Việt Nam đã tham gia không ít cuộc thi sắc đẹp thế giới và mỗi khi có “chân dài” Việt Nam rảo bước trên sàn diễn của cuộc thi, chúng ta cũng trải qua tâm trạng từ hồi hộp, hy vọng đến... hẫng hụt.
Mặc dù đã khẽ khàng đánh dấu hai chữ Việt Nam lên bản đồ nhan sắc thế giới với những thành tích lọt vào top 11 Miss World (Lan Khuê), 15 (Nguyễn Thị Huyền), 17 (Phạm Thị Mai Phương)... nhưng để đạt được thứ hạng cao vẫn là cả một câu chuyện dài.
Trong đó, chỉ nhìn riêng về khía cạnh hình thể chúng ta cũng đang ở mức khá khiêm tốn. Điều này quan trọng với kết quả chung cuộc bởi vì theo thang điểm quốc tế, hình thể chiếm tới gần 50% tổng số điểm. Vậy có phải là con gái Việt Nam chưa đủ... đẹp ?
Và trong tương lai chúng ta có cải thiện được điều này hay không? Chúng tôi đã đem những câu hỏi đó đến một chuyên gia - tiến sĩ nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp.
Thưa Tiến sĩ, chỉ số nhân trắc học quan trọng đến đâu trong các kỳ thi hoa hậu?
- Nhân trắc học là một môn khoa học đo đạc kích thước cơ thể con người, sau đó dùng toán thống kê trong sinh học phân tích các số liệu đã đo đạc đó nhằm đưa ra các kết luận đánh giá về hình thể của con người.
Vì vậy trong các cuộc thi để đảm bảo sự công bằng cần phải có đo đạc để đảm bảo cùng một thước đo, cùng một phương pháp đo, cùng một phương pháp đánh giá, cùng một bảng phân loại để đưa ra những kết luận về hình thể của một thí sinh.
Những số liệu, những kết luận do nhân trắc học cung cấp là những con số cứng, không thể thay đổi được. Thí dụ, theo chỉ số Skelie: Chân trung bình là 86-88, Chân hơi dài: 89-91, Chân dài: 92-94, Chân rất dài: 95-97. Những kết luận này do đo chiều cao đứng, chiều cao ngồi rồi dùng chỉ số Skelie để tính ra nên phần kết luận là hoàn toàn chính xác.
Nhưng để đánh giá một cặp chân đẹp còn có những yếu tố khác nữa, như: mông phải tròn, không được chảy sệ. Do đó tuy cùng có vòng mông 90cm nhưng có người mông đẹp, có người mông xấu; chân phải thẳng: Khi đứng ép hai chân vào nhau phải có 5 điểm chạm nhau. Có người chân dài nhưng giữa hai chân hoàn toàn xa cách nhau (gọi là hở háng); bắp chân phải cao: đẹp nhất là bắp chân thuôn và cao; đầu gối phải tròn, không được lộ rõ các mấu xương.
Điều đó cho thấy, đo đạc mới chỉ là một phần trong nhân trắc học. Trong các cuộc thi, nhân trắc học phải làm hai nhiệm vụ rất rõ ràng là: Phần đo đạc cung cấp các số liệu và những kết luận chặt chẽ về mặt hình thể; Phần mô tả chỉ đưa ra những nhận xét để đánh giá đúng bản chất của cơ thể. Còn sự đánh giá tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người.
Riêng vẻ đẹp của khuôn mặt, sau nhiều nghiên cứu đo đạc các kích thước trên mặt (mắt, mũi miệng...) và dùng thuật toán thống kê trong sinh học để phân tích thì không thấy có sự tương quan của các kích thước đó với nhau. Vì vậy vẻ đẹp trên mặt hoàn toàn là vẻ đẹp cảm nhận và tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người.
Trong cuộc thi là tùy thuộc vào cảm nhận của từng thành viên trong giám khảo. Chỉ có điểm rất may là những quan điểm về vẻ đẹp trên mặt của các giám khảo cũng không khác nhau lắm. Những thí sinh có gương mặt đẹp đều được phần lớn các giám khảo công nhận.
Các cuộc thi nhan sắc của chúng ta vẫn đang được “nhân rộng”, nhưng để tìm được một người xứng tầm đi thi thế giới lại nan giải. Có nhiều ý kiến cho rằng, nhan sắc Việt đang ở “tầm thấp” so với thế giới, chỉ tính riêng trong lĩnh vực hình thể học?
- Chẳng có cơ sở nào để đánh giá nhan sắc Việt đang ở tầm thấp. Nếu chúng ta chưa giành được ngôi vị cao vì còn nhiều em đẹp chưa dự thi.
Hơn nữa, chúng ta hoàn toàn chưa có sự đầu tư lâu dài và bài bản để lựa các em đi thi thế giới mà các em đi dự thi chủ yếu là tự phát và do năng lực vốn có của các em.
Tôi đã tham gia chấm nhiều cuộc thi, được đo và ngắm nhiều em rất cân đối về hình thể, gương mặt xinh xắn. Theo quan điểm của tôi, không phải vì mình chưa có hoa hậu thế giới là người Việt Nam mà tự ti là phụ nữ mình không đẹp.
Trong khi đó, Việt Nam đã có nam vương của thế giới là Ngô Tiến Đoàn (Đoàn tham dự 2 cuộc thi thế giới, đạt giải Người có hình thể đẹp nhất ở một cuộc và cuộc kia đoạt giải nam vương). Vậy nhưng với kết quả đó, chúng ta đã có thể tự hào là nam thanh niên Việt Nam rất đẹp và đã ở “tầm cao” của thế giới chưa?
Phụ nữ Việt Nam thường đạt hoặc không đạt những chỉ số nhân trắc nào? Trong so sánh với quốc tế, thì những điều đó có lợi/ bất lợi ở những điểm nào?
- Phụ nữ nói riêng hay thanh niên Việt Nam nói chung về nhân trắc học theo phân loại của thế giới có 2 đặc điểm không có lợi lắm về chiều cao và chỉ số chân dài, như đã phân tích ở trên.
Nói như vậy không có nghĩa là không tìm được người chân dài và cao ở Việt Nam vì đội ngũ người đẹp và người mẫu của chúng ta đều cao trên 1m7 và chỉ số chân đều đạt từ dài đến rất dài (chỉ số Skelie đều 90 trở lên).
Để cải thiện các chỉ số hình thể, không thể chỉ là câu chuyện của dinh dưỡng. Theo bà, những việc cần làm ngay là gì?
- Các nhà khoa học của chúng ta cũng đã rất hiểu đặc điểm của người Việt Nam, cũng đã có rất nhiều chủ trương chính sách, nhiều hội thảo... nhằm cải tạo và nâng cao thể chất của người Việt Nam. Nhưng phải hiểu đây là câu chuyện lâu dài của nhiều thế hệ.
Những việc trong khả năng của từng cá nhân có thể làm là: người mẹ ngay từ khi mang thai phải có ý thức ăn uống cho đủ chất; trẻ em cần được quan tâm ăn uống đủ chất, trong đó có canxi và nhất là về giấc ngủ sâu - quan trọng bậc nhất trong việc phát triển chiều cao; muốn tránh chân cong hay hở háng, khi trẻ còn bé không được bế cắp nách hoặc địu sau lưng...
Là người “cầm cân nảy mực” trong nhiều cuộc thi nhan sắc, bà có thể chia sẻ với bạn đọc báo Sức khỏe &Đời sống quan điểm về cái đẹp của riêng mình? Hẳn là bà cũng từng gặp khó khăn khi phải tranh đấu giữa cảm tình cá nhân và những con số nhân trắc học lạnh lùng?
- Có lẽ, quan điểm của tôi về cái đẹp cũng không khác gì mọi người, rất đơn giản: Nhìn thấy đẹp là đẹp.
Trong cuộc sống thường ngày cũng như trong các cuộc thi, có nhiều em đẹp. Rất nhiều em tôi thích, không nhất thiết phải cao, không nhất thiết phải chân dài, thậm chí có thể hơi đậm đà, mà tôi vẫn rất thích, vẫn thấy ngưỡng mộ. Chỉ đáng tiếc sở thích của cá nhân mãi mãi chỉ là của cá nhân, còn trong cuộc thi vẫn luôn luôn phải là nguyên tắc.
Xin cảm ơn bà!