Chấm thi với lương tâm và trách nhiệm

GD&TĐ - Công tác chấm thi THPT quốc gia năm nay được dư luận quan tâm đặc biệt, bởi những sai phạm khiến ngành Giáo dục nổi sóng năm 2018 có căn nguyên từ chính công đoạn này.

Cán bộ chấm thi môn Ngữ văn tại Hà Giang. Ảnh: Sỹ Điền
Cán bộ chấm thi môn Ngữ văn tại Hà Giang. Ảnh: Sỹ Điền

Ba ngày thi THPT quốc gia 2019 đã kết thúc yên ả. Với những nỗ lực của ngành Giáo dục và toàn xã hội, thí sinh năm nay vượt qua kỳ thi nhẹ nhàng. Rất nhiều câu chuyện đẹp được dệt nên bởi tình người trong mấy ngày thi ngắn ngủi. Thế nhưng, để có được điều đó, cơ quan quản lý, các thầy cô đã gánh phần vất vả về mình với những công việc âm thầm và đầy áp lực.

Câu chuyện của một cán bộ trường đại học: Không ít thầy cô vừa ra khỏi khu vực in sao đề sau cả chục ngày cách ly với xã hội, chưa kịp về nhà với vợ con đã vội vã lên đường làm công tác chấm thi trắc nghiệm. Một câu chuyện nhỏ, để thấy nỗ lực, mong muốn và cả sự hy sinh của những người tham gia tổ chức thi, để có được một kỳ thi đúng là công bằng, nghiêm túc, khách quan.

Bắt đầu từ quy định khung, chỉ riêng việc chấm thi, từ bài học của năm 2018, Bộ GD&ĐT đã có nhiều điều chỉnh về mặt kĩ thuật. Theo đó, Bộ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật; có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng; đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi;

Tăng cường chỉ đạo các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ thực hiện nghiêm túc công tác lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện các khâu của kỳ thi, trong đó có chấm thi theo đúng quy định của quy chế; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; trong đó việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) tiếp tục do sở GD&ĐT chủ trì như năm 2018, nhưng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, thẩm định của Bộ GD&ĐT và của các trường ĐH, CĐ… Không chỉ chấm thẩm định 5% số bài thi, năm nay các bài được điểm cao cũng sẽ được chọn để chấm kiểm tra.

Nhân sự làm công tác chấm thi, cán bộ chấm thi được lựa chọn hết sức cẩn trọng. Không chỉ quan tâm yếu tố kinh nghiệm, năng lực, có tỉnh kiên quyết không chọn cán bộ chấm trắc nghiệm là người địa phương; giáo viên không chấm bài học sinh khu vực mình…

Cùng hàng rào kĩ thuật, thanh tra chấm thi năm nay được tăng cường hơn. Bộ GD&ĐT đã tổ chức đoàn thanh tra đến tất cả 63 Hội đồng thi, trực tiếp thanh tra hoạt động chấm thi; chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ động thanh tra theo thẩm quyền. Bộ GD&ĐT cũng đồng thời tổ chức giám sát đoàn thanh tra để tăng cường hơn nữa cho công tác này...

Mặc dù rất nhiều các giải pháp kỹ thuật đã đưa ra, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Điều này được đại diện Bộ GD&ĐT nhắc lại rất nhiều lần cả trước, trong và sau kỳ thi. Những người cố tình làm sai, vì quan hệ, tiền bạc mà làm sai lệch, thay đổi kết quả thi đã bị xử lý thích đáng theo đúng quy định của pháp luật; đó là bài học hết sức đắt giá cho người làm thi năm nay, đặc biệt là công tác chấm thi.

Gần 900 nghìn thí sinh, nhân lên theo số các môn thi, lượng bài thi trên cả nước lên tới con số trên 5 triệu. Với số lượng khổng lồ đó, để có kết quả chấm thi chính xác cần không chỉ sự chuẩn bị vô cùng tỉ mỉ, kĩ càng mà quan trọng hơn, chính là lương tâm và trách nhiệm; vì cả một thế hệ học sinh và vì niềm tin của xã hội, của nhân dân với toàn ngành Giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.