Chân dung vị Kinh lược sứ Bắc Kỳ gây nhiều tranh cãi trong lịch sử

Chân dung vị Kinh lược sứ Bắc Kỳ gây nhiều tranh cãi trong lịch sử

Kỳ 1: Hoàng Cao Khải là ai?

Đó là câu hỏi đầu tiên mà các nhà nghiên cứu sử học đặt ra để có cái nhìn rõ nhất, toàn diện nhất về nhân vật Hoàng Cao Khải. Cũng bởi những tranh cãi khen – chê khác nhau đã khiến nhiều người thời nay không rõ Hoàng Cao Khải là ai và là người như thế nào.

Ở Hà Nội, có lẽ nhiều người biết đến cái tên Hoàng Cao Khải. Nhưng, sự biết ấy cũng chỉ là biết về một di tích lịch sử là “Ấp Hoàng Cao Khải”, hiện ở phường Trung Liệt (Đống Đa – Hà Nội) mà như Bộ Văn hóa năm 1962 đã đánh giá: “Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một Phó Vương”.

Nhà nho hay kẻ ăn chơi?

Các nhà nghiên cứu sử học nhận định, ở làng Đông Thái, huyện La Sơn, nay thuộc xã Tùng Ảnh (Đức Thọ - Hà Tĩnh) có hai nhân vật cùng thời, cùng nổi tiếng. Người thứ nhất là Phan Đình Phùng đỗ Đình nguyên tiến sĩ năm1877, làm Ngự sử ở Viện Đô sát.

Chân dung vị Kinh lược sứ Bắc Kỳ gây nhiều tranh cãi trong lịch sử ảnh 1
Chân dung Kinh lược sứ Bắc Kỳ - Hoàng Cao Khải. Ảnh chụp lại

Sau khi thực dân Pháp chiếm kinh thành Huế năm 1885, ông dựng cờ khởi nghĩa ở Hương Khê (Hà Tĩnh). 

Vua Hàm Nghi cử ông làm Hiệp thống quân vụ, chỉ huy nghĩa quân ba tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình. 

Được nhân dân ủng hộ, nghĩa quân lập nhiều chiến công. Thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn, từ lấy tiền tài chức tước mua chuộc đến đào mồ mả tổ tiên, bắt giam người thân của ông, nhưng tất cả đều không thể khuất phục nhà yêu nước họ Phan. 

Ông bị thương trong một trận đánh và sau đó qua đời khi mới 48 tuổi.

Người thứ hai cũng nổi tiếng, nhưng theo chiều ngược lại: Hoàng Cao Khải. Sau khi đậu kỳ thi Hương năm 1868, ở nhà nhàn cư vô sự, cờ bạc chơi bời, đến đổi bán hết gia viên điền sản, chỉ còn một nước tự tử đến nơi, họ Hoàng bỏ nhà đi ra Bắc Hà. 

Với bằng cử nhân, Khải được bổ làm Huấn đạo huyện Thọ Xương rồi giáo thụ phủ Hoài Đức.

GS Hoàng Xuân Hãn từng nhận định: “…sau khi đỗ cử nhân lúc còn rất trẻ, Hoàng Cao Khải chắc muốn đậu đại khoa như nhiều ông cử trong tổng, trong làng. Nhưng vì lẽ gia tư eo hẹp, thua bạc, ông ra làm quan sớm”.

Theo các nhà nghiên cứu, nhân vật Hoàng Cao Khải luôn là đề tài gây ra những tranh cãi gay gắt. Người thì cho rằng, ông là nhà Nho yêu nước, người lại bảo chỉ là kẻ cờ bạc chơi bời, gặp thời mà phất lên. 

“Ban đầu làm Huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm giáo thụ phủ Hoài Đức rồi Tri phủ Thọ Xương. Giữa nơi văn vật Hà Nội, Hoàng Cao Khải được nhiều quan to biết tới, trong đó có Nguyễn Hữu Độ, Tổng đốc Hà Ninh (thay Hoàng Diệu sau khi ông tự vẫn) là một nhân vật trong phe chủ hòa với Pháp”, PGS.TS Chương Thâu, Viện Sử học cho biết.

Cũng theo PGS Chương Thâu, con đường hoạn lộ của Hoàng Cao Khải, kể từ sau khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, là quá trình hợp tác đắc lực với Pháp. 

Năm 1884, Pháp đánh Lạng Sơn, Hoàng Cao Khải lúc bấy giờ lĩnh chức Án sát Lạng Sơn, tích cực bắt phu phen, sung võ bị. Khi Nguyễn Văn Thận bị Pháp xử tử, Khải lĩnh chức quyền Tuần phủ Hưng Yên đã quản lý mọi việc trị an rất vừa ý nhà binh Pháp. 

Lúc làm Tổng đốc Hà Đông, Khải giúp Thống sứ Bắc Kỳ soạn nghị định về tổ chức bộ máy cấp xã Bắc Kỳ.

Di tích Hoàng Cao Khải tại phường Trung Liệt (Đống Đa – Hà Nội).
Di tích Hoàng Cao Khải tại phường Trung Liệt (Đống Đa – Hà Nội).
Hình ảnh rồng ở di tích Hoàng Cao Khải cũng tượng trưng cho hình ảnh “Phó Vương”.
Hình ảnh rồng ở di tích Hoàng Cao Khải cũng tượng trưng cho hình ảnh “Phó Vương”.

Lần giở chuyện xưa

Với vị trí và quyền lực có trong tay, trong khi các phong trào chống Pháp nổi dậy thì Hoàng Cao Khải lại hợp tác với Pháp để đàn áp các phong trào nghĩa quân chống Pháp. Nổi tiếng nhất, có lẽ là cuộc đàn áp khởi nghĩa Bãi Sậy.

Chân dung vị Kinh lược sứ Bắc Kỳ gây nhiều tranh cãi trong lịch sử ảnh 4
Hoàng Cao Khải còn được đánh giá là một nhà văn, nhà sử học khi để lại một số tác phẩm khá nổi tiếng.

Căn cứ vào những tài liệu còn lại, các nhà nghiên cứu tìm thấy ghi chép của nhà sử học Pháp Philippe Devillers, có đoạn chép rằng: Thi hành chủ trương của Pháp, Hoàng Cao Khải thành lập một lực lượng 400 lính tình nguyện lấy trong số những lính khố đỏ cũ và 500 vệ binh dân sự do các công sứ cung cấp. 

Lực lượng này đi ngang dọc khắp nơi ở Bãi Sậy, có khi đụng độ với những nhóm kháng chiến chính yếu, nhưng thường là hành động theo chiều sâu, trên cơ sở những tin tức tình báo, do đó bắt được nhiều người và thường là hành quyết ngay.

Những hành động đi ngược lại lợi ích dân tộc đã khiến người cùng thời bất bình. Hoàng Cao Khải và Nguyễn Thân là một cặp bài trùng đặc biệt: Cả hai đều ra làm tay sai cho xâm lược Pháp khá sớm, cùng được cử làm Tiễu phủ sứ (Khải ở Bắc Kỳ, Thân ở Trung Kỳ), cùng về Huế làm phụ chính đại thần, cố vấn cho vua, thượng thư (Khải giữ Bộ Binh, Thân giữ Bộ Lại), cùng nổi tiếng tàn bạo... và cùng về hưu năm 1903. Vì vậy, người cùng thời thường có nhận định chung về cả hai ông một cách rất khách quan nhưng không khỏi cay nghiệt.

Một trong những câu ca dao, câu vè mà hiện nay, một số cụ già ở gần di tích “Ấp Thái Hà” phường Trung Liệt còn thuộc, đó là: “Hỏi ai bán nước buôn dân/Ấy Hoàng Cao Khải – Nguyễn Thân một phường”. Hay bài vè quan Đình: “Hoàng Cao nhục nhã đã xong/Nguyễn Thân đâu cũng vào vòng khuyển nô/Lại cùng Tây tặc mưu mô/Người Nam lại phá cơ đồ người Nam”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong một bài báo viết năm 1913, Phó bảng Phan Châu Trinh nhận xét: “Phàm người Việt mà đi làm tôi tớ cho người Pháp đều là bọn tham bỉ mất lương tâm, quỳ lạy giống khác, xẻo thịt đồng bào, không bằng cầm thú. Hai người ấy (Khải và Thân) đành bỏ tất cả liêm sỉ danh tiết một người đời, đem hết tâm huyết tài lực giết hại đồng bào để cầu được công với người Pháp, chẳng qua là chỉ thèm thuồng ba chữ “có quyền thế” đó thôi...”.

Năm 1913, từ Quảng Đông, Phan Bội Châu cử một số hội viên “Việt Nam Quang phục hội” về nước tìm cách tiêu diệt một số quan chức thực dân chóp bu và Việt gian đầu sỏ. Theo Giáo sư Sử học người Mỹ David Marr viết trong một cuốn sách xuất bản tại Mỹ có nói, trong số đó có Hoàng Cao Khải.

Ngay khi Hoàng Cao Khải còn sống, con cháu ông đang làm quan lớn, nắm nhiều quyền lực trong tay nhưng người cùng thời vẫn không ngại đả kích. 

Chẳng hạn, khi ông mở tiệc mừng thọ, có người làm thơ đăng báo, trong đó có hai câu: Con cái một nhà hai tổng đốc/Pháp Nam hai nước một công thần.

Một lần khác, có người vịnh ấp Thái Hà của vị Kinh lược sứ Bắc Kỳ như sau: Thái ấp mây mờ, cỏ lẫn rêu/Pháp Nam trung tín cả hai triều. Ngoài ra, còn rất nhiều giai thoại kể chuyện nhà thơ Nguyễn Khuyến và Tản Đà viết thơ, làm câu đối châm biếm Hoàng Cao Khải.

“Con đường hoạn lộ của Hoàng Cao Khải gắn chặt với quá trình áp đặt sự cai trị của thực dân Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Thời thế đã tạo ra một công thần kiểu “Nam - Pháp” như Hoàng Cao Khải; nhưng chính Hoàng Cao Khải cũng không quên hành động tạo thời thế. Có điều - con người hành động - của Hoàng Cao Khải hoàn toàn đối lập với lợi ích dân tộc” - PGS.TS Chương Thâu, Viện Sử học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ