Chăm sóc trẻ sơ sinh: Yêu cầu thiết yếu đôi khi vẫn bị lãng quên

GD&TĐ - Chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu phổ biến ở các nước từ lâu và cũng được ngành y tế quy định cụ thể. Cho trẻ da kề da, bú mẹ sớm và cắt dây rốn chậm sau sinh là tổ hợp các can thiệp của người lớn, tuy đơn giản nhưng đem lại cơ hội sống cho nhiều trẻ. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn nhân viên y tế, bệnh viện chưa coi trọng việc làm này.

Nữ hộ sinh hướng dẫn cách mẹ cho con bú những giọt sữa đầu tiên
Nữ hộ sinh hướng dẫn cách mẹ cho con bú những giọt sữa đầu tiên

Chưa nhất quán với quy định

Nhờ phương tiện truyền thông nên ngày càng nhiều bà mẹ tiếp cận với thông tin y tế hữu ích. Điều này đặc biệt quan trọng với những người chuẩn bị làm mẹ. Hàng “núi” thông tin được tham khảo, trong đó nhiều bí kíp được bà bầu thuộc lòng. Nhưng trên thực tễ, giữa lý thuyết và thực hành có khoảng cách nhất định, từ nhiều phía.

Điển hình nhất cho thấy khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành là việc chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu. Theo quy định của Bộ Y tế, quy trình trên được thực hiện ở các cơ sở y tế với trẻ sinh thường từ năm 2014 và áp dụng với trẻ sinh mổ từ năm 2016.

Nhưng đến nay, không phải bà mẹ, em bé nào cũng được thực hiện quy trình trên. Nguyên nhân có nhiều, trong đó phải kể đến sự tuân thủ quy định của bệnh viện, sự tin tưởng vào phương pháp của nhân viên y tế và đôi khi là sự nhiệt tình hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất để bà mẹ có thể thực hiện việc chăm sóc con ngay từ khi vừa chào đời.

Kết quả khảo sát trong quá trình thực hiện nghiên cứu triển khai, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) Đinh Anh Tuấn nhận thấy vẫn còn nhiều bệnh viện chưa áp dụng quy trình trên với ca sinh mổ. Tại Bệnh viện Sản nhi Hưng Yên, do chưa tin tưởng lợi ích của việc chăm sóc sơ sinh thiết yếu mang lại cũng như những khó khăn về cơ sở vật chất nên việc áp dụng với trẻ sinh mổ chưa nhiều.

Lãnh đạo bệnh viện không mặn mà dẫn đến không có quy định cụ thể trong việc thực hiện quy trình chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu, nhân viên y tế không được cung cấp kiến thức và hướng dẫn cách thực hành. Sự phối hợp giữa khoa sản, sơ sinh và phòng mổ có độ vênh nhất định… khiến nhiều trẻ sau sinh bị cách ly với mẹ, phải bú sữa ngoài. Còn tại Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), theo khảo sát của ThS Lê Thị Quỳnh Nhi (ĐH Y dược TP HCM), số trẻ sinh mổ được da kề da tương đối cao (63%) nhưng mới chỉ có 8% trẻ được bú mẹ trong giờ đầu sau sinh.

Hiểu để làm thực hành đúng

Trong số các can thiệp sớm cho trẻ sơ sinh, việc trẻ được bú mẹ có lẽ quan trọng nhất. Bởi, việc ủ ấm trẻ có thể nhờ phương tiện hỗ trợ nhưng những giọt sữa đầu tiên, ngọt ngào và chứa nhiều dưỡng chất cho sự phát triển, sống còn của trẻ, chỉ có mẹ mới có.

Sữa mẹ được các bác sĩ ví như vắc xin đầu đời người mẹ truyền cho con. Các nghiên cứu đều chỉ ra, với trẻ mới sinh, mỗi phút được bú mẹ sớm đều quý giá. Nói vậy để thấy, với việc nuôi con bằng sữa mẹ, thời điểm quyết định tất cả. Trẻ được bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh có nhiều cơ hội được sống hơn. Những trẻ phải bắt đầu bú mẹ từ 2 - 23 giờ sau khi sinh có nguy cơ tử vong cao hơn 33% so với những trẻ bắt đầu bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh. Với những trẻ sơ sinh bắt đầu bú sữa mẹ 24 giờ sau khi sinh hoặc lâu hơn nữa thì nguy cơ cao gấp 2 lần.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, toàn cầu hiện có 78 triệu trẻ không được bú sữa mẹ trong giờ đầu sau sinh. Hầu hết những trẻ này được sinh ra ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Bà

Henrietta H. Fore, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cho rằng: Hàng triệu trẻ nhỏ bị lỡ mất những lợi ích của việc cho con bú sớm vì những lý do có thể thay đổi được. Chỉ đơn giản là do các bà mẹ không được hỗ trợ đầy đủ để cho con bú ngay từ những phút quan trọng sau khi sinh, thậm chí là sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế tại cơ sở y tế.

Nói vậy để thấy, hiểu tầm quan trọng của chăm sóc sơ sinh thiết yếu đã khó, thực hành còn khó hơn nhiều. Việt Nam đã cải thiện tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong một giờ đầu sau sinh, từ 27% năm 2013 lên 73% năm 2017. Để ngày càng có nhiều trẻ hưởng trọn nguồn vắc xin đầu đời từ khi lọt lòng rất cần những hành động mạnh mẽ hơn nữa của nhà hoạch định chính sách, nhân viên y tế, cha mẹ và cả người chăm sóc trẻ.

Cứ 5 trẻ mới sinh thì có 3 trẻ không được bú sữa mẹ ngay từ giờ đầu tiên sau khi sinh; Tỷ lệ cho con bú trong vòng một giờ sau sinh cao nhất ở Đông và Nam Phi (65%) và thấp nhất ở Đông Á và Thái Bình Dương (32%).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ