Những chuyện thực, người thực
Theo lời kể của cô Mai, học sinh của cô, em Mai Văn Tùng có mẹ đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan từ khi em học lớp 7; bố em ở nhà bỏ bê con cái.
Thiếu sự quan tâm của gia đình, đặc biệt là của mẹ, em trở nên bất mãn, chơi bời lêu lổng và trở nên “cá biệt” ; nói chuyện riêng nhiều, chọc phá bạn bè, bỏ tiết đi chơi, thường xuyên bỏ học chiều để la cà quán xá.
Song có những lúc em lại tự co mình lại không quan hệ với bất kì ai, trốn học ở nhà, không thich đến lớp.
Biết được hoàn cảnh gia đình như vậy, cô Mai đã gần gũi chia sẻ tâm sự với Tùng, đồng thời, nhờ một số bạn trong lớp tìm được địa điểm Tùng hay lui tới.
Cô Mai kể: Cứ một tuần một lần, tôi dành thời gian 20 - 30 phút tiết cuối ngày thứ Năm (do thứ Năm lớp học 4 tiết) để tâm sự và nghe các chia sẻ của em.
Dần dần em Tùng đã vui vẻ hơn, hòa đồng với tập thể, đi học đều hơn, học tập tốt hơn, đặc biệt là môn Vật lí. Hết lớp 12 em đỗ vào Trường Cao đẳng Thủy lợi Hà Nội.
Không giống Hải, học sinh Mai Văn Nguyên và Phạm Văn Dương có hoàn cảnh gia đình khá giả, bố mẹ mải làm việc, ít quan tâm, chiều chuộng.
Tuy nhiên, hai em đều muốn chứng tỏ mình và trở nên “cá biệt” với những biểu hiện như chơi lô đề, đánh bài, hay bỏ học bỏ tiết ra các quán gần trường ngồi chơi, hút thuốc ...
Nắm bắt được hoàn cảnh và thái độ đó, cô Mai đã chủ động gần gũi chia sẻ và phân tích đúng sai với từng học trò; đồng thời kết hợp với phụ huynh để sát sao giờ giấc đi học, ngày nghỉ ở trường.
Cô Mai cũng tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của hai học sinh này bằng cách yêu cầu “viết thư” để chia sẻ băn khoăn trong gia đình, cuộc sống, đồng thời tự đánh giá bản thân và so sánh với hoàn cảnh của các bạn khác trong lớp.
Dần dần, với sự kiên trì, cô Mai đã giúp Nguyên và Dương đi học đều hơn, không còn trốn học chơi bời quán xá. Hiện nay em Mai Văn Nguyên là sinh viên trường cao đẳng Thuỷ Lợi Hà Nội và đã là Đảng viên. Còn Dương đang học cao Đẳng Nghề tại Thanh Hoá.
Một câu chuyện nữa được cô Mai chia sẻ là học sinh Vũ Văn Chiến. Học sinh này “cá biệt” với thái độ bất mãn do không được bố mẹ coi trọng, bởi anh trai học giỏi hơn nên được bố mẹ quan tâm hơn và đem ra so sánh hai anh em.
Lên lớp 10, Chiến thường xuyên bỏ tiết, nhảy tường ra ngoài, trốn học lêu lổng tụ tập cùng bạn xấu, ngồi các quán hút thuốc, không chịu học tập.
Ban đầu tập thể lớp họp và đưa ra các hình thức kỷ luật thích đáng nhưng cũng chỉ được một thời gian em lại tái phát.
Trước tình hình đó, cô Mai trao đổi với phụ huynh, nhờ một số bạn bè cùng xóm luôn đi cùng đường gần gũi tâm sự với bạn.
Hết các tiết học buổi chiều, thường xuyên khuyên bảo, khuyến khích Chiến trong học tập và cho em tham gia các phong trào của lớp và của trường.
Kết quả, Chiến đã bớt chơi bời, bỏ tiết, đi học thuờng xuyên hơn và nhận được sự quan tâm của bố mẹ. Kết quả em học tập tiến bộ và đạt học sinh tiến tiến hai năm kế tiếp.
Còn rất nhiều học sinh khác, mỗi em một hoàn cảnh, dưới sự quan tâm, dìu dắt của cô Mai đã trở thành những học sinh tốt, có thành quả nhất định trọng học tập. Để đạt được điều này, cô Mai cho rằng, không thể thiếu vai trò của bạn bè, tập thể lớp và sự phối kết hợp với phụ huynh.
Đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải quan tâm chia sẻ với các em, phải kiên trì và coi các em như chính con em mình.
Kéo gần khoảng cách cô - trò
Để giáo dục một em học sinh cá biệt, đặc biệt những em có biểu hiện trốn học bỏ tiết đi chơi, kinh nghiệm của cô Thịnh Sao Mai, điều đầu tiên là giáo viên chủ nhiệm phải gần gũi và tìm hiểu nguyên nhân.
Những nguyên nhân có thể là: Thiếu thốn tình cảm và sự quan tâm của người thân; cảm giác không được coi trọng nên thể hiện để phản kháng; bất lực không biết xử sự ra sao trong các tình huống xã hội;
Hãy giúp các em đánh giá đúng bản thân mình, không quá cao, không quá thấp với con người và năng lực của các em. Nhưng việc tự đánh giá bản thân đó lại cần có cơ sở và sự đánh giá của người lớn và của xã hội.
Khi đã xác định được nguyên nhân, tìm được ngọn nguồn sâu xa của học sinh cá biệt, công tác xử lí và đưa ra các hình phạt nhằm răn đe, giáo dục cũng phải chú ý tới từng đối tượng học sinh. Không thể áp dụng một hình phạt cho tất cả học sinh cá biệt dù các em mắc cùng một lỗi.
Muốn chứng tỏ mình; ảnh hưởng môi trường sống và bị bạn bè xấu rủ rê; bị áp lực về mặt tinh thần từ những tiêu chuẩn do người lớn đặt ra; có vấn đề mang tính chất bệnh lí về tâm lí và thần kinh; là một đứa trẻ độc đáo, có cá tính riêng.
Khi đã xác định nguyên nhân cá em trở nên “cá biệt”, giáo viên nên đặt câu hỏi chung cho tất cả học sinh, đó là “các em cần gì?”.
“Tôi nghĩ, ngoài kiến thức ra các em cần có tình yêu, sự quan tâm và thấu hiểu từ phía người lớn. Nếu trong lớp có học sinh cá biệt nghĩa là chúng ta chưa bù đắp được tình yêu, sự quan tâm mà các em đã và đang thiếu hụt” - cô Thịnh Sao Mai cho biết.
Để giáo dục cá em học sinh cá biệt trở về học sinh ngoan, cô Mai cho biết, nên đặt ra các câu hỏi: Các em cá biệt nghĩ gì về bản thân? Các em trở thành “cá biệt” như thế nào? Vì sao các em trốn học, bỏ tiết?
Trước khi đưa ra hình phạt, giáo viên cần đặt mình vào vị trí của học sinh, nếu là mình trước tình huống đó mình sẽ xử sự thế nào?
Khi đã đưa ra hình phạt, phải làm sao cho học sinh phải tâm phục khẩu phục, phải để các em tự “xử lí” mình trước đã.
Hãy cho các em có quyền được phản biện trước người lớn, trước tập thể và giáo viên chủ nhiệm nên lắng nghe các em nói. Đồng thời không thể thiếu “bạn đồng hành” là phụ huynh học sinh, cán bộ lớp và các bạn trong lớp.
Cô Mai cho biết: Chính vì thế, trước mỗi lần phạt học sinh, tôi thường cho các em chỉ ra lỗi của mình, nêu lí do vi phạm và tự nhận hình phạt . Sau đó, đưa ra trước tập thể lớp để đánh giá và tôi - giáo viên chủ nhiệm đưa ra hình phạt cuối cùng.
Tuy nhiên, sau đó, mỗi em phải về nhà tự viết cảm nhận sau khi phạm lỗi, nhận hình phạt đó có thích đáng không vào một tờ giấy, nộp lại cho giáo viên chủ nhiệm.
Việc yêu cầu các em viết dưới dạng bức thư như vậy sẽ giúp các em tự nhìn nhận lại bản thân mình, tự đánh giá mình và suy nghĩ về lỗi lầm của mình.
Đặc biệt, qua đó các em có thể tâm sự và nói ra những điều mà các em suy nghĩ và muốn chia sẻ với ai đó.
Đáp lại những bức thư đó, tuỳ vào tính chất và nội dung, giáo viên có thể gặp riêng các em đó để phân tích, chia sẻ, và cũng có thể viết thư lại để chia sẻ điều băn khoăn các em muốn tâm sự. Sau đó sẽ thông báo và chia sẻ với phụ huynh.
Như vậy khoảng cách giữa giáo viên và học sinh, giữa bố mẹ và con, giữa các bạn trong lớp sẽ gần gũi hơn, hiểu nhau hơn. Từ đó các em sẽ tin tưởng vào giáo viên, bạn bè, giúp các em yêu thích chính môn mình dạy và học tập tốt hơn... Kết quả, các em sẽ yêu trường yêu lớp và đi học thường xuyên hơn.