Năm năm trước, Michael thường vẽ bằng những phương thức thông thường với màu và dụng cụ vẽ. Thế nhưng sau một chuyến đi trên con đường tơ lụa từ châu Á đến châu Âu, anh đã phát hiện ra một cách vẽ đầy sáng tạo với chiếc kính lúp.
Vậy là anh bỏ hết đồ nghề cũ đi và bắt đầu thử nghiệm với ánh mặt trời. Cũng may là nhà anh ở thị trấn Golden, bang Colorado, nơi có đến 300 ngày tràn đầy ánh nắng. Nhờ nhiều ngày nắng ráo và anh đã có thời gian thực hành rất nhiều trong 5 năm qua.
"Khi tôi ở Trung Quốc, bạn tôi thường để kính lúp trên bàn và tôi nhớ rõ hình ảnh mặt trời xuyên qua cửa sổ, và hội tụ qua chiếc kính lúp," anh kể. "Trong khoảnh khắc đó tôi nhận ra và nghĩ mình có thể vẽ với nó."
Cầm trong tay nhiều kính lúp đủ loại kích cỡ, anh đứng cách tấm gỗ vài mét để hội tụ ánh nắng vào một điểm nhỏ. Sau đó anh di chuyển kính để đốt cháy tấm gỗ theo hình mà anh muốn tạo ra, từ tranh phong cảnh, động vật đến chân dung người, thậm chí là những cảnh tình cảm và cả biểu tượng thương hiệu. Gần như chẳng có gì là anh không thể vẽ lên chỉ cần trời nắng và kính lúp đủ chắc chắn.
"Một tác phẩm thường thường mất khoảng một giờ cho đến 30 giờ để hoàn thành tùy theo kích ở của tác phẩm và độ chi tiết," anh kể.
Khi phải làm lâu, anh sẽ đeo mặt nạ bảo hộ của thợ hàn để bảo vệ mắt.
Ngoài phương pháp khác lạ thì với anh, điều khiến vẽ tranh bằng ánh mặt trời đặc biệt hơn cả chính là quá trình vẽ cũng thú vị không kém kết quả cuối cùng.
"Tôi cũng là một nhà làm phim và tôi đang nhận ra rằng đây là một môn nghệ thuật biểu diễn. Người ta phải trực tiếp xem quá trình vẽ để thực sự cảm nhận và cảm kích nó. Khi tôi vẽ những bức tranh lớn, người ta dừng luôn lại để xem trong sự khó tin và nhìn chằm chằm vào luồng ánh sáng. Tôi phải bảo họ đừng nhìn nữa," anh kể.
Nghệ sĩ Jordan Mang-osan người Philippines cũng dùng kính lúp và ánh nắng để vẽ tranh. Phương pháp này khá giống với nghệ thuật khắc nóng vì cùng dùng nhiệt độ để vẽ. Tuy nhiên người ta dùng thanh sắt nóng thay vì ánh nắng mặt trời.