Chất lượng hơn số lượng

GD&TĐ - Cần chú trọng đến chất lượng các cuộc thanh tra hơn là số lượng thông qua việc quy định cụ thể số cuộc thanh tra trong năm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã có những đổi mới nhằm xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa cơ quan thanh tra và cơ quan Kiểm toán Nhà nước và trong nội bộ cơ quan thanh tra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn chưa thực sự hài lòng.

Lý do, như dẫn chứng của một đại biểu Quốc hội, là từng có địa phương trong 9 tháng của năm phải tiếp và làm việc với 29 đoàn thanh tra. Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Một đại biểu khác thì nêu thực tế là tuy không trùng về nội dung, thời điểm thanh tra nhưng vẫn có quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán, kiểm tra về địa phương nên chỉ riêng thời gian chuẩn bị nội dung, tài liệu để phục vụ cho các đoàn cũng đã quá nhiều, ảnh hưởng đến hoạt động, điều hành của địa phương.

Mặt khác, theo quy định về thời hạn thanh tra ở Điều 45, dự thảo Luật, thời gian thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày, trường hợp phức tạp có thể gia hạn một lần nhưng không quá 30 ngày. Trường hợp đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương có thể gia hạn hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Như vậy, thời gian tối đa lên tới 120 ngày, tức 4 tháng.

Ở góc nhìn khác, có đại biểu nêu thực tế là ở những đơn vị sản xuất, kinh doanh khi có đoàn thanh tra đến làm việc, đối tác ký kết hợp đồng rất dè dặt, rất khó khăn. Và rằng cần hết sức chú trọng đến chất lượng thanh tra bởi theo một danh sách năm 2021, có những cuộc thanh tra được thực hiện từ những năm 2015 - 2016, mấy chục đoàn thanh tra nhưng đến nay chưa có kết luận - vị đại biểu này nhấn mạnh.

Thực tế này đặt ra yêu cầu khi sửa đổi Luật Thanh tra phải giải quyết được tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các đoàn thanh tra, phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước; không làm lãng phí thời gian, nguồn lực, không gây phiền hà, bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm toán như một số trường hợp vừa qua.

Và để giải quyết, theo giải trình của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, dự thảo Luật đã quy định mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một kế hoạch thanh tra hàng năm do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra của bộ, ngành, địa phương xây dựng trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Rằng theo luật hiện hành, thanh tra tỉnh và thanh tra sở có kế hoạch thanh tra khác nhau và chưa thống nhất. Do đó, dự thảo Luật đã khắc phục bằng cách quy định Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định thanh tra của tỉnh. Đây là sự khác biệt để tránh chồng chéo - Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước là hàng năm phải đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán để làm căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.

Khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán hàng năm phải có sự phối hợp, trao đổi, thống nhất. Trường hợp có phát sinh chồng chéo theo phản ánh của các địa phương và các bộ, ngành, Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ bàn bạc, thống nhất trên cơ sở các quy định hiện hành.

Những quy định này là cần thiết, tuy nhiên, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả khi thực thi, phải quy định trách nhiệm cụ thể về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt, cần chú trọng đến chất lượng các cuộc thanh tra hơn là số lượng thông qua việc quy định cụ thể số cuộc thanh tra trong năm nhằm tránh tạo áp lực cho bộ, ngành, địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ