Tuy nghiên, theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, không có một phương thức thi nào là hoàn toàn hoàn hảo, điều quan trọng làm nên một kỳ thi thành công là chất lượng đề thi và cách thức tổ chức thi.
Thưa PGS.TS, với Dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017, các trường ĐH sẽ chuyển từ vai trò chủ trì cụm thi sang hỗ trợ Sở GD&ĐT các địa phương để phối hợp, giám sát công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi. Ông có nhận xét gì về sự điều chỉnh này?
- Đánh giá một cách khách quan, việc giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì cụm thi THPT sẽ giảm bớt gánh nặng cho các trường ĐH, CĐ, phát huy tính chủ động và tính chịu trách nhiệm của các địa phương. Việc bố trí giám sát từ các trường ĐH sẽ tăng cường tính khách quan và nghiêm túc của kỳ thi.
Thế nhưng, nếu theo cách tổ chức thi THPT như cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trước khi tổ chức thi “2 chung” sẽ không thể tránh khỏi tình trạng “địa phương chủ nghĩa”.
Vì vậy, các Sở GD&ĐT cần thực hiện nghiêm túc quy chế thi thì mới đảm bảo tính công bằng giữa các điểm thi và các cụm thi với nhau. Nếu không, có thể một số trường ĐH, CĐ sẽ không sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển.
Việc chọn tổ hợp môn thành bài thi Khoa học Xã hội và Khoa học Tự nhiên là khá mới với mục đích là chống học tủ, học lệch cho thí sinh. Tuy nhiên, nếu phương án tuyển sinh của các trường ĐH chỉ lấy điểm 1 – 2 môn để xét tuyển thay vì lấy điểm tổ hợp thì thí sinh sẽ có tính toán trong đầu tư thời gian học bài, làm bài. Ý kiến của PGS.TS về vấn đề này?
- Việc ra đề thi theo hướng tổ hợp thì các nước trên thế giới đã sử dụng nhiều. Đúng là mục đích xây dựng tổ hợp môn của Bộ GD&ĐT là để cho HS có ý thức học toàn diện, chống học tủ, học lệch.
Để tổ chức được cách thức thi theo đề thi tổ hợp thành công thì cần có sự chuẩn bị đồng bộ từ chương trình giảng dạy phổ thông, phương pháp và đội ngũ GV phù hợp.
Có thể lộ trình đổi mới thi của Bộ GD&ĐT sẽ hướng tới đề tích hợp, nhưng trong năm 2017, đề thi mới chỉ dừng ở mức độ ghép cơ học 3 môn thi, tức là chỉ là đề thi tổ hợp chứ chưa phải là tích hợp, thì thực tế vẫn khó tránh khỏi sự học lệch.
Một khi HS đã tính toán về mặt chiến lược, học môn gì để đạt mục tiêu đỗ ĐH thì việc học lệch là không thể tránh khỏi. HS có thể chỉ đầu tư tập trung cho một phần đề thi để sử dụng làm kết quả xét tuyển, các phần khác chỉ là đối phó.
Tuy vậy, việc này cũng khó thực hiện hơn khi các em học sinh muốn làm bài thi từng môn riêng biệt vì sẽ phải lọc ra trong 60 câu hỏi để chọn những câu hỏi đó thuộc môn nào trong điều kiện tiết kiệm thời gian là một trong những yếu tố quan trọng trong kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm. Hơn nữa, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh là điểm xét tốt nghiệp sẽ tính tổng điểm của bài thi tổ hợp.
Bên cạnh việc xây dựng chương trình, đội ngũ giáo viên cũng cần xây dựng ngân hàng đề thi chuyển dần theo hướng tích hợp, tổ chức thí điểm trong phạm vi hẹp rồi mới nhân rộng áp dụng với quy mô lớn.
Cùng với việc giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì, hình thức thi trắc nghiệm cũng được xem là điểm mới ở Dự thảo phương án thi năm 2017. Chuyển từ thi tự luận sang trắc nghiệm ở một số môn như Toán, Sử, Địa… có phù hợp không, thưa ông?
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều kỳ thi tích hợp bằng phương pháp trắc nghiệm. Thực ra, đối với một kỳ thi, vấn đề quan trọng nhất vẫn là chất lượng câu hỏi của đề thi; thi tự luận hay trắc nghiệm, suy cho cùng, cũng chỉ là phương pháp đánh giá.
Vấn đề là làm sao để hệ thống câu hỏi vừa đảm bảo được tính logic, có sự xâu chuỗi nhưng vẫn có tính gây nhiễu vừa bao phủ được toàn bộ kiến thức, năng lực cần kiểm tra, đánh giá và đánh giá đúng. Nếu làm được điều này thì kết quả thi sẽ phản ánh sát với chất lượng thực tế.
Với khoảng 20 câu hỏi cho mỗi môn trong tổ hợp, liệu có đảm bảo yêu cầu phân hóa thí sinh cho mục đích xét tuyển ĐH, CĐ không, thưa ông?
- Nếu xét tuyển dựa trên các môn trong tổ hợp thì đúng là số lượng 20 câu hỏi cho mỗi môn trong tổ hợp dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ là hơi ít.
Tuy nhiên, nếu đề thi được thiết kế tốt, có độ bao phủ và phân biệt lớn sẽ giúp cho các cơ sở giáo dục đại học có thể chọn SV phù hợp cho trường mình. Các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả cả bài thi KHTN hoặc KHXH cũng như các phương án tuyển sinh riêng khác để xét tuyển.
Xin cảm ơn PGS.TS!