Chi Cục quản lý đường bộ III.4 (thuộc Cục Quản lý đường bộ III, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) vừa có công văn yêu cầu UBND thành phố Kon Tum tháo dỡ 5 cổng chào mà thành phố này đã và đang xây dựng vì vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ; đồng thời các công trình nói trên chưa được cấp phép mà vẫn xây dựng. Thời hạn để UBND thành phố Kon Tum khắc phục hậu quả là 25/1, nếu sau ngày đó mà không tự tháo dỡ thì sẽ bị cưỡng chế.
Trả lời báo chí, đại diện lãnh đạo thành phố Kon Tum cho rằng, sở dĩ xây cổng chào với mức độ khá dày như trên là nhằm mục đích để cho thành phố đủ tiêu chuẩn xếp đô thị loại 2; Đồng thời, các cổng chào này còn nhằm mục đích quảng bá hình ảnh Kon Tum thông qua các biển quảng cáo và khẩu hiệu.
Cũng theo báo cáo, trong đợt xây cổng chào lần này, địa phương phải bỏ ra 21 tỷ đồng để xây mới 13 cổng chào ở khắp các cửa ngõ dẫn vào thành phố Kon Tum. Đang xây dở 5 cái thì bị tuýt còi.
Thanh minh cho việc xây hàng loạt các cổng chào mà không xin phép, đại diện lãnh đạo thành phố cho biết: “Việc xây dựng các cổng chào nói trên là thiếu sót chứ không phải bất chấp. Thiếu sót về hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý. Chính quyền thành phố đang tiếp tục bổ sung, hy vọng sẽ sớm được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận, cấp phép xây dựng trong thời gian tới”.
Khoan nói đến việc xây dựng không phép, vi phạm các quy định về an toàn giao thông trong thành phố mà chỉ xét ở góc độ sử dụng tiền ngân sách như thế đã hợp lý chưa? Thống kê cho biết, toàn tỉnh Kon Tum hiện còn 14 nghìn hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 10,29% dân số toàn tỉnh.
Thu ngân sách hàng năm đạt 3.602 tỷ đồng (số liệu báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết tài chính ngân sách năm 2021 hôm 6/1 vừa qua). Tuy là có đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương và Hội đồng nhân dân giao, song với từng ấy nguồn thu chẳng khác nào muối bỏ bể so với nhu cầu chi.
Không biết từ khi nào, “phong trào” làm cổng chào ở các địa phương nở rộ đến vậy. Vào địa phận mỗi tỉnh, đập vào mắt du khách không phải là các điểm du lịch hoặc các nhà máy xí nghiệp mà là… cổng chào. Tỉnh có phần “hoành tráng” của tỉnh, sang địa phận của huyện, thị xã hoặc thành phố có phần “hoành tráng” của huyện, thành phố ấy. Như thể nếu không xây cổng chào thì du khách không biết đến mình vậy.
Cách đây không lâu, dư luận rộ lên chuyện thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang bỏ ra 6,8 tỷ đồng để xây cổng chào; rồi tỉnh Hòa Bình bỏ ra 11 tỷ để làm một câu khẩu hiệu (10 từ) tại đồi Ông Tượng... Gần như hễ có “thời cơ” là các địa phương chộp ngay lấy để làm cổng chào hoặc tượng đài.
Người ta nhân danh đủ thứ điều tốt đẹp để tiêu những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi nước mắt của dân mà không thấy xa xót. Bằng chứng là, chỉ cần thay đổi vị trí lãnh đạo là y rằng, cổng chào cũ sẽ bị đập bỏ, thay vào đó là cổng chào “hoành tráng hơn”.
Du khách đến địa phương mình để tham quan, học tập những điều tốt đẹp có lợi cho dân chứ đâu phải đến để… chào cái cổng chào mà làm to thế!