Chân dung 'bà trùm' than lậu ở Thái Nguyên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc Cty CP Yên Phước) bị truy tố các tội danh vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, mua bán trái phép vật liệu nổ.

Một góc mỏ than Minh Tiến.
Một góc mỏ than Minh Tiến.

Bị can Linh được xác định là chủ mưu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

“Sang tay” quyền khai thác than

Ngoài Châu Thị Mỹ Linh, 32 bị can khác cũng bị truy tố trong vụ án với nhiều tội danh khác nhau.

Trong đó, cặp song sinh Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang (từng được biết đến là những đại gia lan đột biến, sở hữu những căn biệt thự hoành tráng và bộ sưu tập xe siêu sang) cùng bị truy tố về 2 tội danh vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và mua bán trái phép hóa đơn.

Theo cáo trạng, Công ty Yên Phước có số vốn điều lệ 100 tỉ đồng, người đại diện pháp luật là Châu Thị Mỹ Linh được Sở KH&ĐT tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh năm 2012.

Trong khi đó, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương (Công ty Đông Bắc Hải Dương, do Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang góp vốn) được Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu năm 2017; đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 11/11/2019, vốn điều lệ 20 tỉ đồng. Người đại diện theo pháp luật của công ty này là Hà Anh Tuấn (Giám đốc từ 6/2017 đến 8/2019) và Bùi Mạnh Cường (Giám đốc từ tháng 8/2019).

Năm 2014, Công ty Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến (thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) với thời hạn khai thác đến năm 2031 và tổng trữ lượng được phép là hơn 136.000 tấn.

Từ tháng 6/2018, công ty này bắt đầu khai thác than lộ thiên tại khu B, mỏ than Minh Tiến.

Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau đó, tháng 3/2019, Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương đã có những thỏa thuận “ngầm” trong việc khai thác than tại mỏ Minh Tiến.

Công ty Đông Bắc Hải Dương sẽ mua toàn bộ số than Công ty Yên Phước đã khai thác còn tồn ở mỏ với giá 9,95 tỉ đồng; mua toàn bộ máy móc, thiết bị khai thác, vận chuyển than hiện có của Công ty Yên Phước với giá 15 tỉ đồng.

Đổi lại, Công ty Đông Bắc Hải Dương sẽ thay thế Công ty Yên Phước để trực tiếp khai thác than tại mỏ với công suất tối thiểu 400.000 tấn than/năm (gấp 47,05 lần trữ lượng được cấp phép).

Với việc “sang nhượng” quyền khai thác, Công ty Yên Phước sẽ được “lại quả” số tiền 150.000/tấn than, 90.000 đồng/tấn bã sàng, 50.000 đồng/m3 đá đen.

Thực hiện thỏa thuận, Châu Thị Mỹ Linh chỉ đạo thuộc cấp theo dõi số lượng than cũng như số tiền Công ty Đông Bắc Hải Dương phải thanh toán đồng thời lập hồ sơ, chứng từ hợp thức việc nộp thuế, phí khai thác tài nguyên để che giấu việc khai thác vượt trữ lượng được cấp phép.

Từ 3/2019 đến 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã khai thác tại mỏ than Minh Tiến hơn 1,1 triệu tấn than, hơn 330.000m3 bã sàng và hơn 89.000m3 đá đen, tổng giá trị đã thanh toán cho phía bị can Mỹ Linh lên tới hơn 145 tỉ đồng (chưa gồm hơn 1,5 triệu tấn than nguyên khai đã khai thác trái phép, chưa tiêu thụ và bị phát hiện, thu giữ tại mỏ).

Để tiêu thụ số than khai thác trái phép này, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã hợp thức hóa đầu vào bằng cách mua hóa đơn VAT của các doanh nghiệp tại Nam Định và Hải Phòng.

Kết quả điều tra xác định Công ty Đông Bắc Hải Dương đã thu lời bất chính hơn 213 tỉ đồng từ việc khai thác than lậu trên.

Bà trùm Châu Thị Mỹ Linh và 2 anh em đại gia đất mỏ Giang - Thanh. (Ảnh: Bộ Công an)

Bà trùm Châu Thị Mỹ Linh và 2 anh em đại gia đất mỏ Giang - Thanh. (Ảnh: Bộ Công an)

Loạt cựu lãnh đạo Thái Nguyên “tay đen” vì than

Bị truy tố liên quan đến vụ án còn có nhiều bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên.

Bị can Nguyễn Ngô Quyết (cựu Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên); Nguyễn Văn Phong và Đỗ Huy Cương (cùng là cựu Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương tỉnh) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ.

Các bị can Nguyễn Thanh Tuấn (cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên); Nguyễn Thế Giang (cựu Phó Giám đốc Sở TN&MT); Lại Trung Hiếu (Phó Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT); Cao Sỹ Linh (chuyên viên Phòng Khoáng sản) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, để xảy ra việc khai thác trái phép than gây thất thoát về tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước có trách nhiệm của các cá nhân tại Sở TN&MT Thái Nguyên khi thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra khai thác khoáng sản; Sở Công Thương Thái Nguyên khi thẩm định, cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho Công ty Yên Phước.

Bị can Nguyễn Thế Giang được xác định là người trực tiếp phụ trách công tác quản lý về khoáng sản và môi trường; trưởng đoàn phụ trách kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về môi trường và khoáng sản tại Công ty Yên Phước nhưng đã không trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra.

Bị can này đã ký văn bản gửi Công ty Yên Phước chỉ ghi nội dung kiểm tra chấp hành pháp luật về môi trường, không ghi nội dung kiểm tra về khoáng sản.

Bị can Giang cũng bị cáo buộc đã không chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên đoàn theo quy định.

Quá trình kiểm tra, Giang chỉ căn cứ vào báo cáo của Công ty Yên Phước xác định công ty khai thác 5.000 tấn than để đưa vào kết luận kiểm tra.

Một số bị cáo liên quan vụ án.

Một số bị cáo liên quan vụ án.

Bị can Cao Sỹ Linh với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong quá trình kiểm tra đã không yêu cầu Công ty Yên Phước xuất trình sổ sách, chứng từ tài liệu ghi chép, cập nhật sản lượng khoáng sản khai thác trên thực tế để có cơ sở đối chiếu với số liệu đã báo cáo.

Bị can này cũng không đề xuất đo đạc, kiểm tra theo quy trình để xác định sản lượng than khai thác thực tế nên không phát hiện được hành vi khai thác than vượt quá số lượng theo giấy phép của Công ty Yên Phước.

Viện KSND tối cao cáo buộc Cao Sỹ Linh đã phát hiện một số sai phạm liên quan đến lĩnh vực khoáng sản xảy ra tại mỏ than Minh Tiến nhưng chỉ đề xuất đưa vào kết luận kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Trong khi đó, bị can Lại Trung Hiếu với chức vụ được giao là Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT có nhiệm vụ thanh tra việc quản lý tài nguyên; đất đai; công tác môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản trong thời gian từ 1/1/2019 đến thời điểm thanh tra.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can này phát hiện một số vi phạm của Công ty Yên Phước, nhưng không báo cáo đề xuất cho kiểm tra, đo đạc để xác định khối lượng than thực tế đã khai thác trái phép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.