Chấn thương thể thao: Không chữa kịp thời sẽ gây nhiều hệ lụy

GD&TĐ - Theo PGS.TS. Đào Xuân Thành, chấn thương do thể thao  mang tính cấp tính, không được chẩn đoán và điều trị kịp thời tổn thương sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi. 

Chấn thương thể thao không chữa sẽ nhiều hệ lụy (BVCC).
Chấn thương thể thao không chữa sẽ nhiều hệ lụy (BVCC).

PGS.TS Đào Xuân Thành - Phó trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình & Cột sống - BV Bạch Mai cho biết: Những năm gần đây, Khoa Chấn thương chỉnh hình & Cột sống khám và điều trị cho khá nhiều trường hợp chấn thương khớp gối do chơi thể thao.

Đặc biệt với những vận động viên nghiệp dư do không được học, huấn luyện các bài tập, hoặc các động tác tránh hoặc giảm thiểu thương tổn trong chấn thương thể thao nên thường dẫn đến các tổn thương.

Các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất là: Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, thậm chí là chạy bộ…. Rất nhiều trường hợp đến muộn do chủ quan, hoặc tự điều trị, đến khi đau quá, khó chịu, hạn chế vận động, thậm chí bị có biến chứng mới đến bệnh viện. Khi đó hiệu quả điều trị sẽ thấp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống sau này.

Trường hợp người bệnh N.Q.K, 38 tuổi (ở Hà Nội) bị chấn thương gối sau khi chơi bóng đá, nhưng gần một năm sau mới đi khám. Bệnh nhân N.Q.K đã được thăm khám bởi bác sĩ Cucurulo Thomas đến từ bệnh viện Saint-Joseph, Cộng hòa Pháp - chuyên gia hàng đầu trong phẫu thuật nội soi dây chằng khớp gối và y học thể thao đang có chương trình làm việc và trao đổi chuyên môn cùng với các bác sĩ của Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống.

Các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình&Cột sống cùng bác sĩ Cucurulo Thomas đã phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối bằng vật liệu nhân tạo phối hợp với mảnh ghép gân tự thân để tạo độ vững chắc tối đa, giúp bệnh nhân có thể sớm phục hồi và quay lại chơi thể thao như mong muốn của người bệnh.

Bệnh nhân T.Q. Đ (16 tuổi) bị một chấn thương khớp gối do tai nạn giao thông. Tổn thương của bệnh nhân T.Q.Đ khá nặng, bao gồm tổn thương đa dây chằng khớp gối.

Thông thường các tổn thương này phải dùng nhiều gân tự thân hoặc gân đồng loại để thay thế. Bệnh nhân T.Q.Đ cũng đã được bác sĩ Cucurulo Thomas cùng ê kíp các thầy thuốc của Khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống phẫu thuật tái tạo lại các dây chằng khớp gối bằng cả vật liệu nhân tạo, gân tự thân và gân đồng loại.

Theo PGS.TS. Đào Xuân Thành, chấn thương do thể thaomang tính cấp tính, không được chẩn đoán và điều trị kịp thời tổn thương sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy cho người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến chức năng vận động, sinh hoạt và lao động của người bệnh.

Để bảo vệ khớp của mình, những vận động viên nghiệp dư cũng nên qua các lớp đào tạo cơ bản hoặc ít nhất cũng phải tìm hiểu và có kiến thức về môn thể thao mình chơi, các bài tập khởi động cần thiết, tránh những va chạm có thể gây tổn thương khớp gối và các cơ quan khác trên cơ thể như khớp cổ chân, khớp vai…

Bác sĩ Thành cũng nhấn mạnh, khi người bệnh có những dấu hiệu chấn thương thể thao như: Đau, mất vững khớp khi vận động, hạn chế hoạt động thể thao và sinh hoạt cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Đặc biệt, không nên chủ quan tự ý đi mua thuốc về dùng, không dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp, hoặc xoa bóp…do có thể dẫn đến các biến chứng trầm trọng khác như viêm khớp, áp xe…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ