Chàng trai bỏ ra khỏi lớp năm xưa

GD&TĐ - Đã bao năm trôi qua, câu chuyện của cậu học trò năm xưa vẫn không hề phai nhạt trong kí ức của tôi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngày đó, tôi còn là một giáo viên trẻ, mới dạy được 5 năm. Ngoài dạy ở trường chính, tôi còn đi dạy thêm một trường bán công trong thành phố. Thời điểm này, học sinh không đủ điểm vào các trường công lập mới phải học trường bán công, vì thế chất lượng đầu vào thấp.

Năm đó, Ban giám hiệu trường bán công giao cho tôi dạy lớp 11 H. Là một giáo viên trẻ vào dạy một lớp có nhiều học sinh cá biệt và học yếu, tôi rất lo lắng. Tôi nhớ, ngày đầu tiên bước vào lớp, nhiều ánh mắt học trò đổ dồn lên mình với cái nhìn vừa tinh nghịch vừa như để dò xét thầy giáo bộ môn mới.

Sau vài lời giới thiệu, làm quen, tôi bắt ngay vào bài giảng. Những buổi học đầu, tôi phải mất 5 phút để ổn định lớp. Có khi đang giảng bài, nhìn thấy vài em nói chuyện riêng, tôi phải dừng bài giảng để nhắc nhở.

Hai, ba tuần trôi qua, có lẽ đã quen cách dạy, cách làm việc của tôi nên lớp học dần đi vào nền nếp. Tiết học vì thế diễn ra nghiêm túc, sôi nổi, hào hứng. Một số em trước đây được xếp vào danh sách cá biệt cũng đã thay đổi tâm tính.

Duy chỉ có Phùng, cậu học trò ít nói, đôi mắt tròn, to vẫn chưa làm tôi yên lòng. Ý thức học tập, thái độ của em đối với giáo viên khiến tôi nhiều đêm mất ngủ. Phùng thường xuyên không làm bài tập về nhà, có tiết em không chép bài, cứ nhìn lơ đễnh ra ngoài sân.

Một lần, đang say sưa giảng bài, bất chợt nhìn xuống thấy Phùng ngủ gục trên bàn, không vở, không sách giáo khoa. Dừng giảng bài, tôi xuống chỗ em ngồi và nhẹ nhàng bảo: “Sao em lại ngủ trong giờ học. Nếu em thấy trong người không được khỏe thì thầy cho phép em xuống phòng y tế trường nằm nghỉ một lát”.

Thật bất ngờ, tôi vừa nói dứt lời, em vùng vằng đứng dậy bỏ đi ra ngoài, đưa tay đấm mạnh cánh cửa trước sự ngỡ ngàng, ái ngại của học sinh trong lớp. Cố bình tĩnh, xem như không có chuyện gì xảy ra, tôi tiếp tục bài giảng của mình.

Ra khỏi lớp, Phùng đến phòng bảo vệ trước cổng trường ngồi. Hết tiết dạy, tôi quyết định gặp, nói chuyện với em. Ngồi đối diện với tôi, Phùng vẫn tỏ ra bất cần và lạnh lùng. Tôi vẫn nhẹ nhàng gợi chuyện và kiên nhẫn đợi chờ. “Phùng à, thầy không giận em, thầy chỉ buồn và mãi suy nghĩ vì sao em lại phản ứng với thầy như thế trong giờ học.

Có gì không em, nếu được em cứ tâm sự với thầy đi, em đừng ngại”… Dù tôi có nói gì Phùng vẫn im lặng. Nhìn đồng hồ rồi em đứng dậy chỉ nói một câu: “Xin lỗi thầy” và ôm cặp ra về. Nhìn theo em, tôi ái ngại, thở dài.

* * *

Hai ngày trôi qua, Phùng không đến lớp. Tối đó, tôi quyết định tìm về nhà em. Cách xa trường chừng 4 km, khác với tưởng tượng của tôi, ngôi nhà Phùng khá khang trang. Bố làm nghề lái xe khách, mẹ bán vải ở chợ, sau Phùng còn hai em nhỏ.

Mẹ Phùng là người phụ nữ chừng 45 tuổi nhưng đôi mắt có vẻ đang chứa một nỗi buồn sâu thẳm. Bố của Phùng không có nhà, mẹ của em tiếp chuyện tôi. Vừa chảy nước mắt, chị vừa nói: “Hai ngày ni nó khăng khăng đòi bỏ học.

Thầy làm răng thuyết phục giùm chị với. Nó đi chơi đâu cả chiều, giờ này mà vẫn chưa về”… Có lẽ, mới gặp lần đầu nên chị cũng không kể gì nhiều với tôi về gia đình, về em. Xin phép mẹ của Phùng ra về, lòng tôi canh cánh nỗi lo.

Sáng Chủ nhật tôi quyết định đến nhà Phùng lần nữa. Rất may Phùng đang ở nhà, em đồng ý đi ra ngoài quán nước với tôi. Dường như cảm nhận được tấm lòng của tôi, Phùng bắt đầu mở lòng: “Bố mỗi lần chạy xe đường xa về người toàn mùi rượu rồi to tiếng, mắng nhiếc mẹ, cứ dọa viết đơn ly dị.

Hình như bố em có người đàn bà khác và thường xuyên gặp gỡ trong những lần đi xe đường xa. Mỗi lần như thế mẹ chỉ biết khóc, van xin bố. Em không chịu nổi cảnh đó, làm răng em học được”. Lần đầu tiên tôi thấy Phùng khóc. Nắm lấy bàn tay, tôi tìm mọi lời để khuyên nhủ em.

“Thầy biết, ba mẹ là chỗ dựa cho con cái. Giờ ba thì đi xa nhiều ngày, về nhà hay to tiếng, mẹ vì thương con mà chấp nhận, bỏ qua tất cả. Mẹ chịu khổ nhiều rồi, vậy em thử nghĩ xem nếu em bỏ học thì mẹ làm sao sống được. Nếu biết thương mẹ thì em phải tập trung vào việc học. Chính những kết quả học tập của em là món quà đẹp nhất để mẹ vượt qua tất cả.

Thầy hy vọng rồi ba em sẽ nghĩ lại, yêu thương mẹ và các em nhiều hơn, gia đình em sớm bình yên thôi”… Phùng nhìn tôi, đôi mắt rớm lệ… “Em cảm ơn thầy. Em cảm ơn thầy rất nhiều. Em sẽ cố gắng. Chuyện hôm trước, thầy… thầy bỏ qua cho em nhé, em biết lỗi rồi…”.

* * *

Sau ngày gặp tôi tại quán nước, Phùng bắt đầu thay đổi. Em không bao giờ vắng học, nhanh nhẹn, hoạt bát trong các tiết học. Phùng xung phong làm lớp phó học tập thay Yến khi cô nữ sinh này chuyển trường vào Nam theo bố mẹ.

Và cứ thế, kết thúc năm học lớp 11 rồi 12, Phùng đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, em đã đại diện cho trường tham gia và đoạt giải Nhất cuộc thi vẽ tranh về chủ đề bảo vệ môi trường do Tỉnh đoàn tổ chức.

Phùng của hiện tại là một kiến trúc sư có tiếng. Em đã có vợ và 2 cô con gái xinh xắn. Dù bận rộn công việc, song em vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm tôi. Những dịp nghỉ, em dẫn cả vợ và con đến nhà tôi nói chuyện. Không còn cái vẻ lạnh lùng, lầm lì như trước nữa.

Cậu học trò Phùng giờ là người đàn ông lịch lãm, nhiệt tình và sống có trách nhiệm. Tôi vui vì thấy em trưởng thành. Tôi trân trọng cất giữ những tấm bưu thiếp mà em tặng tôi hằng năm kèm theo dòng chữ: “Em biết ơn thầy nhiều lắm, nếu không có cái ngày thầy về nhà em thì...”.

Tôi cảm thấy ấm lòng mỗi lần nhìn quyển sách Người thầy đầu tiên mà em tặng tôi khi em nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Phùng à, thầy sẽ tiếp tục dõi theo bước chân em, nhất định rồi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ