Chấm kiểm tra – bảo đảm công bằng cho thí sinh

Chấm kiểm tra – bảo đảm công bằng cho thí sinh

(GD&TĐ) - Theo đánh giá của nhiều cán bộ tham gia chấm thi, thường thì cán bộ chấm thi sẽ làm hết trách nhiệm của mình, tự bản thân họ khi làm việc đều nghĩ đến công bằng cho thí sinh. Tuy nhiên, cũng không thể khẳng định hoàn toàn không có sai sót nào. Chính vì thế, việc chấm kiểm tra là cần thiết, không những nó đảm bảo công bằng cho thí sinh mà còn nâng cao trách nhiệm của cán bộ chấm.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định: Cùng với việc bảo đảm nguyên tắc chấm theo 2 vòng độc lập, thì việc quy định chấm kiểm tra cũng là cách để giám sát trách nhiệm của người chấm.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kim đã có những bài thi tự luận giám khảo phải tốn rất nhiều thời gian, thậm chí phải tranh luận gay gắt giữa 2 giám khảo của 2 vòng chấm vì chênh lệch điểm. Ông dẫn chứng trường hợp cùng một bài thi, giám khảo vòng một cho 7 điểm nhưng giám khảo vòng 2 chỉ chấm 5 điểm. Với kinh nghiệm nhiều năm chấm thi môn Sử, ông Kim cho rằng: Để chấm bài thi các môn xã hội đã phức tạp, nhất là khi đề thi ra theo hướng “mở” lại càng phức tạp hơn vì đáp án và hướng dẫn chấm thi của Bộ có nhưng có những thí sinh đưa ra các kiến giải rất hay, rất sáng tạo nhưng lại không hề trùng với đáp án. Lúc này, cán bộ chấm thi phải đưa ra những lý lẽ thật thuyết phục với hội đồng chấm cho điểm thí sinh đó. 

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tiếp tục là một trong những trường có số lượng thí sinh dự thi vào loại đông nhất với gần 43.000 thí sinh dự thi. Nhận định về “chấm kiểm tra”, thầy giáo Chúc Hoàng Nguyên - Tổ trưởng tổ chấm Toán của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho biết: Số lượng bài chấm khá nhiều, chúng tôi thường nhắc nhở cán bộ chấm phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm. Nhận định về việc này, ông Kiều Xuân Thực - Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: Việc quy định chấm kiểm tra theo tôi là rất tốt vì sẽ tăng thêm phần giám sát đối với cán bộ coi thi. Chủ trương chấm 5% khiến người chấm chịu áp lực, bắt buộc phải chấm chính xác; nếu không chấm cẩn thận sẽ phải thảo luận, thống nhất, mất thời gian.

c
Đại học Công nghiệp Hà Nội đảm bảo chấm thi đúng quy chế

Còn ở Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), theo bà Hà Kim Anh - Trưởng phòng Đào tạo thì: Lo ngại nhất đối với cán bộ chấm thi trắc nghiệm là thí sinh tô sai mã đề. Nhà trường yêu cầu các cán bộ chấm thi, hội đồng chấm làm đúng quy trình như kiểm tra 2 mã đề (một bằng chữ và một tô theo ô tròn) trong bài làm của thí sinh xem có khớp nhau không. Khi phát hiện hai mã đề không khớp nhau, Hội đồng chấm cần kiểm tra lại và có thể cử 2 - 3 giáo viên chấm tay bài thi đó. Đến nay, thêm quy định chấm kiểm tra chắc chắn sẽ làm tăng thêm độ chính xác, đảm bảo công bằng cho thí sinh và cũng khiến cán bộ chấm thi trách nhiệm với công việc của mình hơn.

Đánh giá về chủ trương chấm kiểm tra 5% bài thi, ông Hoàng Minh Sơn - Trưởng phòng đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: Cơ bản người chấm thi vòng 1 và 2 thống nhất được với nhau và hầu như không thay đổi khi chấm 5% - chỉ có số ít bài chênh lệch 0,25 điểm. Từ khi chưa có quy định chấm 5%, trường tôi cũng đã chấm kiểm tra và còn chấm nhiều hơn 5%, thường mỗi túi bài (30 - 40 bài thi) sẽ rút 2 - 3 bài để chấm lại xem có sai sót gì hay không. Ông Sơn cho rằng, việc chấm kiểm tra 5%, ngoài việc phát hiện sai lệch để điều chỉnh và rút kinh nghiệm thì cũng là nhắc nhở cán bộ chấm thi trách nhiệm hơn.   

Cũng như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Thủy lợi cũng cho biết trước đây nhà trường vẫn chấm kiểm tra 2 - 3% tổng số bài thi. Nhận định về quy định chấm kiểm tra 5% của Bộ, ông Trịnh Minh Thụ - Phó Hiệu trưởng, cho rằng: Thực ra, đối với các trường chấm thi nghiêm túc, chấm đúng theo nguyên tắc 2 vòng độc lập như quy định thì hình thức chấm 5%  không cần thiết. Tuy nhiên, không ngoại trừ trường hợp có trường không thực sự nghiêm túc, chưa tuân thủ việc chấm 2 vòng độc lập để đẩy nhanh tiến độ chấm, hay vì một lý do gì đó. Chính vì vậy, quy định chấm 5% kiểu này là rất hữu ích, việc này khiến các trường và cán bộ chấm trách nhiệm hơn. 

Dĩ Hạ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ