Chắp cánh ước mơ cho trò nghèo vượt khó

GD&TĐ - Trong 18 học sinh được học bổng, em nào cũng có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng tất cả đều vươn lên, học giỏi và đoạt giải HSG các cấp.

“Năm nay cháu thật vinh dự và hạnh phúc được cùng với các bạn nhận học bổng. Món quà ý nghĩa này sẽ giúp mẹ cháu bớt khó khăn trong việc điều trị bệnh hiểm nghèo và giúp cháu mua sắm sách vở phục vụ cho kì thi học sinh giỏi tỉnh vào tháng 12”, em Lô Thị Mỹ Chi, học sinh lớp 9D trường PTCS Nghĩa Lộc (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An), là một trong 18 học sinh được trao học bổng, vừa đạt Giải 3 môn GDCD cấp huyện, xúc động phát biểu như vậy trong lễ trao tặng học bổng dịp 20/11 vừa qua.

Đã nhiều năm qua, cứ vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Chi Hội Nhà Văn Công An (Bộ Công An) kết hợp với Công ty Cổ Phần TARA về với miền quê Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn xứ Nghệ, để trao sách cho Thư viện Xanh của hai trường PTCS và Tiểu học Nghĩa Lộc 1 và các suất học bổng cho học trò nghèo vượt khó học giỏi.

Nghĩa Lộc là vùng quê có nhiều đồng bào dân tộc và đồng bào theo đạo, là 1 trong những xã còn chưa giàu của xứ Nghệ, nhưng tinh thần hiếu học của học trò, sự quan tâm của chính quyền địa phương và tình yêu thương “Tất cả vì học sinh thân yêu” của các thầy cô giáo đã làm cho ngôi trường nơi đây rộn rã niềm vui.

Vẫn như mọi năm, thầy và trò Trường Tiểu học Nghĩa Lộc 1 và THCS Nghĩa Lộc (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đón đoàn công tác từ Hà Nội và TP HCM về tham dự Tọa đàm, giao lưu, hoạt động trải nghiệm kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam trong tiếng trống ếch rộn ràng và những nụ cười hồ hởi, những ánh mắt ngập tràn niềm vui.

Thầy Cao Tiến Khải, Hiệu trưởng PTCS Nghĩa Lộc trong phát biểu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, đã tự hào: “Người thầy trong xã hội Việt Nam chúng ta, từ bao đời nay là biểu tượng cao quý, biểu tượng cho trí tuệ, tài năng của xã hội. Đội ngũ các thầy cô có vai trò quyết định trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, từ các mái trường, các thế hệ học trò đã và đang được các thầy cô đốt lửa thắp sáng những lý tưởng, ước mơ cao đẹp và đạo làm người. Đạo làm trò các em cần biết ơn hơn ai hết về sự cống hiến thầm lặng, sự lao động miệt mài, và trách nhiệm: “Tất cả vì học sinh thân yêu!” của người Thầy”.

hs-3.jpg
hs-4.jpg
hs-1.jpg
Các em HS vượt khó học giỏi của 2 trường ( Tiểu học và THCS Nghĩa Lộc) được doanh nhân Lê Hồng Xuân và Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái trao học bổng.

Tham gia buổi lễ ý nghĩa với thầy và trò 2 trường Tiểu học và THCS Nghĩa Lộc, Thiếu tướng-Tiến sĩ-Nhà văn Nguyễn Hồng Thái (Phó Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an – Bộ Công an), đã giao lưu với các em học sinh đề tài vô cùng hấp dẫn về tuổi thơ của Bác Hồ và các danh nhân quê hương Nghệ An.

Nhà văn đã thực sự truyền cảm hứng tới các em tình yêu quê hương, đất nước, yêu truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Bằng những câu chuyện kể hấp dẫn xen lẫn giao lưu với HS, các em trả lời các câu hỏi để nhận giải thưởng là những cuốn sách quý, đã hấp dẫn, lôi cuốn học trò nơi đây.

Các em đặc biệt thích thú khi được Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái giới thiệu về 6 Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt ở Nghệ An, đó là: Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nam Đàn còn có: Khu lưu niệm về nhà chí sỹ Phan Bội Châu, Di tích Vua Mai Hắc Đế, Đình Hoành Sơn được xây dựng và hoàn thành từ năm 1763, thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang); Khu Lăng mộ và Đền thờ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí – vị Tể tướng oanh liệt của 6 triều vua Lê - tại Nghi Lộc; và Di tích cột mốc số O về đường Hồ Chí Minh tại huyện Tân Kỳ.

Các em rất thích thú xung phong trả lời câu hỏi về năm 1961, Bác Hồ đã về thăm Nông trường Đông Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, quê hương của các em. Những câu chuyện và giao lưu như thế đã phần nào gieo vào tâm hồn các em noi gương tiền nhân, khát vọng học giỏi hơn để sau này xây dựng quê hương, đất nước.

Câu chuyện về Bác Hồ và các danh nhân do Thiếu tướng-Nhà văn-TS Nguyễn Hồng Thái dẫn dắt đã thực sự tạo ra tinh thần hồ hởi, phấn khởi, thu hút nhiều HS tham gia trả lời câu hỏi.

Các em HS trả lời đúng và hay, đều được TS Hồng Thái tặng 1 quyển sách quý “Hạt giống tâm hồn”. Các em rất thích thú thi nhau xung phong trả lời câu hỏi về năm 1961, Bác Hồ đã về thăm Nông trường Đông Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, quê hương của các em. Nhiều em đã nói: em rất thích bài nói chuyện và phần giao lưu của bác Thiếu tướng, Nhà văn, giúp em thêm kiến thức để sắp tới em bước vào kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh...

hs-5.jpg
Thiếu tướng-Nhà văn-TS Nguyễn Hồng Thái kể cho HS nghe về thời niên thiếu của Bác Hồ.

Đã nhiều năm qua, thầy và trò 2 ngôi trường này rất vui mừng được sự quan tâm của doanh nhân Lê Hồng Xuân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TARA. Định kỳ hàng năm, vào dịp 20/11, ông đều sắp xếp để có hàng chục suất học bổng trao tặng các em học sinh vượt khó học giỏi, và tặng trường rất nhiều những cơ sở vật chất cần thiết (như: Bàn ghế giáo viên, học sinh, tivi, máy tính...), đặc biệt là xây dựng cho trường một Thư viện Xanh để học sinh có thể đọc sách, tìm thấy chân trời tri thức và nâng cánh ước mơ, khát vọng cho các em.

Năm nay TGĐ Lê Hồng Xuân từ TP HCM trực tiếp về giao lưu dưới mái trường xưa, ông xúc động bộc bạch và tin tưởng: “Dù đã gần nửa thế kỷ xa quê để vươn ra thế giới, trong đó có 30 năm bôn ba nơi thương trường tại TP HCM, tôi vẫn luôn nhớ về mái trường này, nơi đã chắp cánh cho những ước mơ đầu tiên của mình. Nhìn các em học sinh đang ngồi đây, tôi càng thêm tin tưởng vào sức trẻ và khát vọng lớn lao mà các em đang ấp ủ.

Tôi tin rằng, nếu các em giữ vững ý chí và niềm đam mê học tập, các em hoàn toàn có thể chạm đến những thành công rực rỡ, dù cho đó là trong lĩnh vực công nghệ, khoa học hay bất kỳ ngành nghề nào mà các em theo đuổi”.

Doanh nhân Lê Hồng Xuân cũng chia sẻ thêm về “Trí tuệ nhân tạo” (AI). Theo ông: “AI hiện đang là một chủ đề tạo ra sự quan tâm rất lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Sự ra đời và tác động của AI là một trong những thay đổi mang tính cách mạng lớn nhất sau sự phát minh ra internet, nó đang mở ra cánh cửa mới cho giáo dục Việt Nam.

Trước đây, việc học tập của học sinh phụ thuộc nhiều vào nỗ lực cá nhân, sự hướng dẫn của giáo viên và điều kiện gia đình. Nhưng AI đã thay đổi điều đó. Với khả năng phân tích và xử lý dữ liệu khổng lồ, trí tuệ nhân tạo mang lại một cơ hội mà trước đây chúng ta chỉ dám mơ tới: một nền giáo dục cá nhân hóa cho từng học sinh.

Với giáo viên, AI đã trở thành một công cụ hỗ trợ không thể thiếu. AI giúp chấm bài, ghi nhận kết quả, soạn giáo án. Điều này giúp giáo viên có thêm thời gian để tập trung vào việc giảng dạy và truyền cảm hứng cho học sinh. Nhưng AI vẫn chỉ là công cụ. Giá trị cốt lõi của giáo dục vẫn nằm ở tình yêu tri thức, ở sự nỗ lực bền bỉ và những mối quan hệ giàu tính nhân văn giữa thầy cô và học sinh. Không có công nghệ nào có thể thay thế được tình cảm chân thành, những giờ học tràn đầy cảm hứng hay những bài học về đạo đức, nhân cách – những giá trị mà chỉ con người mới có thể mang đến và khơi gợi cho nhau”.

Như định kỳ hàng năm, năm nay doanh nhân Lê Hồng Xuân tiếp tục tặng 18 suất học bổng (36.000.000 đồng) cho 18 HS vượt khó học giỏi, đạt thành tích cao trong các kỳ thi HS Giỏi cấp Huyện và Tỉnh của 2 trường.

Trong 18 HS được học bổng, em nào cũng có hoàn cảnh rất khó khăn, có em thì mẹ đang điều trị bệnh hiểm nghèo, có 3 em mồ côi bố, có em bản thân đã phải mổ tim, có em bố phải chạy thận... nhưng tất cả 18 em đều đã vượt lên mọi khó khăn, học giỏi và thi HSG đoạt giải các cấp.

Với tất cả tình cảm yêu mến dành cho quê hương, TGĐ Lê Hồng Xuân đã đặt rất nhiều niềm tin, kỳ vọng vào các cháu học sinh nơi đây sẽ vươn cao, bay xa!

Ông Xuân cho biết: “Nhìn những ánh mắt rạng ngời và nụ cười tươi sáng của các em hôm nay, tôi càng thêm tin tưởng vào tương lai của con em quê hương. Với những em chưa đạt được học bổng năm nay, tôi hy vọng đây sẽ là động lực để các em phấn đấu hơn nữa, bởi trong thời đại số này, cơ hội luôn rộng mở cho những ai không ngừng nỗ lực và dám mơ ước”.

Ông Xuân cũng tâm sự: “Sự hiện diện của chúng tôi nhiều năm qua dưới mái trường này, không chỉ là để trao đi những món quà nhỏ bé, mà còn là lời nhắc nhở về tinh thần “uống nước nhớ nguồn.” Tôi tin rằng những suất học bổng trao cho HS và những cuốn sách trao đến Thư viện Xanh của trường hôm nay sẽ là những hạt giống tốt lành, gieo mầm cho những thành công rực rỡ trong tương lai của các em học sinh”.

hs-6.jpg
Các thầy cô giáo trường THCS Nghĩa Lộc với các đại biểu dự Tọa đàm dịp kỷ niệm 20/11/2024.

Trường THCS Nghĩa Lộc nhiều năm qua luôn phát huy được thành tích dạy và học. Năm qua, trường có 7 HS đạt giải trong kỳ thi HS Giỏi cấp tỉnh, 29 HS đạt giải thi HS Giỏi cấp huyện, 49 lượt HS đạt giải thi Olympic. Đặc biệt có HS giành Huy chương Vàng thể thao môn Đá Cầu. Trường có 2 GV dạy Giỏi cấp tỉnh, 4 GV dạy Giỏi cấp huyện.

Trường Tiểu học Nghĩa Lộc 1 có hơn 1.300 HS (trường còn có phân hiệu 2), nhiều năm qua giữ vững các thành tích đã đạt được. Thầy Hiệu trưởng Trương Công Tuyên vui mừng cho biết:

“Trường luôn phát động, tổ chức các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục. Xây dựng môi trường học đường hạnh phúc, an toàn, thân thiện, không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường; chú trọng xây dựng văn hóa học đường; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh. 100% HS của trường được tiếp cận môn tiếng Anh. Trường có 1 GV dạy Giỏi cấp tỉnh, 2 GV dạy Giỏi cấp huyện”.

Thầy và trò cùng phụ huynh của 2 ngôi trường này hết sức cảm động, em Lô Thị Mỹ Chi, một trong những HS vượt khó học giỏi, xúc động phát biểu: “Cháu và các bạn được nhận học bổng này, xin chân thành cảm ơn công ty cổ phần TARA và Hội Nhà văn Bộ Công an nhiều năm qua đã nâng cánh những ước mơ của các thế hệ học sinh quê hương Nghĩa Lộc để chúng cháu mai này cũng thành công, sẽ góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ