Chẳng ngờ món ăn “kinh dị” này lại là đặc sản ở nhiều vùng miền

Chẳng ngờ món ăn “kinh dị” này lại là đặc sản ở nhiều vùng miền

Tuy nhiên nòng nọc này không phải tùy tiện bắt ở ruộng hay ở mương rãnh, mà phải vào khe suối nước chảy trong vắt đặt bẫy mới được.

Đi săn nòng nọc

Nhắc tới nòng nọc, có lẽ nhiều người phải lắc đầu với lý do nó không thể trở thành một món ăn. Tuy nhiên, từ xa xưa, bát canh chua nòng nọc đã là một đặc sản có nguồn gốc từ người Mường, người Thái và cả người Mông.

Thực ra cái tên nòng nọc là gọi theo tiếng người Kinh, còn mỗi dân tộc lại có những cái tên khác nhau để đặt cho món ăn này. Người Thái gọi món nòng nọc là “khuộc lám”, người Mông gọi là “nông nốc”... Người Tày, người Dao cũng coi nòng nọc là đặc sản.

Người Mường ở Hòa Bình gọi nòng nọc là “bu bu”, trong khi người Mường ở Thanh Hóa lại gọi là “bâu bâu”. Trong đó, huyện Thạch Thành được xem là nơi nấu món canh này có hương vị nhất. Bởi nòng nọc ở đây được sinh ra từ những con ếch đá sống trong khe suối Vó Ấm, con suối trong và sạch nhất xứ Mường.

Ông Quách Minh Thượng ở xã Thành Minh cho biết: Suối Vó Ấm chảy qua thôn Luông bắt nguồn từ rừng Cúc Phương được xem là nơi săn nòng nọc lý tưởng. Thứ nước suối trong thấy đáy này chảy ra từ núi đá vôi, mùa đông nước ấm, mùa hè nước mát. Có lẽ chính vì vậy mà nòng nọc ở đây con nào con nấy đều to như ngón tay người.

Để săn được nòng nọc, từ sáng tinh mơ hoặc chiều muộn, người dân lại hái lá khoắn và mang chiếc dậm cùng giỏ tre vào rừng bẫy. Khi chiếc dậm được thả xuống suối, người bắt sẽ đứng trên bờ khéo léo thả từng chiếc lá khoắn vào trong dậm và chờ đợi nòng nọc ra ăn mồi.

Nòng nọc thường ẩn nấp trong các kẽ đá, lúc này đánh hơi thấy mùi lá khoắn sẽ kéo nhau vào trong dậm. Sau khoảng nửa tiếng, người bắt sẽ nâng dậm lên theo hướng ngược dòng nước chảy. Cứ thế lần lượt, mỗi mẻ nòng nọc cất lên lại được đổ vào chiếc giỏ tre treo bên hông.

Bát canh của người Mường

chang ngo mon an "kinh di" nay lai la dac san o nhieu vung mien hinh anh 2

Chẳng biết từ bao giờ, người Mường đã có thói quen ăn nòng nọc. Từ đời tổ tiên, cha ông, đã ăn nòng nọc rồi.

Ngày trước ruộng nương kém thu hoạch nên người dân phải tìm thức ăn cải thiện. Nòng nọc được chế biến thành cả chục món khác nhau như xào, rán, kho, nấu canh hay làm chả...

Người Mường ăn nòng nọc từ đời này qua đời khác. Cho tới tận bây giờ, kinh tế đổi mới, làng bản cũng thay đổi khác xưa, nhưng thói quen ăn nòng nọc vẫn được duy trì. Bởi bây giờ ăn nòng nọc không phải vì đói khổ, mà ăn để nhớ hương vị xưa, nhớ một đặc sản rừng núi”.

Nòng nọc nấu măng

Bằng đôi bàn tay khéo léo, các chị các mẹ người Mường có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như nòng nọc kho, nướng sả, xào ớt... Nhưng ngon nhất vẫn là nấu canh với măng rừng.

Món này mang về dưới xuôi, cho dù đủ nguyên liệu thì cũng không sánh được hương vị. Có lẽ chính vì vậy, canh nòng nọc chỉ được nấu mỗi khi nhà có khách quý ghé thăm.

chang ngo mon an "kinh di" nay lai la dac san o nhieu vung mien hinh anh 3

Nòng nọc sau khi bắt về được rửa sạch, loại bỏ tạp chất rồi dùng mũi dao nhọn hoặc gai bưởi gẩy nhẹ vào bụng, toàn bộ phần lòng ruột của nòng nọc sẽ trôi ra ngoài. Lúc này, nòng nọc lại được đem rửa lại một lần nữa cho thật sạch, để ráo.

Măng rừng tươi được sơ chế cho bớt đắng. Hành mỡ phi thơm xào cùng măng và mẻ. Khi mùi măng thơm bốc lên, người nấu lại cho nước sôi vào nồi.

Phải là nước sôi để giữ được đúng vị măng rừng và vị ngọt của nòng nọc. Khi nồi canh đã sôi trở lại, nòng nọc được thả vào rồi lại đợi sôi thêm lần nữa. Sau đó cho thêm lá hành, răm, mùi tàu rồi bắc ra khỏi bếp.

Chỉ nhìn bát canh nòng nọc nấu măng chua khói nghi ngút, vị giác của bạn đã được thức tỉnh. Nòng nọc trắng tinh, măng rừng vàng ươm cùng rau thơm xanh kết hợp hài hòa tạo nên món “bâu bâu” độc đáo.

Gắp một miếng nòng nọc, người khách lần đầu ăn sẽ thấy rờn rợn. Nhưng khi đã vào miệng, khách sẽ thấy vị ngọt thanh. Lại nếm thêm một miếng măng rừng, nhâm nhẩm đắng mà dư vị nơi cuống họng lại ngọt. Bát canh của người khách vơi đi lúc nào không biết.

Vừa ăn canh chua nòng nọc, lại uống thêm ít rượu trắng do chính chủ nhà cất lấy, bữa cơm tối bên nếp nhà sàn sẽ là trải nghiệm khó quên.

TheoKhoa học & đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ