Các chuyên gia góp ý “Sửa đổi, bổ sung Luật thanh tra”

GD&TĐ - Trường Đại học Luật TPHCM vừa tổ chức hội thảo khoa học với nội dung “Sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra: những vấn đề lý luận và thực tiễn” thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Luật TPHCM phát biểu tại hội thảo
PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Luật TPHCM phát biểu tại hội thảo

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham dự của đại diện Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện ở các Bộ, Thanh tra Bộ; đại diện Thanh tra các Sở; Đại diện các cơ sở giáo dục đại học.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Luật TPHCM cho biết mục đích của hội thảo là tạo lập một diễn đàn thảo luận về quy định của pháp luật hiện hành và những kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trong thời gian tới.

Qua đó, ghi nhận những đóng góp, góp ý của các chuyên gia luật, thanh ra nhằm hoàn thiện Dự thảo luật Thanh tra sửa đổi.

Tại hội thảo, TS. Trần Văn Long – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đại diện nhóm tác giả khối thanh tra đặt ra các vấn đề về cấu trúc khái quát những chính sách, chủ trương, một số điểm quan trọng để phân biệt giữa “thanh tra hành chính” và “thanh tra chuyên ngành”, cũng như đưa ra những đề xuất thành lập thanh tra cục, tổng cục, cơ chế giám sát phòng thanh tra và nên xử lý việc chồng chéo trùng lắp giữa cơ quan kiểm toán và cơ quan thanh tra thông qua tham luận “Những chính sách lớn trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)”.

TS Phạm Thị Huệ - Trưởng phòng Tổng hợp – Tổ chức, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ cũng thể hiện sự đồng tình với một số ý kiến của TS. Trần Văn Long về việc phân biệt tường minh hai khái niệm: “Thanh tra chuyên ngành” và “Kiểm tra chuyên ngành”.

TS Phạm Thị Huệ cho rằng các hoạt động thanh tra cần phải nâng cao sự chuyên nghiệp hơn bởi lẽ quyền lợi của đối tượng thanh tra chịu tác động ngày càng lớn cũng như trình tự thủ tục cũng dần chặt chẽ hơn.

TS. Trần Văn Long – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ trao đổi, chia sẻ tại hội thảo
TS. Trần Văn Long – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ trao đổi, chia sẻ tại hội thảo

Bên cạnh đó, theo TS Huệ dự thảo Luật Thanh tra cần xem xét việc bỏ hoạt động thanh tra thường xuyên vì mang tính chất kiểm tra nhiều hơn và nghiên cứu cân nhắc thấu đáo hơn về việc xác định rõ hoạt động thanh tra như trong mô hình doanh nghiệp hiện nay là kiểm tra nội bộ hay kiểm soát nội bộ.

Góp ý về những bất cập cần phải sửa đổi trong dự thảo Luật Thanh tra trong thời gian tới, bà Châu Trần Quỳnh Trang – Thanh tra viên, Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 3, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng cho rằng những bất cập chính trong luật Thanh tra hiện nay là chưa quy định rõ về thủ tục thực hiện trong thực hiện nhiệm vụ dẫn đến không thống nhất về các hoạt động; thiếu thống nhất trong quy định về thời gian làm việc, bên cạnh đó còn nhiều thuật ngữ chưa được hướng dẫn chi tiết, gây nhiều băn khoăn.

Vì vậy, bà Quỳnh Trang đề xuất nên tăng cường quyền hạn của Trưởng Đoàn thanh tra nhằm hoạt động hiệu quả và thể hiện rõ tính độc lập hơn.

Hội thảo khoa học với nội dung “Sửa đổi, bổ sung luật thanh tra: những vấn đề lý luận và thực tiễn” được thiết kế chia thành 2 phiên, với 6/31 bài tham luận được trình bày bởi các nhà khoa học trong và ngoài trường chuyên nghiên cứu về pháp luật thanh tra và những người làm công tác thực tiễn từ các cơ quan…. đã mang đến nhiều góc nhìn mới mẻ và những đóng góp thiết thực trong việc hoàn thiện Dự thảo Luật Thanh tra sắp ban hành.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của lực lượng Thanh tra và giới nghiên cứu luật
Hội thảo thu hút sự quan tâm của lực lượng Thanh tra và giới nghiên cứu luật 

Tại hội thảo, các vấn đề được các chuyên gia, nhà làm luật tập trung làm rõ gồm nhiều vấn đề sát sườn cuộc sống như: Đánh giá sự cần thiết, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thanh tra; Làm rõ những điểm bất cập, hạn chế trong quy định của Luật Thanh tra; Nghiên cứu về những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thực hiện các quy định của Luật Thanh tra; Đưa ra các giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra….

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.