Chặt chẽ, minh bạch từ khâu kiểm nghiệm

GD&TĐ - Báo GD&TĐ (số 112) đã đăng tải bài viết “Muối “rởm” lộng hành” nêu vấn đề không chỉ ở riêng tỉnh Điện Biên mà các tỉnh Hải Dương, Nam Định đều ghi nhận một số sản phẩm thực phẩm muối i-ốt và bột canh không đạt các yêu cầu quy chuẩn được bày bán trên thị trường. 

Cục Quản lý thị trường Điện Biên đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra các mẫu số muối, bột canh nghi “rởm” lưu thông trên thị trường. Ảnh: T.G
Cục Quản lý thị trường Điện Biên đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra các mẫu số muối, bột canh nghi “rởm” lưu thông trên thị trường. Ảnh: T.G

Vậy cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm về sự gian dối này? Từ đó đặt ra vấn đề các lô hàng khi đưa ra thị trường cần phải minh bạch, rõ ràng và tuân thủ theo quy trình kiểm nghiệm nghiêm ngặt hơn.

Đạo đức kinh doanh ở đâu?

Ngay sau khi có kết quả giám sát chất lượng, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm và Thủy sản (QLCL.NL&TS) tỉnh Điện Biên “tá hỏa” gửi công văn đến các ngành chức năng, chính quyền một số huyện thị trong tỉnh trong việc cung cấp thông tin, phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm muối và bột canh trên địa bàn. Ngoài ra, Chi cục QLCL.NL&TS tỉnh Điện Biên cũng chuyển nội dung trên đến các tỉnh thành trong cả nước với đề nghị phối hợp.

Chi cục QLCL.NL&TS hai tỉnh Hải Dương và Nam Định đã có phản hồi cho biết, có hiện tượng “gian lận” được phát hiện. Ở Hải Dương, quá trình kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất Đức Hải có sản phẩm Bột canh Hà Nội mới thừa nhận “do sai sót trong quá trình nhận diện nguyên liệu, công nhân đã sử dụng muối tinh sấy thường thay vì muối tinh sấy i-ốt nên trong sản phẩm Bột canh Hà Nội mới không có i-ốt”. Với những sai phạm này, ngoài việc xử phạt hành chính, cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương đã đình chỉ hoạt động của cơ sở trong vòng 2 tháng, đồng thời buộc thu hồi và tái chế đối với sản phẩm này.

Ở Nam Định, qua thẩm định chất lượng sản phẩm muối và bột canh trên địa bàn, cơ quan chức năng phát hiện trong mẫu Muối tinh i-ốt (lô sản xuất ngày 15/1/2019, số lượng 1,5 tấn) của Công ty TNHH Vạn Ninh không đạt hàm lượng i-ốt quy ra KiO3 theo quy chuẩn. Cơ sở này đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, đồng thời buộc tái chế sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố.

Riêng những sản phẩm đã xuất bán tại thị trường Điện Biên, cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định đã yêu cầu các cơ sở sản xuất xác minh rõ lô sản xuất, số lượng xuất bán để thẩm định chất lượng và thu hồi các sản phẩm không bảo đảm. Vấn đề mà dư luận đang hết sức bất bình hiện nay đó là: Nếu như cơ quan chức năng không kiểm tra, phát hiện thì những lô muối “rởm” kia sẽ đi đến những đâu? Quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng sẽ bị “xâm hại” đến bao giờ?

Bột canh Hải Châu (của Công ty bánh kẹo Hải Châu) bị Chi cục quản lý Nông, Lâm và Thủy sản Điện Biên phát hiện không có hàm lượng i-ốt. Ảnh: T.G
  • Bột canh Hải Châu (của Công ty bánh kẹo Hải Châu) bị Chi cục quản lý Nông, Lâm và Thủy sản Điện Biên phát hiện không có hàm lượng i-ốt. Ảnh: T.G

Cần quá trình kiểm nghiệm chặt chẽ

Trao đổi về việc kiểm nghiệm hàm lượng i-ốt trong một sản phẩm muối hoặc bột canh, bà Lê Thị Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thực phẩm quốc gia cho biết: Để biết một sản phẩm muối, bột canh i-ốt bảo đảm chất lượng hay không, cần phải tiến hành kiểm nghiệm và thực hiện trên kỹ thuật cao thì mới có thể đánh giá được. Với kỹ thuật thông thường chỉ kiểm nghiệm và làm được với i-ốt dạng tự do.

“Kiểm nghiệm i-ốt trong muối ăn hay bột canh gia vị mà trong đó i-ốt còn tồn tại ở dạng bổ sung ban đầu (muối KIO3) bằng phương pháp chuẩn độ rất đơn giản, theo TCVN 6487:1999 với bột canh gia vị, hay TCVN 6341:1998 với muối i-ốt, có thể áp dụng rộng rãi ở các phòng thí nghiệm. Hiện nay, không chỉ có muối i-ốt mà rất nhiều các gia vị mặn khác cũng được bổ sung i-ốt. Các sản phẩm này có các thành phần khác nhau và điều kiện bảo quản khác nhau. Trong quá trình sản xuất, bảo quản, i-ốt có thể chuyển hóa thành các dạng khác như KI hoặc I2... Trong trường hợp đó, việc đánh giá hàm lượng i-ốt trong sản phẩm phải đánh giá qua hàm lượng i-ốt tổng số. Khi đó yêu cầu phải có các trang thiết bị hiện đại và kỹ thuật phức tạp hơn như phương pháp phổ khối lượng plasma cảm ứng cao tần (ICP-MS) theo TCVN 9517:2012”, bà Lê Thị Hảo khẳng định.

Bà Lê Thị Hảo cũng chia sẻ, Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia trong quá trình xây dựng và chuẩn hóa phương pháp xác định hàm lượng i-ốt bằng ICP-MS phù hợp theo ISO/IEC 17025 cũng có lấy một số mẫu bột canh trên thị trường để đánh giá. Kết quả cho thấy, hàm lượng i-ốt ở các mẫu khác nhau rất khác nhau phụ thuộc vào thời hạn sử dụng, điều kiện kinh doanh và các loại bao bì sản phẩm. Hàm lượng của i-ốt trong mỗi sản phẩm được dựa vào công bố của nhà sản xuất trên nhãn mác theo thời hạn cho phép và điều kiện bảo bảo quản. Đối với sản phẩm bột canh i-ốt quá trình bảo quản cũng rất quan trọng. Nếu khi dùng, mở bao bì lâu thì hàm lượng i-ốt cũng bị hao hụt vì khuếch tán nhanh.. Theo kinh nghiệm, khi kiểm nghiệm nếu những mẫu mới sản xuất thì hàm lượng i-ốt trong muối cao hơn với hàm lượng của những sản phẩm còn thời hạn ngắn.

Gần đây, có những thông tin về hàm lượng i-ốt trong bột canh Hải Châu khiến dư luận hoang mang, vì vậy cơ chức năng quản lý về sản phẩm này cần sớm có trả lời thỏa đáng với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm bảo đảm các thông số đã ghi trên bao bì sản phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ