Chăm sóc sức khỏe tâm lý sinh viên, giảng viên giúp giảm thiểu áp lực vô hình

GD&TĐ - Chăm sóc sức khỏe tâm lý, tinh thần cho sinh viên, giảng viên được xem là hoạt động quan trọng.

Một giáo viên đang tham vấn tâm lý tại một đơn vị tư vấn.
Một giáo viên đang tham vấn tâm lý tại một đơn vị tư vấn.

Chăm sóc sức khỏe tâm lý, tinh thần giúp kiểm soát và giảm thiểu triệu chứng stress, trầm cảm trong quá trình học tập, giảng dạy.

Tỷ lệ trầm cảm, stress gia tăng nhanh

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sức khỏe tâm thần được xem là một bộ phận không thể tách rời trong định nghĩa về sức khỏe, là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân. Tuy vậy, tại Việt Nam phần lớn phụ huynh chỉ quan tâm kết quả học tập, nhắc nhở con mình về điểm số, mà ít quan tâm vấn đề tâm lý.

Bà Lesley Miller - Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam - cho biết, các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý đang phổ biến và ngày càng gia tăng ở thanh, thiếu niên. Con số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy có từ 8 - 29% trẻ vị thành niên gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung.

Còn theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, có một khoảng trống đáng lo ngại cần đặc biệt quan tâm là sức khỏe tâm thần của sinh viên, giảng viên, giáo viên. Thực tế, số lượng người trẻ và người trong ngành Giáo dục như cán bộ quản lý, giáo viên đối diện với tổn thương tâm lý, tinh thần rất nhiều.

“Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 25% dân số rơi vào tình trạng stress và có phổ biến cao trong nhóm sinh viên. Báo cáo của UNICEF cũng cho biết có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên tại Việt Nam gặp phải các vấn đề về tâm lý, tinh thần nhưng sự can thiệp của y tế cũng như các hỗ trợ cần thiết chỉ tiếp cận được khoảng 20% trong tổng số.

Một khảo sát được thực hiện trên địa bàn TPHCM cũng cho thấy, 6% dân số bị mắc chứng trầm cảm và có xu hướng trẻ hóa với sự gia tăng số người mắc trong độ tuổi từ 15 - 27 tuổi. Đây rõ ràng là vấn đề chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận”, TS Hòa An nói.

Để giảm thiểu những áp lực vô hình về tâm lý, tổn thương về tâm, sinh lý, tinh thần cho sinh viên, đội ngũ giảng viên, nhiều trường đại học đã chủ động thành lập Phòng chăm sóc và hỗ trợ người học (UEH), Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM), hay Phòng tham vấn tâm lý và trị liệu tâm lý (Trường ĐH Văn Hiến)…

Nhìn nhận nhu cầu thăm khám và tham vấn tâm lý trong sinh viên, giảng viên ngày một nhiều, TS Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM - cho biết, việc sớm kết nối, hỗ trợ và thăm khám, thậm chí là trị liệu tâm lý, sức khỏe tâm thần sẽ giúp cắt đứt, chặn đứng những tư tưởng tiêu cực, đảm bảo và ổn định sức khỏe tâm lý rất nhiều cho sinh viên, giảng viên.

“Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM luôn chú trọng đến các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần để phục vụ cho sinh viên và cộng đồng. Hiện, nhà trường có Khoa Tâm lý học, Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Phòng tham vấn và trị liệu tâm lý và đội ngũ chuyên gia tâm lý có chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm.

Việc ra mắt hai đơn vị này sẽ giúp nhà trường hoàn thiện hơn hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên của nhà trường nói riêng, sinh viên của ĐHQG TPHCM nói chung, để cùng nhau lan tỏa những năng lượng tích cực đến cộng đồng. Việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho hơn 37.000 sinh viên tại ký túc xá ĐHQG TPHCM không chỉ là sứ mệnh, mà còn là trách nhiệm của chương trình. Thời gian qua, nhiều sinh viên, giảng viên được chia sẻ, tham vấn và từng bước tháo gỡ những uẩn ức trong tâm lý và tinh thần, từ đó thêm yêu công việc, cuộc sống và cộng đồng”, TS Công chia sẻ.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Chất lượng tham vấn chưa cao

Sinh viên khi phải xa nhà, rời khỏi vòng tay của cha mẹ để tự lập, sinh hoạt, học tập và sinh sống ở một môi trường mới khiến các em chông chênh mà không thể tâm sự cùng ai. Đây là lý do dẫn đến sang chấn tâm lý, stress và ảnh hưởng sức khỏe tinh thần.

“Nhiều sinh viên khi đối mặt với khó khăn, bế tắc, thậm chí là sự khắc nghiệt của cuộc sống (bị lừa phỉnh, tổn thương tình cảm, cô đơn) đã cố gắng chịu đựng không chia sẻ với ai, lâu dần rơi vào trạng thái bất ổn về tâm lý, tổn thương về tinh thần… Những trường hợp này nếu các thầy, cô giáo, chuyên gia tâm lý không kịp thời can thiệp, gỡ rối, các em rất dễ bị dẫn đến các hành động tiêu cực.

Việc phân biệt stress sinh lý và stress tâm lý, các biểu hiện khi bị stress rất quan trọng. Bởi, các giải pháp kiểm soát sẽ giúp không chỉ bác sĩ, chủ thể đang cần điều trị có hướng đi đúng đắn trong điều trị, mà quan trọng hơn là định danh được mầm mống tiêu cực đang nảy sinh và làm chủ hành vi sẽ giúp việc tham vấn, điều trị tốt hơn”, ThS Trần Thị Tâm Nhàn - Trưởng đơn vị Tâm lý - Phòng khám Đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói.

Theo TS tâm lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TPHCM, các trạng thái tổn thương tinh thần, stress, tổn thương tâm lý nơi sinh viên, giảng viên rất đa dạng. Nó có thể xuất phát từ yếu tố tự thân, sự tác động của môi trường sống, lối sống không đúng cách, thậm chí là từ chính áp lực giảng dạy, học hành… Tuy vậy, mọi sự tổn thương về tâm lý và tinh thần đều có điểm chung là cần được đồng hành, chia sẻ và tháo gỡ từ người khác.

“Với học sinh, sinh viên sự sang chấn tâm lý, stress, hay trầm cảm chúng ta có thể đo đếm, khái quát và nhận diện. Nhưng với lứa tuổi đã trưởng thành, chịu được áp lực như giảng viên thì việc nhận diện là không dễ dàng, bởi bản thân người đang chịu áp lực giấu hoặc không muốn chia sẻ. Vì vậy, vai trò và trách nhiệm của nhà trường, phòng tư vấn hay trung tâm tham vấn tâm lý tại các trường đại học phải biết nhận diện và tháo gỡ khúc mắc trên cho sinh viên, giảng viên.

Thực tế hiện nay, việc tham vấn và điều trị bất ổn tâm lý và tinh thần cho sinh viên, giảng viên ở một số trường đại học chỉ mới dừng lại ở góc độ đồng hành, chia sẻ và lắng nghe. Còn về lâu dài, các giải pháp điều trị chuyên sâu về tổn thương tâm lý thực tế không mấy trường làm tốt, trừ các trường có khoa, ngành tâm lý. Do đó, muốn làm tốt và có hiệu quả việc này, nhà trường buộc phải xây dựng và tập hợp được đội ngũ chuyên gia tâm lý có chuyên môn, tâm huyết và luôn lắng nghe, chia sẻ”, TS Bình nói.

Nói về nhu cầu tham vấn tâm lý, tư vấn tinh thần và trị liệu stress trong giới trẻ, nhất là đội ngũ sinh viên, giảng viên, ThS Trần Thị Tâm Nhàn - Trưởng đơn vị Tâm lý - Phòng khám Đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - thừa nhận nhu cầu rất lớn. Thế nhưng hiện nay, đội ngũ tham vấn, chuyên gia tâm lý từ nhiều trường đại học không chuyên vẫn chưa thể đảm trách hết được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ