Rầm rộ cuộc biểu tình phản đối quân đội lớn nhất ở Myanmar

GD&TĐ - Những người phản đối quân đội nắm quyền ở Myanmar đã trở lại đường phố vào hôm qua (17/2) trong một cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi xảy ra chính biến đầu tháng này.

Người biểu tình tập trung tại một ngã tư gần chùa Sule để phản đối cuộc chính biến quân sự ở Yangon, Myanmar vào ngày 17 tháng 2 năm 2021. (Ảnh: AP)
Người biểu tình tập trung tại một ngã tư gần chùa Sule để phản đối cuộc chính biến quân sự ở Yangon, Myanmar vào ngày 17 tháng 2 năm 2021. (Ảnh: AP)

Hàng chục ngàn người đã tập hợp ở Yangon, một số con đường bị chặn bằng các phương tiện giao thông để ngăn lực lượng an ninh di chuyển quanh thành phố lớn nhất đất nước. “Chúng tôi phải chiến đấu tới cùng” – một SV 21 tuổi giấu tên cho biết – “Chúng tôi cần thể hiện sự đoàn kết và sức mạnh để chấm dứt chế độ quân sự. Mọi người cần phải ra đường”.

Tại thành phố lớn thứ 2 Mandalay, cảnh sát và binh lính đã phá vỡ một cuộc biểu tình khiến tuyến đường sắt ở đây bị chặn lại. Thành viên có tên Yan Naing của dịch vụ cứu hộ khẩn cấp địa phương cho biết lực lượng an ninh đã nổ súng, mặc dù không rõ đạn cao su hay đạn thật đã được sử dụng.

Bên ngoài thủ đô hành chính Naypyidaw, hàng chục nghìn người đã tuần thành qua thị trấn khai thác gỗ Pyinmana, mang theo biểu ngữ “Hãy giúp Myanmar”.

Các cuộc biểu tình trong 2 ngày trước đó đã giảm đáng kể từ khi quân đội được triển khai xung quanh Yangon vào cuối tuần.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc Tom Andrew cảnh báo những binh sĩ tiến vào Yangon có thể khiến cho tình hình ở đây vượt tầm kiểm soát.

Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi bị bắt vào ngày 1/2. Bà bị kết tội sở hữu bộ đàm mà không đăng ký. Luật sư Khin Maung Zaw của bà Suu Kyi cho biết bà còn bị kết tội vi phạm luật quản lý thảm họa của đất nước, nhưng chi tiết về tội danh này chưa được công khai.

Luật quản lý thảm họa đã được sử dụng để chống lại tổng thống bị phế truất Win Myint vì một sự kiện vận động bầu cử mà phía quân đội cho rằng phá vỡ các hạn chế về Covid-19. Luật sư Khin Maung Zaw cho biết ông vẫn chưa có bất kỳ liên lạc nào với bà Suu Kyi và ông Win Myint - 2 người dự kiến sẽ xuất hiện trên video trong phiên tòa ngày 1/3 tới.

Hơn 450 người đã bị bắt kể từ khi chính biến diễn ra. Các cường quốc phương Tây và Liên hợp quốc nhiều lần lên án các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar – những người cho rằng đã nắm quyền hợp pháp.

Trung Quốc ban đầu không chỉ trích cuộc chính biến mà truyền thông nhà nước cho rằng là một “cuộc cải cách nội các”. Tuy nhiên, đại sứ Bắc Kinh tại Myanmar hôm 16/2 cho biết tình hình hiện tại ở nước này là “hoàn toàn không phải là những gì Trung Quốc muốn thấy”.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ