Chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non: Làm nhà phải chắc móng

GD&TĐ - Mầm non (GDMN) là cấp học đặt nền móng cho việc giáo dục lâu dài nhằm hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Chính vì thế, việc ưu tiên phát triển chất lượng đội ngũ được coi là yếu tố then chốt cho sự phát triển vững chắc của hệ thống. Giáo viên (GV) giỏi, điều kiện dạy - học bảo đảm, được coi là “xây nhà chắc móng” để bậc học này đạt được chất lượng, hiệu quả mong muốn.

Chất lượng nuôi dạy phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ và cơ sở hạ tầng. Ảnh: TG
Chất lượng nuôi dạy phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ và cơ sở hạ tầng. Ảnh: TG

Cần đủ và chuẩn hóa giáo viên

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GDMN: Năm học 2019 - 2020, toàn quốc có 364.776 GVMN (tăng 2.604), bình quân toàn quốc đạt 1,82 GV/lớp (tăng 0,02 GV/lớp), tỷ lệ GVMN đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên theo Luật Giáo dục 2019 đạt 73,7%. Trong đó, tỷ lệ GV đạt trình độ đào tạo đại học sư phạm trở lên đạt 50,7%, tỉ lệ GV đạt trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm là 23,5%, còn 26,3% GV có trình độ trung cấp. Đặc biệt, tỷ lệ GVMN được cấp trên đánh giá chuẩn nghề nghiệp đạt 86,8%. Nhìn vào những con số biết nói trên cho thấy những nỗ lực vô cùng to lớn của toàn ngành. Đặc biệt là các địa phương trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, nhằm đáp ứng yêu cầu nuôi dạy chất - lượng của bậc học.

Tuy nhiên, trên cả nước cũng còn thiếu 45.242 GVMN công lập. Cụ thể, số GV còn thiếu ở các cơ sở GDMN công lập là 45.242 GV. Đây là số lượng còn thiếu năm học 2019 - 2020 sau khi đã được bổ sung 20.300 biên chế. Số GV hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục MN công lập tính đến tháng 3/2020 là 48.392 người. Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, những tỉnh có nhiều GV hợp đồng lao động như Tuyên Quang (2.411), Thái Nguyên (1.533), Bắc Giang (1.108), Phú Thọ (2.368), Vĩnh Phúc (3.489), Bắc Ninh (1.259), Thái Bình (4.595), Nam Định (6.305), Thanh Hóa (4.260), Hà Nội (1.683), Nghệ An (2.466), Đắk Lắk (1.178), Đồng Nai (1.212), TPHCM (1.745), Cần Thơ (1.482). Điều này gây khó khăn trong quá trình quản lý, không ổn định đội ngũ, khó khăn trong thực hiện chính sách đối với GV.

PGS Nguyễn Bá Minh cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu GV trong năm học vừa qua. Các địa phương đã tích cực thực hiện xét tuyển số GV đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Như Hà Nội phê duyệt 5.021 chỉ tiêu hình thức thi tuyển và xét đặc cách; 98 GVMN ở Hậu Giang có hợp đồng lao động và đóng BHXH từ 2015 trở về trước được xét đặc cách. Các địa phương cũng tăng cường thực hiện tuyển mới GV theo quy định và số GV được tuyển trong năm học là 17.605 người. 

Khó khăn kéo dài tình trạng hợp đồng  

Trường MN Nam Hải của huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định có 24 cán bộ, GV, nhân viên nuôi dạy cho 287 HS của 9 nhóm lớp. Cô Nguyễn Thị Hạ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Theo định biên chung 2 GV/1 nhóm lớn. Nhưng đến học kỳ 2 trường sẽ bổ sung thêm 1 nhóm lớp nữa, sẽ thiếu 2 GV và 1 phó hiệu trưởng, nhân viên y tế và nhân viên kế toán còn đang phải kiêm nhiệm. Giải pháp cho việc thiếu GV, trường phải ký hợp đồng trường cho 3 nhân viên nuôi dưỡng. Tới đây sẽ phải xin phòng thêm 2 GV khi mở nhóm lớp mới. Cô Hạ cho biết, thiếu và không được chủ động GV, điều này gây không ít khó khăn cho trường do không chủ động được con người, bất kể lúc nào những nhân viên này cũng có thể nghỉ việc do mức lương thấp, chỉ khoảng 3,5 triệu mỗi người/tháng.  

Thực tế này cũng được PGS.TS Nguyễn Bá Minh thừa nhận. Ông cho biết: Do tình trạng thiếu GV ở nhiều địa phương, một số tỉnh đã không thể bố trí cho trẻ học đủ 2 buổi/ngày theo Chương trình GDMN. Tình trạng thiếu GV tại nhiều địa phương chậm được khắc phục, hệ lụy là nhiều trường MN không tuyển sinh trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi đến trường, phòng học không sử dụng, trong khi trẻ phải đến học tại các nhóm, lớp độc lập tư thục thiếu cơ sở vật chất hoặc được chăm sóc tại gia đình. Việc thiếu GV ở nhiều địa phương cũng tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ. Tỷ lệ GV/lớp ở một số địa phương rất thấp. Nhiều nơi GV làm việc ngoài giờ kéo dài nhưng không được trả chế độ thừa giờ; thu nhập của GVMN, thời gian làm việc ở trường quá dài, áp lực công việc lớn (9 – 10 giờ/ngày), ảnh hưởng đến cuộc sống. 

Phát triển GDMN, việc bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất nuôi dạy, đội ngũ GV không chỉ đáp ứng đủ yêu cầu về lượng mà còn về chất là những đòi hỏi chính đáng và cấp thiết lúc này. Nhất là cả nước đã bước vào Chương trình GD phổ thông mới, năm 2020 – 2021 đã triển khai thay sách ở lớp 1. Nỗ lực nhiều, nhưng khả năng đáp ứng không được như mong mốn là những rào cản ngăn sự phát triển chung. Nói như Nhà giáo Nhân dân Lưu Xuân Giới – Hội thẩm nhân dân Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT Đông Triều: “Không giải quyết ổn thỏa việc thiếu GV cũng như các chế độ đãi ngộ cần thiết, thì cũng chẳng khác nào xây nhà mà chúng ta không làm móng tốt”. 

“Một trong những phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra ở năm học 2020 - 2021 là phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và GV. Đẩy mạnh  tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 102 ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, tổ chức rà soát định mức GV/lớp; có giải pháp bảo đảm đủ số lượng GV theo quy định; thực hiện tuyển dụng viên chức đối với GVMN, không để kéo dài tình trạng hợp đồng nhiều năm và thiếu GV khi vẫn còn nhiều chỉ tiêu tuyển dụng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với GVMN theo quy định hiện hành”. - PGS.TS Nguyễn Bá Minh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.