Họ chấp nhận vất vả, làm việc 24/24 giờ tại phòng hồi sức tích cực, đổi lại là mức thu nhập kha khá, có khi lên tới hàng chục triệu đồng/tháng.
Bệnh viện cũng là… nhà
Tại bất cứ BV nào tại Hà Nội, nhất là ở các khoa hồi sức tích cực, cũng dễ dàng thuê được người nhận công việc chăm sóc bệnh nhân 24/24 giờ, thay cho người nhà.
Họ trở thành “điều dưỡng bất đắc dĩ”, ăn ở, sinh hoạt gói gọn trong phòng bệnh. Ngủ nằm cạnh bệnh nhân, hoặc ngả lưng trên giường bệnh bên cạnh. Công việc chuyên nghiệp như một điều dưỡng thực thụ, mặc dù chưa qua bất cứ trường lớp đào tạo nào.
Những “điều dưỡng” này thoăn thoắt, giờ nào việc ấy, họ không chỉ cho bệnh nhân ăn đường xông, thay ống xông, một mình lật qua lại người bệnh để thay ga, tắm rửa, vệ sinh, bôi thuốc, tháo thụt, theo dõi chỉ số trên máy móc với bệnh nhân phải thở máy...
Thậm chí, với bệnh nhân vừa qua đời, họ trực tiếp “tắm cho bệnh nhân lần cuối”, trước khi đưa vào nhà xác…
Chị Bùi Thị My (SN 1969, quê ở Phú Thọ), đang chăm bệnh nhân tại BV Quân y 354 cho biết: “Tôi lấy chồng đúng vào gia đình nghèo nhất xã. Nhà có ruộng với trâu nhưng công việc đồng áng vất vả, làm việc quần quật quanh năm mà chẳng đủ nuôi 3 đứa con ăn học.
Ở quê, muốn làm thuê mà chả có việc. Có chị hàng xóm đi làm ở Hà Nội về, có đồng ra đồng vào, khuyên ra Hà Nội làm ô sin, nếu không ngại khó, không sợ bẩn thì nhận chăm sóc người ốm, mỗi tháng cũng kiếm vài chỉ vàng, nên tôi theo làm. Ba đứa con giao phó cho chồng.
Mới đầu tôi làm giúp việc gia đình, chăm bà già bị tai biến hơn 70 tuổi, được 2 năm thì bà cụ mất”.
Sau một thời gian làm tại nhiều BV, chị My đã chọn trụ lại ở Khoa Hồi sức tích cực BV Quân y 354, đến nay đã được 6 năm. Hơn một năm qua, khi các con đã lớn, có cháu ngoại, chị My cùng chồng xuống Hà Nội nhận chăm sóc bệnh nhân. Toàn khoa có hơn 10 người giúp việc chăm sóc bệnh nhân thì riêng anh chị em trong gia đình chị My có tới 7 người.
Đều xuất thân từ nông dân, với những làng quê khác nhau như Phú Thọ, ngoại thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam… ai cũng chung mục đích ra phố chăm người bệnh để mong có tiền lo cho gia đình. Tùy theo điều kiện và nhu cầu của gia đình người bệnh, có thể thuê nam hoặc phụ nữ chăm sóc cho người ốm.
Tương tự như vợ chồng chị Bùi Thị My, anh Phương, quê ở Ba Vì (Hà Nội) có “thâm niên” gần 20 năm chuyên chăm sóc bệnh nhân ở BV Hữu nghị Việt - Xô. Còn chị Thúy, gần 40 tuổi, ở Vĩnh Phúc, cũng hơn 10 năm bám trụ trong BV làm “điều dưỡng”. Chỉ tính tại các BV lớn thì Hà Nội có hàng trăm người dân rời quê hương lên thành phố làm nghề chăm bệnh nhân.
Vất vả để… có thu nhập cao
Chăm bệnh nhân tuy vất vả nhưng lại là một nghề đem lại thu nhập cao cho người nông dân rời quê ra phố. Mức giá công nhật tính tùy từng BV và đối tượng bệnh nhân nặng hay nhẹ, thường dao động từ 300 - 500 nghìn đồng/bệnh nhân/ngày. Còn ngày Tết, giá 1 triệu/ngày với thời gian kéo dài từ 8 - 10 ngày.
Trong vai tìm thuê người chăm sóc cho bệnh nhân tại BV Hữu nghị Việt - Xô, tôi được một anh thanh niên dáng cao gầy tiếp thị: “Tôi có kinh nghiệm lâu năm chăm bệnh nhân. Giá bình thường 350 nghìn đồng/ngày là những bệnh nhân tỉnh táo, nhúc nhắc đi lại được. Ca nặng, thở máy, tiền công 400 nghìn đồng/ngày, cũng có nhà giàu chấp nhận giá thuê 500 nghìn đồng/ngày”.
Thấy tôi còn lưỡng lự chưa quyết thuê, anh ta bồi thêm: “Anh không tin cứ đi hỏi bệnh nhân trong sân này mà xem, tôi là người chăm bệnh nhân tốt nhất ở đây đấy”.
“Nhờ chăm chỉ làm và tích cóp, vợ chồng tôi đã lo cho 3 con ăn học đến nơi đến chốn, có việc làm. Hai con gái lớn học hết lớp 12, tôi cho đi lao động xuất khẩu ở Malaysia, sau về quê gả chồng. Đến lúc thằng út học xong đi làm ở Hà Nội thì bị tai nạn, phải nuôi con nằm viện, giờ cũng có việc làm ổn định.
Hai vợ chồng cũng tích cóp mua đất, làm cái nhà hết gần 600 triệu đồng còn nợ hơn 100 triệu đồng nhưng cả nhà tập trung kiếm tiền trả hết rồi. Kinh tế gia đình ổn hơn, cuộc sống tốt hơn”, chị Bùi Thị My chia sẻ.
Chẳng còn ám ảnh nơi “cửa tử”
Trong các BV, ở phòng bệnh nhân khoa hồi sức tích cực được coi là “cửa tử”. Khoảng cách giữa sự sống và cái chết rất gần. Bởi đa số bệnh nhân vào đây, có tới gần 70% “về với cõi vĩnh hằng”…
Với hơn 20 năm công tác tại BV Giao thông Vận tải, BS Trịnh Thị Hiền chia sẻ: “Dịch vụ chăm sóc bệnh nhân trong BV thực sự là giải pháp hữu ích cho người nhà bệnh nhân. Bởi nhiều người nằm viện trường kỳ, con cháu bận công việc nên không thể cả ngày trong viện chăm sóc. Tuy nhiên, chủ yếu là gia đình khá giả mới có khả năng thuê dịch vụ này”.
Khi hỏi chị My, lúc mới vào viện chăm sóc cho bệnh nhân chị có ngại không?, chị trả lời rành rọt: “Chả ngại đâu. Xác định là nghề nên càng không ngại. Để bệnh nhân không sạch sẽ thì mình không yên tâm và chẳng ai dám thuê.
Thực ra, mấy hôm đầu bệnh nhân ở nhà hoặc từ viện khác sang thì cũng bẩn lắm, tôi phải mua thuốc sát khuẩn pha vào nước lau rửa cho bệnh nhân. Mình trực tiếp, gắn bó hàng ngày cùng họ, để bệnh nhân lở loét thì khổ người ta, khổ cả mình”.
“Với những bệnh nhân nặng thì phải thức đêm để theo dõi qua máy, quan sát bệnh nhân để có gì còn kịp thời xử lí. Nếu trường hợp máy báo bệnh nhân sắp “đi”, tôi gọi ngay cho người nhà vào viện kịp nhìn người thân lần cuối. Đấy, chiều nay một cụ tôi trông 79 tuổi, suy hô hấp đã mất”, chị My chia sẻ thêm.
Rời quê hương ra phố, nhiều người đã bám trụ thành phố, ngày ngày nhận công việc chăm sóc bệnh nhân để có tiền lo toan cho gia đình. Chỉ có ngày Tết, hoặc gia đình có việc cực kỳ quan trọng họ mới tranh thủ về quê. 24/24 giờ họ gắn bó với phòng hồi sức tích cực, coi BV là nhà. Nghề không có trong bảo hiểm xã hội nhưng đáp ứng được nhu cầu xã hội.