Sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay Đề án cơ bản hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.
Cơ sở vật chất được đầu tư
Trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến Đề án tới cấp uỷ, chính quyền địa phương, già làng trưởng bản, phụ huynh học sinh DTRIN. Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận ủng hộ của các cấp, các ngành trong triển khai Đề án.
Các trường có học sinh DTRIN còn tổ chức phổ biến các nội dung Đề án đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, chính quyền địa phương và cộng đồng (thông qua họp với chính quyền xã, thôn, phụ huynh học sinh đầu năm học, qua giáo viên trong việc vận động học sinh ra lớp, qua các đợt điều tra phổ cập và ngày toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9 hàng năm…).
Đặc biệt đề Đề án đã tập trung tăng cường về cơ sở vật chất trong các nhà trường. Tính đến hết tháng 10/2015, các địa phương đã xây dựng được 96 phòng học, 86 phòng công vụ giáo viên và đầu tư đồ dùng thiết bị dạy học cho các điểm trường tiểu học có học sinh DTRIN từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo.
So với mục tiêu đặt ra, số phòng học được xây đạt 89,72%, số phòng công vụ giáo viên đạt 77,48%. Các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An hoàn thành 100% việc xây dựng phòng học, các tỉnh Lai Châu, Kon Tum hoàn thành 100% việc xây dựng nhà công vụ.
Cùng với sự đầu tư của các chương trình, dự án khác, đến nay cơ bản đã đảm bảo đủ số phòng học, nhà công vụ, trang thiết bị, đồ dùng dạy học tại các điểm trường tiểu học ở các thôn bản có học sinh các dân tộc rất ít người.
Năng lực cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên được củng cố
Bộ GD&ĐT đã tổ chức biên soạn một số tài liệu đặc thù hỗ trợ giáo viên, học sinh các DTRIN và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên giúp giáo viên triển khai tốt nội dung chương trình dạy học, cụ thể: Biên soạn các tài liệu giáo dục bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người trong hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cấp tiểu học, THCS, THPT; Phương pháp dạy học phù hợp đối tượng học sinh DTRIN cấp tiểu học và THCS; Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTRIN cấp tiểu học; Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh DTRIN cấp tiểu học và THCS;
Song song với đó, Đề án còn tiến hành kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh phù hợp với đối tượng học sinh DTRIN cấp tiểu học và THCS; Tổ chức tập huấn cho hơn 700 lượt giáo viên và cán bộ quản lí của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục có học sinh DTRIN về: Phương pháp dạy học tích cực có ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên dạy học sinh DTRIN cấp tiểu học; Tâm lí học sinh, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa các DTRIN; Nâng cao năng lực giáo dục kĩ năng sống cho cán bộ quản lí và giáo viên dạy học sinh DTRIN; Nâng cao năng lực cho giáo viên nhằm tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTRIN cấp tiểu học; Các Sở GD&ĐT đã triển khai tập huấn có hiệu quả các nội dung đã được tập huấn ở Trung ương cho tất cả cán bộ quản lí và giáo viên dạy học sinh DTRIN tại địa phương...
Sau khi được tham gia tập huấn và tham khảo các tài liệu đặc thù về DTRIN, năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí ở các cơ sở giáo dục có học sinh DTRIN đã được nâng lên. Đặc biệt đội ngũ giáo viên đã hiểu rõ hơn về tâm lí học sinh, bản sắc văn hóa của các DTRIN, từ đó có phương pháp dạy học phù hợp đối tượng học sinh, nâng cao chất lượng học tập của học sinh DTRIN.
Hoạt động này đã đạt mục tiêu 100% giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục các cơ sở giáo dục có học sinh DTRIN được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Thực hiện tốt chính sách ưu tiên
Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh, bổ sung các quy chế tuyển sinh THCS, THPT, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp liên quan đến việc thực hiện ưu tiên tuyển sinh đối với đối tượng học sinh DTRIN. Các địa phương đã triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về học tập đối với trẻ em, HS, SV các DTRIN theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTB&XH ngày 19/1/2012 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau 5 năm triển khai đề án, tất cả trẻ em, HS, SV các DTRIN thuộc đối tượng quy định tại Thông tư trên được hưởng chính sách hỗ trợ về học tập.
Trong 5 năm triển khai thực hiện đề án đã có 13.655 lượt trẻ em, HS, SV DTRIN được hưởng chính sách hỗ trợ. (Trong đó: Hà Giang: 1951 lượt em, Lai Châu: 8.085 lượt em, Kon Tum: 489 lượt em, Lào Cai: 1.064 lượt em, Điện Biên: 1.239 lượt em, Nghệ An: 827 lượt em). Tổng kinh phí hỗ trợ trên 110 tỷ đồng.