Trong lúc đang đốn củi trong khu rừng gần thôn ở thị xã Thượng Ngu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), ông Zhang vô ý bị một con rắn độc cắn trúng ngón tay.
Người nông dân 60 tuổi sợ toát mồ hôi lạnh khi nhận ra đây là loài rắn kịch độc được mệnh danh 'ngũ bộ xà', bất cứ ai bị chúng cắn đều mất mạng trước khi đi được 5 bước chân.
Càng nghĩ càng hoảng hốt, ông vội vàng cầm rìu chặt bỏ ngón tay còn in dấu răng của con vật đáng sợ.
Tiếp đến, ông nhanh chóng lấy vải quấn chặt tay và băng đoạn đường 80 km đến Hàng Châu, thành thị lớn nhất gần đó, để tìm bác sĩ cứu chữa vết thương.
Tuy nhiên, vì cho rằng ngón tay bị đứt đã nhiễm độc tính nên ông đã vứt lại trong rừng. Chuyện đến nước này, các bác sĩ tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Hàng Châu cũng đành lắc đầu chịu thua vì không có cách nào nối liền ngón tay với bàn tay được nữa.
Bác sĩ cho biết, nọc độc của rắn ngũ bộ xà không kinh khủng như người ta đồn đại, do đó nạn nhân cũng không cần phải chặt đứt nơi bị cắn để ngăn độc tính lây lan. Song, hầu hết người bị cắn đều có phản ứng tương tự ông Zhang.
Theo lời bác sĩ Ren Jinping, dù bị rắn cắn nhưng người đàn ông 60 tuổi nhập viện trong trạng thái hết sức bình thường, không đau đầu, khó thở hay chảy máu nướu.
Tuy nhiên, để chắc chắn, bác sĩ đã dùng huyết thanh chống nọc độc và rửa sạch vết thương của cụ ông. Giải thích cho hành vi bộc phát trên, Zhang cho biết hàng xóm của mình đã chết bất đắc kỳ tử hồi tháng 4 vì bị rắn cắn. Do vậy, ông nhanh chóng trở nên hoảng loạn khi mình gặp phải trường hợp tương tự.
Hiện tại, ông đã xuất viện về nhà, vết thương trên tay cũng hồi phục rất tốt.
Rắn ngũ bộ xà.
Yuan Chengda, một bác sĩ khác tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Hàng Châu, bày tỏ sự tiếc nuối khi ngón tay của ông Zhang không thể gắn lại với cơ thể được nữa.
'Không nhất thiết phải chặt bỏ ngón tay vì bị rắn ngũ bộ xà cắn phải. Nọc độc của chúng không mạnh đến mức chết người ngay tức khắc', ông nói.
Rắn ngũ bộ xà có tên khoa học là Deinagkistrodon, thuộc họ rắn lục. Nọc độc của loài rắn này có thể khiến vết thương của nạn nhân chảy máu, sưng to và đau nhức, nhưng không thể hại chết người trong vòng 5 bước chân như lời đồn.Yuan vẫn luôn cảnh báo các bệnh nhân của mình không được tự ý thực hiện những biện pháp liều lĩnh như trên để ngăn chặn độc tính.
Nhiều nạn nhân bị rắn cắn đã vì hoảng sợ mà xử lý vết thương sai cách.
Chỉ tính riêng năm nay, Bệnh viện Y học Cổ truyền Hàng Châu đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị rắn cắn hơn bất kỳ cơ sở y tế nào khác trong thành phố, với số lượng lên đến 1.200 trường hợp. Trước khi được chuyển đến bệnh viện, khoảng 30% bệnh nhân đã xử lý vết thương sai cách.
'Có người dùng dao chặt đứt ngón tay hoặc ngón chân, lại có người lấy dây thừng, dây thép siết chặt phía trên vết thương, thậm chí còn tự đốt bỏng phần da thịt bị cắn để loại bỏ độc tính',Yuan nói. 'Khi đến bệnh viện thì vết thương của một số bệnh nhân đã có dấu hiệu hoại tử'.