Chấm dứt dự án treo

GD&TĐ - Các dự án treo làm lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dự án treo còn gây bức xúc trong dư luận.

Theo số liệu chưa đầy đủ, cả nước hiện có 3.088 dự án, công trình đang chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích 80,4 nghìn ha, trong đó có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất, nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng với tổng diện tích hơn 60,3 nghìn ha.

Nói những con số trên chưa đầy đủ bởi đây mới chỉ tổng hợp từ báo cáo gần nhất của 48 tỉnh, thành phố. Nếu có thêm số liệu của 15 tỉnh, thành phố còn lại, thì số lượng dự án treo và đất đai để hoang, cỏ mọc xanh rì chắc chắn nhiều hơn nữa.

Các dự án treo không chỉ làm lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương, mà còn gây bức xúc trong dư luận. Vậy nhưng thực trạng dự án treo tồn tại từ lâu, song không được xử lý dứt điểm. Thậm chí có những dự án “treo” hai ba thập kỷ, “vắt” qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo.

Trong số các dự án treo đó, chắc chắn không thiếu những nhà đầu tư có biểu hiện găm đất, giữ đất, không chịu thực hiện các thủ tục để triển khai dự án. Cũng có thể có những quan chức địa phương “giúp đỡ” doanh nghiệp sân sau của mình thao túng các dự án, khiến người có năng lực thì bị gây khó khăn trong đầu tư, triển khai dự án, kẻ thì nghiễm nhiên “ôm” đất, để dự án hoang hóa mà chính quyền thì chậm trễ thu hồi, thậm chí buông luôn việc xử lý…

Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp nói dự án treo là bất đắc dĩ, và rằng họ cũng là “nạn nhân”. Một vị giám đốc cho biết, dự án của ông trên diện tích 20ha, đã giải phóng được 15ha nhưng còn 5ha nữa người dân không đồng ý nhận tiền đền bù. Vậy là dự án bất động gần 15 năm nay, còn doanh nghiệp rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, thiệt hại đủ đường.

Trước tình hình này, mới đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các địa phương rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”; nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án.

Tuy nhiên, thực tế là thời gian qua các địa phương hiện mới chỉ thực hiện được việc thu hồi quyết định chấp thuận đầu tư nếu dự án chưa triển khai. Với những dự án chậm triển khai vẫn đang gặp khó, nhất là những trường hợp đất do chủ đầu tư tự đền bù, giải phóng mặt bằng – điều này ngoài những lý do “chủ quan” thì còn do Luật Đất đai hiện chưa nêu rõ dự án “treo” trong bao lâu thì bị hủy bỏ, cũng chưa làm rõ như thế nào là không đưa vào sử dụng.

Đã có những doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này, triển khai dự án kiểu nhỏ giọt, mỗi năm làm một chút để đối phó với cơ quan chức năng.

Dù không dễ dàng nhưng mạnh tay thu hồi, mạnh tay xử phạt các chủ đầu tư chậm triển khai dự án là rất cần thiết; đồng thời phải gắn trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu với những dự án dù chậm tiến độ nhiều năm vẫn nằm đó “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Chậm ngày nào là thiệt hại, lãng phí nguồn lực đất đai ngày đó.

Cùng với đó, trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai phải khắc phục được những lỗ hổng hiện nay; xây dựng chế tài đủ sức răn đe với chủ đầu tư nếu để đất hoang hóa.

Ở các nước phát triển, nếu chủ đầu tư để đất hoang hóa sẽ bị đánh thuế rất nặng và nguồn thu này dùng để phân phối hợp lý cho những người bị thu hồi đất, dùng cho mục đích tái định cư, phát triển các khu dịch vụ cộng đồng. Điều này cần được tính tới ở nước ta để chấm dứt dự án treo, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ