Thông tin về bộ phim “Cu li không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân đoạt giải Phim dài đầu tay xuất sắc nhất (GWFF Best First Feature) tại Liên hoan Phim quốc tế Berlin lần thứ 74 đã làm nức lòng người yêu điện ảnh trong nước.
Phạm Ngọc Lân sinh năm 1986, từng được biết đến qua một số phim ngắn đoạt giải thưởng quốc tế như “Một thành phố khác”, “Một khu đất tốt”. Ngoài làm phim, anh còn đứng lớp giảng dạy về nghiệp vụ đạo diễn. Song trước khi trở thành nhà làm phim chuyên nghiệp, anh là một kiến trúc sư chuyên ngành Quy hoạch đô thị.
Lân đến với điện ảnh, tự bồi đắp và nuôi dưỡng đam mê của mình theo cách riêng, vừa lặng lẽ khiêm tốn, vừa đầy tự tin. Thành công xuất sắc của anh ở phim dài đầu tay chính là thành quả của quá trình sáng tạo vừa nhẫn nại vừa tràn đầy cảm hứng.
Còn nhớ, vào cuối tháng 5 năm ngoái, phim dài đầu tay “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân đã được vinh danh với giải Camera Vàng tại Liên hoan Phim Cannes lần thứ 76. Trước đó, Phạm Thiên Ân cũng ghi dấu ấn thành công ở hạng mục phim ngắn.
Trưởng thành qua các liên hoan phim quốc tế, đi từ phim ngắn đến phim dài đầu tay - đó là con đường mà nhiều nhà làm phim trẻ thế hệ 8X và 9X ở Việt Nam đang đi.
Những bước đi không hề nhanh chóng, dễ dàng bị loại khỏi đường đua nếu không đủ kiên trì và say mê. Song nếu thành công, thì giải thưởng ở các liên hoan phim lớn chính là chứng chỉ định vị tên tuổi và thương hiệu của họ.
Trong vài năm trở lại đây, điện ảnh nước nhà nhận nhiều tin vui. Tin vui về doanh thu phòng vé. Tin vui về các giải thưởng quốc tế. Tin vui về định hướng phát triển công nghiệp điện ảnh. Tin vui về những tiến bộ trong kỹ thuật làm phim… Khán giả đang dần đa dạng hơn về thị hiếu, kỹ tính hơn và cũng dành nhiều mối quan tâm hơn cho điện ảnh nước nhà.
Trên nền bối cảnh chung đó, một thế hệ nhà làm phim mới đang dần xuất hiện. Một thế hệ trẻ có trình độ, có khả năng tương tác với môi trường quốc tế, và đặc biệt có khả năng theo đuổi ngôn ngữ điện ảnh giàu tính cá nhân. Thành công của họ sẽ giúp cho điện ảnh nước nhà vươn tầm khu vực và quốc tế.
Vị trí của một nền điện ảnh được đánh giá qua những tác phẩm ghi dấu ấn tại các liên hoan phim quốc tế uy tín. Và tất nhiên, để những tài năng thêm cơ hội được tỏa sáng trên đấu trường thì rất cần sự hỗ trợ về đào tạo và tài chính từ phía Nhà nước.
“Một người lo bằng cả kho người làm”. Những quyết định đúng đắn trong hướng đi và sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước trong điện ảnh nói riêng, trong nghệ thuật và văn hóa nói chung sẽ luôn được ủng hộ, từ đó đem tới giá trị cùng lợi nhuận lớn lao.