ông nếu như người đàn ông này mang nó theo”.

Tuy nhiên, để chắc chắn, bác sĩ đã dùng huyết thanh chống nọc độc và rửa sạch vết thương của cụ ông. Giải thích cho hành vi bộc phát trên, Zhang cho biết hàng xóm của mình đã chết bất đắc kỳ tử hồi tháng 4 vì bị rắn cắn. Do vậy, ông nhanh chóng trở nên hoảng loạn khi mình gặp phải trường hợp tương tự.

Hiện tại, ông đã xuất viện về nhà, vết thương trên tay cũng hồi phục rất tốt.

Bác sĩ cho biết nọc độc của rắn ngũ bộ xà không kinh khủng như người ta đồn đại, do đó nạn nhân cũng không cần phải chặt đứt nơi bị cắn để ngăn độc tính lây lan. Song, hầu hết người bị cắn đều có phản ứng tương tự ông Zhang.

Rắn ngũ bộ xà có tên khoa học là Deinagkistrodon, thuộc họ rắn lục. Nọc độc của loài rắn này có thể khiến vết thương của nạn nhân chảy máu, sưng to và đau nhức, nhưng không thể hại chết người trong vòng 5 bước chân như lời đồn.

Yuan vẫn luôn cảnh báo các bệnh nhân của mình không được tự ý thực hiện những biện pháp liều lĩnh như trên để ngăn chặn độc tính.

Loài rắn này được tìm thấy ở Đông Nam Trung Quốc cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Chúng thích sống ở trong rừng hoặc giữa các tảng đá dưới suối, theo Animal Diversity. 

Trong khi nọc độc của loài rắn này có thể làm tổn thương con người, nó cũng được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp và đau ở gân và xương.

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ