Những tín hiệu vui
Mới đây, bộ truyện tranh học đường “Số nhọ” (tên gốc Bad Luck) của tác giả trẻ Nguyễn Huỳnh Bảo Châu với nick name “Châu Chặt Chém”, hiện đang là sinh viên năm thứ 3 ngành Thiết kế Nội thất của Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, được Hãng sản xuất phim VG Entertainment kết hợp Comicola và Yeah1CMG mua bản quyền để sản xuất series phim nhiều tập theo dạng sitcom và một phim điện ảnh chiếu rạp. Có thể nói đây là tín hiệu vui, mang lại may mắn và sự hào hứng phấn khích cho cộng đồng truyện tranh Việt Nam.
Tuy nhiên, đây không phải là bộ truyện tranh Việt Nam đầu tiên được chuyển thể thành phim. Cách đây hai năm, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và Công ty VAA đã thương thảo với Công ty Phan Thị, chủ sở hữu bản quyền của bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” nổi tiếng để chuyển thể bộ truyện tranh ăn khách này thành một series phim điện ảnh dành cho thiếu nhi với nhiều phần khác nhau.
Đến thời điểm hiện tại, “Thần đồng đất Việt” đang trong giai đoạn hoàn tất kịch bản; dự kiến sẽ bấm máy vào mùa hè năm nay, đến Tết 2019 sẽ phát hành tập đầu tiên, sau đó cứ mỗi dịp hè và Tết sẽ ra rạp các tập tiếp theo.
Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng đây mới chỉ là một bước thử nghiệm khá mới mẻ. Bởi hiện nay ở Việt Nam, truyện tranh chuyển thể thành phim chưa được đánh giá cao, một vài dự án cũng chỉ là bước thăm dò thị trường. Truyện tranh Việt chưa đến được với số đông công chúng, các đạo diễn không có nhiều tác phẩm chất lượng cao để lựa chọn.
Cần sự thay đổi mới để tạo nên dấu ấn
Phim được chuyển thể từ truyện tranh ở các nước có nền điện ảnh phát triển như Hollywood, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… đã được thực hiện khá thành công. Người nhện hay Người rơi đều là những nhân vật truyện tranh được các nhà làm phim chuyển thể từ những bộ truyện tranh ăn khách, mang lại doanh thu khá cao khi sở hữu một lượng khán giả đông đảo. Hay ở Nhật Bản cũng là nơi sản xuất nhiều bộ phim ăn khách từ truyện tranh như phim “Bá vương học đường”, được chuyển thể từ bộ truyện tranh “Crows” của họa sĩ Hiroshi Takahashi…
Thực tế, truyện tranh có bối cảnh rất gần với kịch bản phim. Tuy nhiên, truyện tranh Việt chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh vẫn là vấn đề nan giải, khiến cho các đơn vị sản xuất phải e ngại khi sử dụng chất liệu này.
Anh Nguyễn Khánh Dương, Thành viên đồng sáng lập cộng đồng truyện tranh Comicola cho biết, trên thế giới, chuyển thể truyện tranh sang phim là một trào lưu phát triển mạnh. Nếu chúng ta so sánh những bộ phim ăn khách nhất của Mỹ hay Nhật Bản, đa phần là các bộ phim chuyển thể từ truyện tranh. Thế nhưng ở Việt Nam, các tác giả làm truyện tranh chưa có sự đầu tư lâu dài, chưa sẵn sàng làm một tác phẩm truyện tranh để trở thành một hiện tượng văn hóa. Trong khi đó, ở Mỹ hay Nhật Bản, các tác phẩm được lựa chọn chuyển thể đều là hiện tượng văn hóa, họ có một cộng đồng đọc vô cùng lớn.
Theo đạo diễn Đào Thanh Hưng, các nhà sản xuất thường quan tâm đến lợi nhuận; họ chỉ nhìn vào sự phát triển của truyện tranh xem truyện tranh nào hấp dẫn sẽ đặt vào dự án phim, nhưng thực tế, họ ít khi tìm thấy sự hấp dẫn từ truyện tranh Việt. Bên cạnh đó, khi nhắc đến truyện tranh, họ nghĩ ngay đến viết cho thiếu nhi. Hiếm có truyện tranh Việt Nam dành cho người lớn như nước ngoài, vì thế, đề tài thiếu nhi luôn là đề tài “khó” với nhà sản xuất phim.
Để biến truyện tranh thành phim, đạo diễn Đào Thanh Hưng cho rằng, truyện cần có chất liệu, cấu trúc điện ảnh. Truyện tranh Việt cần sự thay đổi mới mẻ hơn về cách nhìn, không gian, điều quan trọng nội dung phải có câu chuyện hấp dẫn, xây dựng được tuyến nhân vật tạo ra dấu ấn.