Chảo lửa Myanmar khó hạ nhiệt

GD&TĐ - Biến cố chính trị tại quốc gia Đông Nam Á vừa đánh dấu một tháng tròn bằng sự kiện đẫm máu nhất, khi chính quyền quân sự cho nổ súng làm ít nhất 18 người biểu tình thiệt mạng trong ngày 28/2.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sự kiện này tiếp tục cho thấy Myanmar rất khó có thể thoát khỏi tình trạng bất ổn trong thời gian ngắn.

Cùng thời điểm này, nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi lần đầu xuất hiện hôm 1/3, tròn một tháng kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra. Bà hiện diện thông qua một video call khi đứng trước phiên tòa của chính quyền quân sự. Nhà lãnh đạo dân sự 75 tuổi bị cáo buộc thêm các tội danh mới về việc lan truyền thông tin “gây sợ hãi” đến công chúng. 

Bà bất ngờ bị giới chức quân đội bắt giữ trong cuộc đảo chính hôm 1/2 với lời buộc tội đảng NLD của bà đã gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020. Động thái này mở đầu cho một tháng cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn tại Myanmar khi người dân liên tục xuống đường phản đối cuộc binh biến, trong khi phe quân đội liên tục đối phó bằng hành động mạnh tay.

Cuộc đối đầu giữa làn sóng biểu tình dân sự và phe quân đội lên tới đỉnh điểm hôm 28/2, buộc nhiều nước lớn phải tiếp tục lên tiếng. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố, Washington đang chuẩn bị cho các hành động mới phối hợp với các đồng minh trong vài ngày tới, nhằm trừng phạt những cá nhân gây ra cuộc chính biến và bạo lực tại Myanmar.

Trong khi đó, Liên Hợp Quốc xác nhận việc an ninh Myanmar nổ súng làm ít nhất 18 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương trong ngày 28/2 và kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động quyết liệt hơn, nhằm chấm dứt tình trạng đàn áp phong trào biểu tình hòa bình.

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia đang đi đầu trong khối ASEAN trong việc giải quyết hỗn loạn tại Myanmar và kêu gọi giới chức quân sự kiềm chế tối đa để tránh gây thêm thương vong.

Hiện nay có Mỹ và một số nước đã ban bố các lệnh trừng phạt nhắm vào cá nhân các tướng lĩnh quân đội Myanmar. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định các biện pháp này khó có thể thay đổi tình hình tại Myanmar vì các giải pháp quốc tế chỉ mang lại hiệu quả rất hạn chế. Nhưng đây cũng là sức ép đáng kể từ bên ngoài mà giới chức quân sự Myanmar đang phải hứng chịu.

Sức ép lớn nhất họ phải đối mặt chính là làn sóng biểu tình kéo dài liên tiếp một tháng qua. Hàng chục nghìn người Myanmar tiếp tục xuống đường tuần hành ôn hòa bất chấp ngày đẫm máu, để yêu cầu quân đội thả và khôi phục quyền lực cho các nhà lãnh đạo dân sự mà họ bắt giữ.

Trong khi đó, giới quân sự cầm quyền Myanmar chưa có dấu hiệu thỏa hiệp và liên tục dùng các biện pháp mềm như ngắt kết nối Internet lẫn các biện pháp cứng rắn như nổ súng vào người biểu tình và bắt giữ hàng loạt chính trị gia đối lập, nhà hoạt động, người biểu tình và một số nhà báo.

Myanmar từng được coi là điểm sáng về cải cách chính trị trên thế giới, đồng thời nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn của châu Á trong những năm qua. Nhưng tình trạng bất ổn kéo dài sau cuộc chính biến có thể sẽ xóa bỏ tất cả những thành tựu kinh tế này. 

Các lệnh trừng phạt quốc tế cũng sẽ kéo theo việc nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Myanmar để chuyển sang các thị trường ổn định hơn trong khu vực. Động thái này sẽ đánh thẳng vào cơ hội việc làm của người dân cũng như động lực tăng trưởng của đất nước. Cùng với nguy cơ bị cô lập quốc tế thì đây thực sự là hệ lụy lớn nhất mà Myanmar phải đối mặt sau cuộc chính biến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Huấn luyện viên trưởng Đinh Công Lợi (thứ 3 từ trái) cùng lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Golfgroup.

Ước muốn nâng tầm golf Việt

GD&TĐ - Đinh Công Lợi gắn kết với nghề golf và là huấn luyện viên tài năng không chỉ trong nước mà còn ở khá nhiều quốc gia châu Âu.