Xác định rõ trách nhiệm, động lực đổi mới
Năm học 2019 - 2020 thực hiện Kết luận 51 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đây là năm học rất quan trọng với ngành Giáo dục, đánh dấu sự đổi mới. Với quyết tâm đó, ngay từ đầu năm học, lãnh đạo ngành Giáo dục đã tích cực tham mưu và triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp của năm học 2019 - 2020, ưu tiên cho cấp tiểu học và lớp 1.
Trong đó, tập trung vào việc rà soát, sắp xếp các trường tiểu học để sớm ổn định tổ chức; rà soát đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 để có phương án tuyển dụng, bổ sung kịp thời chuẩn bị cho việc bồi dưỡng đại trà; bổ sung trang thiết bị theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1; hoàn thành bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên cốt cán các cấp; biên soạn chương trình giáo dục địa phương. Năm 2020 là giai đoạn nước rút để quá trình đổi mới đi vào thực tiễn, trong đó Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020; tháng 8/2020 bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 1... Có thể thấy ngành Giáo dục đã sẵn sàng tâm thế cho sự đổi mới.
Từ đây đến khi bắt đầu năm học 2020 - 2021 còn khoảng 8 tháng với khá nhiều công việc quan trọng, mang tính chất quyết định đến chất lượng, hiệu quả của việc triển khai thực hiện. Theo tôi, hiện vẫn còn khó khăn cần sự nỗ lực rất lớn của ngành và sự ủng hộ của xã hội để khi chính thức thực hiện đạt hiệu quả như mong muốn. Đó là việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) theo danh mục đã được Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy, học tại trường.
Theo lộ trình thì các địa phương phải thực hiện xong trước tháng 3/2020. Tuy nhiên, dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT từ năm học 2020 - 2021 được lấy ý kiến đến hết ngày 30/1/2020. Đây là áp lực lớn với ngành bởi việc lựa chọn này cần phải có đủ thời gian để các thành viên Hội đồng nghiên cứu từng bộ sách sao cho kết quả lựa chọn phù hợp nhất, được sự đồng thuận cao của giáo viên, phụ huynh.
Song song đó, việc bồi dưỡng đại trà giáo viên lớp 1 để dạy Chương trình GDPT 2018 phải hoàn thành trước tháng 3/2020. Công việc này rất quan trọng vì đây là đội ngũ trực tiếp chuyển quá trình đổi mới giáo dục đi vào thực tiễn, nên giáo viên cần có đủ thời gian để nghiên cứu SGK, nắm vững kiến thức phổ thông, được bồi dưỡng nghiêm túc và tâm thế ổn định, sẵn sàng để thực hiện chương trình.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao của lãnh đạo ngành Giáo dục, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương, tôi nghĩ rằng, trong năm 2020, các địa phương sẽ chủ động đề xuất giải pháp phù hợp để khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà trường, giáo viên được tiếp cận, nghiên cứu SGK (theo danh mục đã được Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt) nhằm định hướng cho việc lựa chọn thuận lợi, kịp tiến độ và phù hợp.
Bản thân mỗi CBQL, giáo viên cũng đã xác định rõ trách nhiệm và động lực đổi mới để chuẩn bị tốt tâm thế cho thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đội ngũ nhà giáo, CBQL sẽ phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, sáng tạo để nhân đôi tri thức, kết nối những ý tưởng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học và vị thế, uy tín của ngành; luôn giữ tâm trong sáng, trân trọng nghề nghiệp mình đã chọn để không ngừng học hỏi, nghiên cứu vun đắp thêm kiến thức và kỹ năng cho chính mình để luôn tự tin trước những đòi hỏi ngày càng cao của công việc. Tôi tin rằng với quyết tâm đó, năm 2020 này ngành Giáo dục sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch.
Giáo dục sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công
Trong năm 2019, ngành Giáo dục đã hoàn thành nhiều công việc quan trọng. Tôi muốn nhắc đến trước tiên là việc Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ năm 2020. Trước đó, năm 2018, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ và Bộ GD&ĐT trong việc thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Kết quả quan trọng tiếp theo là Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố 5 bộ SGK lớp 1 với 38 bản sách sau các bước thẩm định nghiêm ngặt. Cùng với đó, các công tác chuẩn bị cho triển khai Chương trình GDPT mới từ năm 2020 - 2021 đối với lớp 1 được tích cực triển khai.
Năm 2019 cũng ghi dấu ấn với 100% học sinh tham dự Olympic quốc tế và khu vực đoạt giải. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam giành điểm tuyệt đối trong phần thi thực hành tại Olympic Hóa học quốc tế; cũng là năm lần đầu tiên Việt Nam có thí sinh vừa đoạt Huy chương Vàng, vừa đoạt giải đặc biệt nữ sinh có thành tích cao nhất Olympic Vật lý quốc tế. Cùng với đó, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được tổ chức thành công, lấy lại niềm tin của nhân dân, được Chính phủ và Quốc hội đánh giá cao.
Bên cạnh GDPT, tôi cho rằng, giáo dục ĐH cũng có những bước tiến đáng ghi nhận trong năm 2019. Điều này thể hiện ở việc lần đầu tiên 3 ĐH của Việt Nam vào bảng xếp hạng tốt nhất toàn cầu, 8 trường ĐH nằm trong top 500 châu Á. Việc ngày càng có nhiều các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế có uy tín, trong đó bắt đầu có các cơ sở giáo dục ĐH tư thục là tín hiệu đáng vui mừng, là sự khích lệ, động lực rất tích cực với các cơ sở giáo dục ĐH khác trong nước.
Trên nền những kết quả đạt được của năm 2019, tôi tin rằng, sang năm 2020, giáo dục sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa. Tuy nhiên, 2020 cũng là năm chúng ta triển khai những công việc hết sức quan trọng, như Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT mới… Do đó, cần thêm rất nhiều nỗ lực, sự cộng đồng trách nhiệm không chỉ trong ngành Giáo dục để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Về phía Bộ GD&ĐT, tôi mong đợi việc sẽ kịp thời ban hành các nghị định, văn bản dưới luật để các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về giáo dục thực sự đi vào thực tiễn.
Với việc triển khai Chương trình GDPT mới, dù sự chuẩn bị là một quá trình dài, nhưng thời điểm này mang ý nghĩa quan trọng, quyết định, nhằm đảm bảo về đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để sẵn sàng cho chương trình mới. Đặc biệt, sang năm, việc chọn SGK mới là do các cơ sở giáo dục chủ trì, đây là lần đầu tiên chưa có tiền lệ, nên rất cần có những hướng dẫn kịp thời, khoa học, để nhà trường chọn được những bộ sách thực sự phù hợp.
Đổi mới Chương trình GDPT là mục tiêu quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD - ĐT. |
Chất lượng giáo dục có bước chuyển rõ rệt
Nhìn chung chất lượng giáo dục năm qua đã có một bước chuyển rõ rệt, ở cả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các văn bản, quy định của cấp trên, chất lượng dạy học. Một số kết quả có thể điểm qua như: Trước thềm năm học mới, công tác triển khai các nhiệm vụ được chú trọng; việc thu chi trong cơ sở giáo dục được chấn chỉnh; các khoản xã hội hoá phải bảo đảm đúng quy định, không có vấn đề lạm thu.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn ở các địa phương được chú trọng. Môi trường giáo dục được chăm lo. Nền nếp, kỷ cương trường học tốt hơn những năm trước rất nhiều. Đặc biệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của toàn ngành Giáo dục và các địa phương, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã được tổ chức thành công.
Tại Quảng Trị, năm 2019, ngành Giáo dục đã quan tâm đến chất lượng mũi nhọn và chất lượng giáo dục vùng khó. Với giáo dục mầm non, đã quan tâm hỗ trợ cô nuôi ở những nơi không tổ chức xã hội hóa được. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia có bước đột phá… Với những thông tin đáng mừng như trên, tôi kỳ vọng sang năm 2020, ngành Giáo dục sẽ đạt được kết quả cao hơn nữa; đồng thời mong rằng việc triển khai các nhiệm vụ luôn gắn với thực tiễn; công tác tổ chức thi cử tiếp tục được chỉ đạo sát sao; cơ sở giáo dục lựa chọn được bộ SGK mới đưa vào giảng dạy phù hợp, được đồng tình cao.
Năm 2020 cũng là thời điểm ngành Giáo dục bắt đầu triển khai Chương trình GDPT mới với lớp 1, tôi cho rằng, ngành Giáo dục cần làm tốt công tác chỉ đạo, tuyên truyền cho mọi tầng lớp hiểu và chuẩn bị tâm thế đón chương trình, SGK mới. Ngành cũng nên tiếp tục quan tâm hơn nữa đến giáo dục ở vùng sâu vùng xa. Với Kỳ thi THPT quốc gia, việc tổ chức thi trên máy tính cần tính toán để có lộ trình phù hợp vì không ít nơi, học sinh còn chưa được tiếp cận với máy tính.
Một điều đáng chú ý, Luật Lao động được thông qua và có hiệu lực vào đầu năm 2021, mong Chính phủ và các ngành quan tâm hướng dẫn để có chính sách đặc thù cho giáo viên được quyết định nghỉ trước tuổi và không ảnh hưởng đến chế độ tiền lương.
Sẽ thực hiện đổi mới thành công
Năm 2019 ngành Giáo dục đạt được rất nhiều thành quả. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng đã ban hành các chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, tiêu chí và phù hợp với thực tiễn. Tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, CBQL giáo dục các cấp để triển khai Chương trình GDPT mới, trong đó, ưu tiên bồi dưỡng cho 4 nhóm đối tượng là giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên phổ thông, hiệu trưởng các cơ sở GDPT, CBQL cấp sở/phòng GD&ĐT.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã tổ chức thành công, bảo đảm công bằng, khách quan, an toàn, nghiêm túc, lấy lại niềm tin của nhân dân. Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tại các kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực. Triển khai nhiều giải pháp tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho HSSV và bảo đảm an toàn trường học; chấn chỉnh tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo diễn ra ở một số địa phương.
Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; các cơ sở giáo dục ĐH đã thực hiện điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, đổi mới chương trình đào tạo, gắn đào tạo với thị trường lao động, tỷ lệ người có trình độ ĐH trở lên không tìm được việc làm giảm từ 2,85% (quý I năm 2018) xuống còn 2,16% (quý I năm 2019). Năm 2019, Việt Nam có 4 trường ĐH được vào top 1.000+ ĐH hàng đầu thế giới; 7 trường ĐH được vào top các ĐH hàng đầu châu Á.
Nhìn vào những thành quả trên mới nhận thấy công sức của tất cả cán bộ, giáo viên, giảng viên, HSSV là rất lớn. Những thành quả này là cả một sự cố gắng, kiên trì vượt qua mọi khó khăn để đi đến thành công. Tôi tin tưởng ngành Giáo dục sẽ thực hiện đổi mới, cải cách thành công và luôn khẳng định được vị thế giáo dục là quốc sách hàng đầu của một quốc gia.